Nhiều chuyên gia nhận định các tiêu chuẩn mới của Trung Quốc hướng tới mục đích đưa sữa công thức cho trẻ càng gần sữa mẹ càng tốt, đòi hỏi chất lượng sản phẩm phải cao hơn.
Mặt hàng sữa công thức tại một siêu thị ở Trung Quốc. Ảnh: SCMP. |
việc Trung Quốc vừa đưa ra các tiêu chuẩn dinh dưỡng nghiêm ngặt đối với sữa công thức dành cho trẻ em có nguy cơ khiến nhiều thương hiệu sữa quốc tế rời bỏ thị trường này, trong bối cảnh tỷ lệ sinh tại Trung Quốc có xu hướng giảm.
Các quy định mới được áp đặt từ tháng 2/2023, buộc các nhà sản xuất sữa công thức cho trẻ phải đầu tư mạnh hơn để sản xuất, tiến hành thử nghiệm, chứng nhận và đăng ký lại sản phẩm của họ với các cơ quan chức năng Trung Quốc, trước khi có thể đưa ra thị trường.
Nhiều chuyên gia nhận định các tiêu chuẩn mới hướng tới mục đích đưa sữa công thức cho trẻ càng gần sữa mẹ càng tốt. Nhưng đây là các tiêu chuẩn khắt khe nhất thế giới.
Nhà phân tích Quinn Mai của công ty Euromonitor International cho biết tiêu chuẩn mới đòi hỏi chất lượng sản phẩm phải cao hơn, cũng như kỹ thuật sản xuất tốt hơn, dự kiến sẽ khiến các nhà sản xuất sữa quy mô nhỏ và vừa bị loại bỏ khỏi thị trường.
Hồi năm 2008, ít nhất 6 trẻ tử vong và hơn 300.000 trẻ bị ốm do sữa công thức Trung Quốc nhiễm melamine, một hóa chất độc hại được sử dụng để tăng điểm protein sữa trong quá trình kiểm duyệt chất lượng sản phẩm.
Cuộc điều tra cho thấy hơn 20 công ty Trung Quốc có liên quan. Đây là một trong hàng loạt vụ bê bối về an toàn thực phẩm đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của người tiêu dùng.
Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) của Trung Quốc đã đề cập đến sự an toàn của trẻ khi công bố các tiêu chuẩn sữa mới nhất.
Celia Ning, Giám đốc Viện nghiên cứu dinh dưỡng của nhà sản xuất sữa công thức Junlebao, cho biết quá trình đăng ký có thể mất đến một năm.
Theo các chuyên gia phân tích trong ngành, sẽ chỉ có vài chục thương hiệu được cấp phép trong những tháng tới.
Theo các tiêu chuẩn trước đây, có khoảng 400 thương hiệu sữa công thức cho trẻ em lưu hành tại thị trường Trung Quốc.
Theo dữ liệu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), tại Trung Quốc chỉ có khoảng 28% các bà mẹ lựa chọn nuôi con bằng sữa mẹ, một tỷ lệ thấp hơn nhiều so với 50% ở Ấn Độ và 75% ở Mỹ.
Tuy nhiên, tỷ lệ sinh của Trung Quốc năm ngoái chỉ là 6,77ca sinh/1.000 người, mức thấp nhất trong lịch sử.
Các chuyên gia của Liên hợp quốc dự báo dân số Trung Quốc sẽ giảm 109 triệu vào năm 2050.
Trước đó, theo tờ Thời báo Hoàn cầu ngày 15/5, Hiệp hội kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc (CFPA), cơ quan thực hiện các biện pháp dân số và sinh sản của chính phủ, sẽ khởi động các dự án khuyến khích phụ nữ kết hôn và sinh con.
Theo báo trên, trọng tâm của các dự án là khuyến khích lập gia đình, sinh con ở độ tuổi phù hợp, khuyến khích cha mẹ chia sẻ trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc con cái và hạn chế việc đòi sính lễ cao cùng một số hủ tục lạc hậu khác khác.
Các dự án trên được đưa ra trong bối cảnh các địa phương của Trung Quốc cũng đang triển khai một loạt biện pháp khuyến khích người dân sinh con, trong đó có ưu đãi thuế, trợ cấp nhà ở và miễn hoặc hỗ trợ học phí cho gia đình sinh con thứ ba.