Trung Quốc ngừng nhập khẩu hải sản từ Nhật, các doanh nghiệp Việt kỳ vọng lãi lớn nửa cuối năm
Cục Hải quan Trung Quốc thông báo ngừng nhập khẩu tất cả các loại hải sản của Nhật Bản từ ngày 24/8 do lo sợ ảnh hưởng từ việc xả nước thải từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Theo báo cáo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, trong tháng 7/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 779 triệu USD, giảm 17% so với tháng 7/2022. Mức giảm này đã thu hẹp dần so với mức giảm 23% của tháng 6 và các tháng trước đó.
Tính chung 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 4,9 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng 7, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, Trung Quốc cải thiện đáng kể, trong khi xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Canada, Đức, Hà Lan vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.
Cụ thể, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Mỹ trong tháng 7 đạt 146 triệu USD, chỉ còn giảm 11% so với tháng 7/2022, thấp hơn mức giảm 30% của tháng 6. Tính chung 7 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 854 triệu USD, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2022.
Cục xuất nhập khẩu cho rằng lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt sẽ là yếu tố hỗ trợ nhu cầu tiêu dùng tại thị trường này, tạo điều kiện cho xuất khẩu thủy sản của nước ta.
Tương tự như Mỹ, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc trong tháng 7 cũng có tín hiệu khả quan khi lần đầu tăng trưởng dương sau 4 tháng liên tiếp sụt giảm.
Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc trong tháng 7 đạt 115 triệu USD, tăng 8% so với tháng 7/2022. Tính chung 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 750 triệu USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, thông tin mới nhất, Cục Hải quan Trung Quốc thông báo ngừng nhập khẩu tất cả các loại hải sản của Nhật Bản từ ngày 24/8 do lo sợ ảnh hưởng từ việc xả nước thải từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Trước đó Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho rằng Trung Quốc hiện đang là thị trường được kỳ vọng nhất cho doanh nghiệp thủy sản khi nửa cuối năm 2023, kinh tế Trung Quốc ổn định hơn, thu nhập và tiêu dùng của người dân tăng dần.
Bức tranh kinh doanh ảm đạm nửa đầu năm
Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn mã (VHC) đã công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023 dù sụt giảm so với cùng kỳ 2022 nhưng đã có sự tăng trưởng đáng kể so với quý 1/2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm với 4.970 tỷ doanh thu và 655,5 tỷ lãi sau thuế, lần lượt giảm 35% và 51% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2023, Vĩnh Hoàn thông qua kế hoạch kinh doanh với 11.500 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất và 1.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Do đó, nửa đầu năm Công ty đã thực hiện được 43% chỉ tiêu doanh thu và hơn 65% chỉ tiêu lợi nhuận.
Tình hình xuất khẩu của Công ty đã liên tục giảm nhiều tháng liền. Trong thông báo mới nhất cho tháng 6/2023, Vĩnh Hoàn cho biết doanh thu thị trường châu Âu giảm 32%; thị trường Mỹ giảm 25%; thị trường Trung Quốc giảm 24%; và các thị trường khác ghi nhận doanh thu giảm 36%.
Đối với Công ty cổ phần Nam Việt (ANV), VCBS cho biết, doanh nghiệp hiện vẫn đang cơ cấu lại cấu trúc thị trường xuất khẩu.
Trước đó, trao đổi tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2023, ông Doãn Chí Thiên, Trợ lý Tổng giám đốc Navico cho biết, lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, sản phẩm của Navico chiếm 10,28% thị phần tại thị trường Trung Quốc và 6,7% tại thị trường Mỹ. Do đó, doanh nghiệp nhận định vẫn còn dư địa tại thị trường Trung Quốc để doanh nghiệp khai thác trong quý 3, quý 4/2023 và phát triển thận trọng ở thị trường Mỹ.
Về kết quả kinh doanh, quý 2/2023, Navico ghi nhận doanh thu thuần 1.074 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Do sức mua của các nước nhập khẩu giảm, giá bán liên tục giám mạnh, chi phí giá vốn tăng cao, công ty ghi nhận quý 2/2023 lỗ 51 tỷ đồng – đây là mức lỗ cao nhất của công ty từ trước tới nay.
Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Navico đạt 2.229 tỷ đồng, giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Do khoản lỗ trong quý 2, 6 tháng đầu năm Navico ghi nhận lãi sau thuế chỉ bằng 1/11 cùng kỳ 2022, đạt hơn 41 tỷ đồng.
Năm 2023, Navico lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu đạt 5.200 tỷ đồng, tăng 5,3% và lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng, giảm 35% so với thực hiện của năm 2022. Kết thúc 2 quý đầu năm, doanh nghiệp đã hoàn thànnh được 43% mục tiêu doanh thu và 11% mục tiêu lợi nhuận. Để hoàn thành được mục tiêu đã đề ra, Navico sẽ phải nỗ lực rất nhiều trong giai đoạn nửa cuối năm.
CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã chứng khoán: FMC) cũng có kết quả không mấy khả quan với doanh thu thuần 6 tháng đầu năm ghi nhận 2.043 tỷ đồng, giảm 26% so với thực hiện nửa đầu năm trước. Khấu trừ chi phí, doanh nghiệp lãi ròng 112,3 tỷ đồng, giảm 27%. Như vậy, doanh nghiệp đã hoàn thành 35% kế hoạch doanh thu và 32% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Một trong những nguyên nhân lớn khiến lợi nhuận của Thực phẩm Sao Ta giảm chính là sản lượng xuất khẩu giảm, đồng thời giá tôm tiêu thụ của thế giới đã chạm đáy trong giai đoạn đầu năm vừa qua.
Tại Hội thảo Quốc tế Ngành tôm 2023 diễn ra vào chiều ngày 23/08, ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch FMC chia sẻ: "Tôm Việt hiện nay đang giai đoạn tăng tốc giao hàng vì tiêu thụ gần cuối năm cần tôm chế biến sâu đáp ứng mảng dịch vụ có nhu cầu tăng lên (nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, sòng bài…)". Điều này cũng thể hiện qua số liệu doanh thu tiêu thụ của CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC). Trong tháng 7/2023, doanh thu tiêu thụ của FMC đạt 21.3 triệu USD, là mức cao nhất trong gần 1 năm qua.
Trước đó, FMC đã có những bước chuẩn bị cho giai đoạn cao điểm cuối năm. Cuối quý 2/2023, Công ty tăng mạnh hàng tồn kho lên gần 1.3 ngàn tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay.
Ảnh hưởng từ việc giá tôm chạm đáy, “Vua tôm” Minh Phú (Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú - MPC)ghi nhậndoanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4.472 tỷ đồng, giảm 49% cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp vẫn ghi nhận lỗ sau thuế hơn 88 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi 242 tỷ đồng.
Năm 2023, Thủy sản Minh Phú đặt kế hoạch doanh thu gần 12.790 tỷ đồng, giảm khoảng 22% so với thực hiện trong năm trước. Lợi nhuận sau thuế cũng “đi lùi” 23% xuống còn 639 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm kinh doanh, công ty đã thực hiện được 35% mục tiêu về doanh thu và còn cách rất xa mục tiêu lợi nhuận.
Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Thủy sản Minh Phú đạt 10.433 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho chiếm tới 53% tổng tài sản, ghi nhận giá trị 5.608 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm, lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi của MPC đạt 338 tỷ đồng, giảm mạnh 62% so với thời điểm đầu năm.
Triển vọng tươi sáng nửa cuối năm
Theo Bộ Công Thương, lạm phát tại các nền kinh tế lớn được dự báo tiếp tục hạ nhiệt. "Lạm phát giảm có thể kích thích tiêu dùng, trong khi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cũng thường tăng cao vào dịp lễ hội cuối năm" - đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Một yếu tố thuận lợi khác cho xuất khẩu các tháng cuối năm được Bộ Công Thương chỉ rõ là từ Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Cụ thể, kinh tế Mỹ tăng trưởng cao hơn dự kiến, tồn kho hàng hóa tiếp tục giảm. Ngoài ra, việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa nguồn cung, chuỗi cung ứng, đầu tư sẽ giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Các yếu tố như hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có với các đối tác thị trường lớn của Việt Nam như châu Âu, châu Mỹ tiếp tục có tác động tích cực đối với thương mại, đầu tư và xuất khẩu. Một số mặt hàng may mặc bắt đầu được hưởng thuế nhập khẩu 0% vào thị trường EU theo hiệp định EVFTA... sẽ là điều kiện thuận lợi để DN đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo trong các tháng cuối năm 2023, yếu tố lạm phát, lượng hàng tồn kho sẽ có xu hướng giảm, giúp xuất khẩu thủy sản đạt kết quả khả quan.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự báo xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 có thể sẽ dừng ở mức 9 – 10 tỉ USD.