Trước khi bị ‘xóa tên’ khỏi bản đồ, tỉnh sở hữu cao nguyên đá hùng vĩ bậc nhất Việt Nam ở nơi địa đầu Tổ quốc được xếp thứ 10/44 điểm đến đẹp nhất thế giới
Đây không chỉ là sự ghi nhận xứng đáng cho vùng đất địa đầu cực Bắc Việt Nam, mà còn là cơ hội để địa phương này vươn mình mạnh mẽ trên bản đồ du lịch quốc tế.
Mới đây, tạp chí danh tiếng Time Out của Anh đã xếp hạng Hà Giang ở vị trí số 10 trong danh sách 44 điểm đến đẹp nhất thế giới. Bảng xếp hạng này được tổng hợp dựa trên ý kiến đánh giá của mạng lưới các cây bút du lịch dày dạn kinh nghiệm và uy tín trên toàn cầu. Không chỉ tìm kiếm những địa danh nổi tiếng, Time Out còn chú trọng tôn vinh những điểm đến chưa bị ảnh hưởng bởi tình trạng du lịch quá tải, giữ được vẻ đẹp nguyên sơ và sức hút bền vững.
Những ai đã từng đặt chân đến Hà Giang mới hiểu được hết lý do vì sao nơi đây lại để lại ấn tượng sâu sắc đến vậy. Với địa hình núi non hùng vĩ, những cung đường đèo quanh co men theo vách đá và bản làng nằm yên bình giữa đại ngàn, Hà Giang mang đến cảm giác vừa choáng ngợp, vừa tĩnh lặng. Nét đẹp nơi đây không chỉ đến từ cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục mà còn là sự hòa quyện hài hòa với văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số cùng sinh sống.

Một trong những biểu tượng nổi bật nhất của Hà Giang là Cao nguyên đá Đồng Văn – Công viên địa chất toàn cầu đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận vào năm 2010. Cao nguyên này trải rộng trên địa bàn bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc, sở hữu những dãy núi đá vôi kỳ vĩ được hình thành từ hàng trăm triệu năm trước. Không chỉ có giá trị địa chất, khu vực này còn mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử khi là nơi sinh sống lâu đời của nhiều tộc người như H’Mông, Dao, Tày, Lô Lô...

Đèo Mã Pì Lèng - Hà Giang
Trên hành trình khám phá Hà Giang, đèo Mã Pì Lèng được xem là điểm đến không thể bỏ qua. Đây là một trong “tứ đại đỉnh đèo” nổi tiếng của Việt Nam, nối liền thị trấn Đồng Văn và Mèo Vạc, dài khoảng 20 km, với những khúc cua gắt, cao và hiểm trở. Dọc theo cung đường này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp ngoạn mục của sông Nho Quế – dòng nước xanh biếc uốn lượn giữa hẻm vực sâu hun hút, đặc biệt là từ dốc Thẩm Mã, nơi được xem là điểm ngắm cảnh lý tưởng.
Hà Giang còn ghi dấu trong lòng du khách với nhiều địa danh nổi bật khác như cột cờ Lũng Cú – nơi đánh dấu điểm cực Bắc thiêng liêng của Tổ quốc, thung lũng Sủng Là đầy chất thơ với những mái nhà trình tường cổ kính giữa mùa hoa tam giác mạch hay ruộng bậc thang Hoàng Su Phì – kỳ quan do bàn tay con người kiến tạo nên giữa núi rừng, được công nhận là di tích quốc gia.

Cột cờ Lũng Cú – nơi đánh dấu điểm cực Bắc thiêng liêng của Tổ quốc
Không dừng lại ở cảnh sắc thiên nhiên, Hà Giang còn là nơi lưu giữ kho tàng văn hóa phong phú. Những phiên chợ vùng cao như chợ Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ hay chợ tình Khâu Vai là dịp để đồng bào các dân tộc gặp gỡ, giao lưu, trao đổi hàng hóa và kể lại những câu chuyện của bản làng. Tại đây, du khách không chỉ có cơ hội khám phá nét sinh hoạt đặc trưng mà còn được thưởng thức những món ăn truyền thống đậm đà hương vị núi rừng như thắng cố, mèn mén, bánh tam giác mạch hay rượu ngô thơm nồng
Tất cả những yếu tố ấy đã khiến Hà Giang không chỉ là một điểm đến du lịch, mà còn là một hành trình khám phá văn hóa, một trải nghiệm sâu sắc về vẻ đẹp thiên nhiên và con người Việt Nam. Việc lọt vào danh sách những điểm đến đẹp nhất thế giới của Time Out không chỉ là sự ghi nhận xứng đáng, mà còn là cơ hội để địa phương này vươn mình mạnh mẽ trên bản đồ du lịch quốc tế.
Ngày 12/04/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết 60-NQ/TW năm 2025 về của Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII với 12 nội dung quan trọng; kèm theo nghị quyết là danh sách tên gọi các tỉnh, thành phố và trung tâm chính trị - hành chính (tỉnh lỵ) của 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, cụ thể các tỉnh lỵ.
Theo danh sách ban hành kèm theo Nghị quyết 60-NQ/TW năm 2025 có nêu rõ danh sách dự kiến 23 tỉnh mới sau sáp nhập. Trong đó, dự kiến sáp nhập tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang hiện nay, lấy tên là tỉnh Tuyên Quang, trung tâm chính trị hành chính đặt tại tỉnh Tuyên Quang hiện nay. Như vậy, sau sáp nhập, tên gọi Hà Giang sẽ không còn trên bản đồ Việt Nam.
Ảnh: Sưu tầm Internet
>> Hai viên ngọc du lịch của Việt Nam lọt top 'Điểm đến đẹp nhất thế giới'