Việt Nam chính thức lập quy hoạch tu bổ, bảo tồn một di tích quốc gia đặc biệt
Việc lập quy hoạch nhằm bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị của di tích quốc gia đặc biệt này.
Theo thông tin từ Cổng TTĐT Chính phủ, ngày 30/6, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính đã ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn (TP Đà Nẵng) đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo nội dung quyết định, phạm vi nghiên cứu quy hoạch bao phủ khoảng 30.875ha, không chỉ bao gồm khu vực khoanh vùng bảo vệ của Di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn mà còn mở rộng tới các địa điểm liên quan như Trà Kiệu, Bằng An, lưu vực sông Thu Bồn cùng nhiều di chỉ khảo cổ và phế tích Champa khác.
Về quy mô, quy hoạch tập trung vào toàn bộ 1.158ha thuộc khu vực khoanh vùng bảo vệ I và II của Khu đền tháp Mỹ Sơn, căn cứ theo Quyết định số 1272 ngày 12/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Phạm vi này là cơ sở quan trọng để xác định ranh giới bảo tồn và định hướng phát triển phù hợp.
Quyết định nhấn mạnh, đối tượng nghiên cứu trong công tác lập quy hoạch bao gồm hệ thống đền tháp, phế tích, dấu tích kiến trúc - khảo cổ học, cùng với cảnh quan tự nhiên như núi rừng, khe suối... Đây là những yếu tố làm nên giá trị đặc sắc và tiêu biểu của di tích Mỹ Sơn.
Đồng thời, các yếu tố văn hóa phi vật thể như lễ hội truyền thống, phong tục tập quán và truyền thuyết dân gian cũng được xem xét trong quá trình quy hoạch.

Mục tiêu của việc lập quy hoạch là bảo tồn và khôi phục các giá trị lịch sử, văn hóa của Di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch còn góp phần bảo vệ tài nguyên rừng, duy trì đa dạng sinh học và gìn giữ di sản văn hóa gắn liền với cộng đồng cư dân địa phương. Những định hướng này được xây dựng trên nền tảng kế thừa mục tiêu từ Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn 2008-2020.
Ngoài vai trò bảo tồn, quy hoạch còn hướng đến việc phát huy giá trị của di tích như một điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn, có khả năng kết nối với các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh khác trong khu vực. Qua đó hình thành chuỗi sản phẩm du lịch bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nội dung quyết định cũng nêu rõ, nhiệm vụ lập quy hoạch cần xác định các yêu cầu cụ thể trong quá trình nghiên cứu, khảo sát và đánh giá hiện trạng di tích. Đồng thời, cần xem xét các yếu tố kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên và môi trường có liên quan đến nội dung quy hoạch.

Thời gian thực hiện quy hoạch được Chính phủ quy định không vượt quá 24 tháng kể từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt (không bao gồm thời gian thẩm định, phê duyệt dự toán, tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn và thẩm định, phê duyệt quy hoạch).
Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP Đà Nẵng chủ trì tổ chức thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch, đồng thời có trách nhiệm bố trí nguồn vốn, phê duyệt dự toán chi phí và các khoản chi liên quan. UBND TP Đà Nẵng cũng sẽ phân công cơ quan chủ đầu tư và lựa chọn đơn vị tư vấn theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Ngoài ra, UBND TP Đà Nẵng được yêu cầu phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các bộ, ngành liên quan trong quá trình tổ chức lập và trình thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa.
Đơn vị này cũng phải chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan về nội dung, phạm vi và ranh giới của quy hoạch đề xuất…
Tổ chức Khoa học và giáo dục của UNESCO đã ghi danh Khu di tích Mỹ Sơn là Di sản Văn hóa thế giới với hai tiêu chuẩn: Một là điển hình nổi bật về sự giao lưu văn hóa với sự hội nhập văn hóa bên ngoài vào văn hóa bản địa, đặc biệt là nghệ thuật kiến trúc Ấn Độ giáo; hai là phản ánh sinh động tiến trình phát triển lịch sử văn hóa Chăm trong lịch sử Đông Nam Á. Ngày nay, khu di tích Mỹ Sơn chỉ còn khoảng chừng 30 đền tháp, nhưng không công trình nào còn nguyên vẹn.