Cơ quan Quản lý Dữ liệu Quốc gia (NDA) Trung Quốc thông báo siêu dự án điện toán quốc gia nước này sẽ bắt đầu hoạt động vào năm tới, nhằm hỗ trợ công nghệ trí tuệ nhân tạo và các công nghệ kỹ thuật số khác.
Dự án nhằm tập hợp các trung tâm điện toán quốc gia thành một nhóm sức mạnh siêu máy tính siêu tập trung, để hỗ trợ cho các trung tâm dữ liệu khu vực và dự án “Đông dữ liệu - Tây điện toán” đã được triển khai từ đầu năm 2022.
Theo NDA, Trung Quốc đang đối mặt tình trạng mất cân bằng giữa các khu vực, khi tài nguyên kỹ thuật số nằm chủ yếu ở các khu vực thịnh vượng hơn ở miền đông, còn năng lực điện toán phân bổ ở phía tây đất nước.
“Khoảng cách về sức mạnh tính toán giữa phương đông và phương tây đã thu hẹp trong những năm gần đây, nhưng vẫn còn những vấn đề cần giải quyết”, Tân Hoa Xã dẫn lời một quan chức NDA giấu tên cho hay.
Vấn đề chính xoay quanh sự mất cân bằng trong việc phân bổ sức mạnh điện toán tổng hợp, điện toán thông minh và siêu máy tính tại các trung tâm điện toán quốc gia.
Ngoài ra, theo quan chức NDA, các vấn đề khác bao gồm nguy cơ bảo mật trong các cụm trung tâm dữ liệu, cũng như khả năng điều phối hạn chế và chất lượng truyền mạng thấp, khiến chỉ có một khối lượng công việc giới hạn được chuyển sang các trung tâm dữ liệu ở phía tây.
Tuần trước, Bắc Kinh ban hành chỉ thị “triển khai triệt để” dự án “Đông dữ liệu - Tây điện toán”, đẩy nhanh việc xây dựng mạng lưới điện toán tích hợp toàn quốc. Theo đó, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, NDA, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin (MIIT) và Cục Quản lý Năng lượng Quốc gia, có trách nhiệm phối hợp để đảm bảo các trung tâm điện toán quốc gia, đến năm 2025, sẽ chiếm tỷ trọng chủ yếu trong sức mạnh điện toán đất nước.
Các cơ quan cũng phải đảm bảo công nghệ lõi của mạng lưới phải tin cậy và an toàn, các trung tâm điện toán hoạt động hiệu quả cao, với ít nhất 80% năng lượng sử dụng là năng lượng xanh.
Trụ cột nền kinh tế số
Cũng trong nội dung siêu dự án, Trung Quốc thành lập 8 trung tâm điện toán quốc gia, ở tỉnh phía tây Cam Túc, phía nam tỉnh Quý Châu, các khu tự trị phía tây bắc Nội Mông và Ninh Hạ, cũng như 4 trung tâm ở khu vực Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc, khu vực đồng bằng sông Dương Tử, khu vực Vịnh Lớn Quảng Đông-Hồng Kông-Ma Cao và vòng tròn kinh tế Thành Đô-Trùng Khánh.
Sức mạnh tính toán là trụ cột của nền kinh tế kỹ thuật số và là chìa khóa để phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn, công nghệ đang được sử dụng để đào tạo các chatbot hỗ trợ AI như ChatGPT.
Theo kế hoạch hành động do MIIT công bố năm ngoái, trong bối cảnh Mỹ kiểm soát xuất khẩu thiết bị sản xuất chip, Trung Quốc đặt mục tiêu đạt tổng sức mạnh tính toán hơn 300 exaflop vào năm 2025, tăng hơn một nửa so với năm 2023.
Exaflop là đơn vị đo tốc độ của máy tính, tương đương sứ, một exaflop tương đương sức mạnh hoàn thành một tỷ tỷ phép tính mỗi giây. MIIT cho biết, đến năm 2022, sức mạnh tính toán của Trung Quốc đã đạt 197 exaflop, đứng thứ hai trên toàn cầu sau Mỹ.
Trung Quốc và Mỹ là hai quốc gia đứng đầu danh sách chỉ số sức mạnh tính toán toàn cầu 2022-2023 do Đại học Thanh Hoa, Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế và nhà cung cấp dữ liệu lớn hàng đầu Trung Quốc Inspur công bố năm ngoái.
Chỉ số này được biên soạn để dự báo xu hướng công nghệ bằng cách theo dõi sự phát triển của sức mạnh tính toán toàn diện, hiệu quả tính toán, ứng dụng và cơ sở hạ tầng tại 15 quốc gia đại diện cho các quốc gia dẫn đầu, theo sau và khởi đầu về công nghệ. Mỹ đứng đầu danh sách năm ngoái, tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Singapore và Anh.