Thương mại Việt Nam – Trung Quốc bứt phá, hướng tới kỷ lục chưa từng có
Thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc còn rất nhiều dư địa để phát triển.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục với 185,4 tỷ USD, vượt kim ngạch cả năm trước gần 15 tỷ USD.
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 55,2 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2023 ghi nhận giảm 0,9%. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ thị trường tỷ dân đạt 130,2 tỷ USD, tăng 29,7%.
Như vậy, Việt Nam nhập siêu khoảng 75 tỷ USD, tăng 67,7%. So với cả năm ngoái, nhập siêu của 11 tháng năm 2024 đã tăng thêm hơn 25 tỷ USD. Trung bình 11 tháng năm 2024, kim ngạch thương mại hai nước đạt 16,8 tỷ USD/tháng.
Theo dự tính của Bộ Công thương, hoạt động trao đổi thương mại hàng hóa 2 chiều vẫn đang diễn ra sôi động, đặc biệt vào tháng cuối cùng của năm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của 2 quốc gia.
Kim ngạch thương mại 2 chiều của Việt Nam – Trung Quốc dự kiến có thể đạt 200 tỷ USD – một con số cao kỷ lục từ trước đến nay (khoảng ¼ tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước).
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu là nông, lâm, thủy sản, tăng 11%, đạt 12,2 tỷ USD. Các mặt hàng khác cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh như như rau quả (khoảng 4,1 tỷ USD, tăng 28,7%); thủy sản (1,4 tỷ USD, tăng 23,2%); gỗ và sản phẩm gỗ (1,7 tỷ USD, tăng 22,3%).
Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là hàng công nghệ chế biến, chế tạo có giá trị lớn như điện thoại, máy tính, linh kiện, sắt thép, xơ sợi và giày dép,... Những mặt hàng này đã chiếm gần 70% kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thương mại song phương giữa 2 nước còn rất nhiều dư địa để phát triển. Các cảng biển Trung Quốc rất gần các cảng biển của Việt Nam; các cửa khẩu ở biên giới Việt Nam nằm rất gần các chợ đầu mối Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi trong việc di chuyển, bảo quản hàng hóa, giúp tiết kiệm chi phí,...
Ngoài ra, lợi thế về các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà hai nước cùng là thành viên giúp cho tình hình xuất nhập khẩu giữa 2 nước có nhiều thuận lợi hơn.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong 11 tháng năm 2024 sơ bộ đạt 715,55 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 15,4%. Trong đó, xuất khẩu tăng 14,4% và nhập khẩu tăng 16,4%.
Tính chung 11 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 369,93 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, số lượng mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD là 36, chiếm 94,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,5%.
Về nhập khẩu, theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 11 tháng năm 2024 sơ bộ đạt 345,62 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước ghi nhận tăng 16,4%.
Như vậy, trong 11 tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,31 tỷ USD, thấp hơn cùng kỳ năm trước (26,2 tỷ USD).
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng qua, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 108,9 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 130,2 tỷ USD.