Trung tâm A0 cho biết tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện và nhập khẩu năm 2022 dự kiến đạt 275,5 tỷ kWh, tăng gần 8% so với năm 2021.
Trung tâm A0 cho biết tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện và nhập khẩu năm 2022 dự kiến đạt 275,5 tỷ kWh, tăng gần 8% so với năm 2021. Song, trung tâm A0 sẽ không bổ sung nguồn điện gió, điện mặt trời.
Mới đây, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) thông tin về kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện Quốc gia năm 2022.
Theo đó, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu toàn quốc (bao gồm cả sản lượng điện mặt trời mái nhà) năm 2022 dự kiến đạt 275,5 tỷ kWh, tăng gần 8% so với năm 2021.
Theo đó, tổng sản lượng thủy điện dự kiến là 82,5 tỷ kWh, cao hơn 3,8 tỷ kWh so với năm 2021. Các nguồn điện truyền thống dự kiến vào vận hành năm 2022 là 3.407 MW, bao gồm các nhà máy nhiệt điện lớn (600 MW/tổ máy) như Nghi Sơn 2 và Sông Hậu 1.
Đặc biệt, trong năm 2022, trung tâm A0 không bổ sung nguồn điện gió, điện mặt trời trang trại và điện mặt trời mái nhà.
Ngoài ra, khả năng cấp khí cho sản xuất điện năm 2022 trong những ngày bình thường từ nguồn khí Đông Nam Bộ đạt từ 13,5 - 14,5 triệu m3 khí/ngày, khí Tây Nam Bộ đạt từ 3,9 - 4,5 triệu m3/ngày.
Năm 2022, Việt Nam dự kiến mua điện Trung Quốc với sản lượng khoảng 380 triệu kWh trong các tháng 5, 6.
Đối với miền Bắc, trong năm 2022, phụ tải đỉnh miền Bắc dự kiến tăng trưởng 9,5 - 13%, tương đương nhu cầu tăng thêm 2.497 - 2.870 MW/năm.
Trong bối cảnh không có nhiều nguồn mới bổ sung, miền Bắc sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro thiếu hụt công suất đỉnh, đặc biệt trong các tháng nắng nóng cao điểm (5 - 6 - 7).
Với thực tế này, Trung tâm A0 đã đề xuất các biện pháp nâng cao khả năng cấp điện cho miền Bắc như điều chỉnh lịch sửa chữa, thay đổi kết dây khu vực Nghi Sơn khi cần thiết để tận dụng tối đa khả năng cấp điện của nhà máy Nghi Sơn 2 cho miền Bắc.
Đồng thời, đề xuất và tính toán mua điện Trung Quốc theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đẩy mạnh triển khai chương trình Điều chỉnh phụ tải điện (DR).
Ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Giám đốc Trung tâm A0 cho biết hiện các mỏ khí giá rẻ đang ngày càng suy giảm, các mỏ khí giá đắt được đưa vào khai thác.
Với chính sách các nhà máy điện khí BOT vẫn tiếp tục được áp dụng giá khí bao tiêu, dẫn tới đẩy chi phí các mỏ khí mới vào các nhà máy điện khí khác cùng khu vực, ảnh hưởng tới chi phí điện toàn hệ thống.
Bên cạnh đó, ngay cả khi đã đóng điện đủ các công trình mới để đảm bảo cung cấp điện cho những trung tâm phụ tải quan trọng như Hà Nội và TP. HCM cũng như giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo (NLTT), nhiều máy biến áp 500kV đầy tải ngay trong chế độ vận hành bình thường.
Đặc biệt, hệ thống điện miền Bắc có nguy cơ thiếu công suất đỉnh ở mức khoảng 1.590MW với phương án công suất Pmax tăng trưởng 9,5%, và khoảng 2.770MW với phương án Pmax tăng trưởng 15% trong các tháng cao điểm mùa khô.
"Vấn đề giải tỏa các nguồn NLTT trong năm 2022 vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, do lưới điện chưa đáp ứng kịp so với lượng nguồn NLTT đã được đưa vào vận hành trong các năm vừa qua", ông Trung thông tin.
Cụ thể tại các khu vực: Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai, Ninh Thuận, Bình Thuận, Cà Mau, Bạc Liêu.
Ngoài ra, với tỷ lệ nguồn NLTT đưa vào vận hành ngày càng cao, vấn đề ổn định hệ thống điện trong vận hành thời gian thực là một thách thức lớn.