Sống

Trường đại học 121 năm tuổi lâu đời nhất Việt Nam, được Thủ tướng ca ngợi là "biểu tượng đẹp trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe"

Quỳnh Như 16/10/2023 - 08:10

Với bề dày 121 năm tuổi, ngôi trường này được người Pháp thành lập và được xem là đại học lâu đời nhất ở Việt Nam.

Trường Đại học Y Hà Nội được biết đến là một trường đại học lớn đi đầu trong công tác đào tạo, truyền cảm hứng, tạo động lực cho nguồn nhân lực chất lượng cao ngành y tế với hàng chục nghìn tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ và cử nhân y khoa. Trong đó, nhiều tên tuổi nổi tiếng trong nước và quốc tế như giáo sư Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Chung, Đặng Văn Ngữ, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Đặng Thùy Trâm…

Trường đại học "cổ" nhất Việt Nam

Đại học Y Hà Nội là trường đại học lâu đời nhất Việt Nam với bề dày lịch sử 121 năm. Là trường đại học trọng điểm quốc gia, được chính thức được thành lập năm 1902. Tiền thân của trường là Đại học Y Dược Đông Dương với nhiệm vụ ban đầu là đào tạo nhân lực y khoa cho cả ba nước Đông Dương.

Hiệu trưởng đầu tiên của trường là nhà khoa học, bác sĩ Alexandre Yersin. Ông giữ chức trong 2,5 năm với quyết tâm xây dựng một trường y chính quy và hiện đại ở Đông Nam Á, có quy chế tương tự như Đại học Y Paris.

Trường đại học 121 năm tuổi lâu đời nhất Việt Nam, được Thủ tướng Phạm Minh Chính ca ngợi là
Tiền thân của trường Đại học Y Hà Nội là Đại học Y Dược Đông Dương.

Khó khăn đầu tiên ông phải vượt qua là trình độ học sinh đầu vào của trường chỉ đủ để đào tạo y tá, nhưng ông đã cho bổ túc văn hoá cho họ để có thể đào tạo y sỹ, nhờ vậy sau này khi đủ điều kiện trường được nâng cấp lên cao đẳng, rồi đại học. Alexandre Yersin đã thiết lập chương trình, giáo trình theo mẫu Đại học Y khoa Pháp và cũng là người trực tiếp giảng dạy.

Trong thời gian làm hiệu trưởng, nhận thấy cơ sở trường và bệnh viện thực hành khá xa nhau, không thuận tiện cho việc học tập của sinh viên, Yersin đã đề nghị chuyển trường từ ấp Thái Hà về phố Bobilot (nay là phố Lê Thánh Tông).

Tháng 4/1903, trường được chuyển về phố Bobilot. Bệnh viện thực hành cũng dời về phố Armalot Roussau (nay là phố Lò Đúc). Ông cho lập thêm một cơ sở cho sinh viên mổ xác, nay là Viện Giải phẫu ở phố Tăng Bạt Hổ và một khu điều chế thuốc, nay là Viện Vệ sinh Dịch tễ ở phố Yersin. Dù vậy, giới cầm quyền Pháp không chấp nhận nhiều ý tưởng và việc làm quá mạnh dạn nên ông phải rời ghế hiệu trưởng sau 2,5 năm.

Từ năm 1902 cho đến năm 1945, các hiệu trưởng của trường Y khoa Hà Nội đều là người Pháp và trường nằm dưới sự điều hành của Đại học Paris, ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Pháp. Sự phát triển của trường dẫn đến hình thành hai bệnh viện thực hành đó là Bệnh viện Phủ Doãn và Bệnh viện Bạch Mai.

Cũng trong giai đoạn này, trường đã đào tạo nhiều bác sĩ nổi tiếng, có nhiều công sức dựng xây nền Y học Việt Nam như Vũ Đình Tụng, Tôn Thất Tùng, Hoàng Đình Cầu, Phạm Gia Triệu, Đặng Văn Chung, Đinh Văn Thắng, Đỗ Xuân Hợp, Phạm Biểu Tâm, Nguyễn Thúc Tùng, Nguyễn Hữu... Đặc biệt, có một người Việt Nam được phong hàm giáo sư, đó là giáo sư Hồ Đắc Di, sau khi ông tốt nghiệp bác sĩ nội trú ở Paris về nước.

Là "biểu tượng đẹp trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe"

Sau Cách mạng Tháng Tám, trường được đổi tên thành Đại học Y Dược Việt Nam và cũng là trường đại học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Giáo sư, bác sĩ Hồ Ðắc Di là người Việt Nam đầu tiên được bổ nhiệm chức vụ hiệu trưởng của trường. Ngày 15/11/1945, giáo sư Hồ Ðắc Di đã đọc diễn văn khai giảng trước sự chứng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trường đại học 121 năm tuổi lâu đời nhất Việt Nam, được Thủ tướng Phạm Minh Chính ca ngợi là
Tượng giáo sư, bác sĩ Hồ Ðắc Di tại đại sảnh trường Đại học Y Hà Nội.

Bằng uy tín lớn của mình, ông đã tập hợp được những thầy thuốc có chuyên môn giỏi và luôn tâm huyết với nghề về giảng dạy. Nhiều thầy thuốc trẻ đã được đào tạo tại trường hoặc được tu nghiệp ở nước ngoài trở về nước, góp phần làm tăng dần đội ngũ giảng viên. Trong đó có các nhà khoa học lớn như giáo sư Tôn Thất Tùng, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, giáo sư Ðặng Văn Ngữ, giáo sư Ðỗ Xuân Hợp...

Để đáp ứng nhu cầu ngày một bức thiết của công tác đào tạo sinh viên y khoa, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp đã viết cuốn "Giải phẫu tứ chi và thực dụng ngoại khoa" bằng tiếng Việt in trên giấy dó ở chiến khu Việt Bắc năm 1951. Cuối năm 1952, ông tiếp tục cho in cuốn sách thứ 2 là "Giải phẫu bệnh và thực dụng ngoại khoa".

Trên cơ sở hai cuốn này, sau khi hòa bình lập lại, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp từng bước hoàn chỉnh, bổ sung, viết mới thành một bộ sách giải phẫu, gồm 4 cuốn: "Giải phẫu đại cương, giải phẫu đầu mặt cổ", "Giải phẫu thực dụng ngoại khoa tứ chi", "Giải phẫu ngực", "Giải phẫu bụng". Đây đều là những cuốn sách gối đầu giường cho bất cứ sinh viên ngành giải phẫu nào ở Việt Nam.

Trải qua hơn 120 phát triển, tính đến năm 2023, Đại học Y Hà Nội vẫn là trường đào tạo hàng chục ngàn bác sĩ đa khoa, chuyên khoa, thạc sĩ, tiến sĩ chất lượng cao đào tạo hàng đầu tại Việt Nam.

Trường đại học 121 năm tuổi lâu đời nhất Việt Nam, được Thủ tướng Phạm Minh Chính ca ngợi là

Nơi đây đã đào tạo nên những người sáng lập ra các chuyên ngành y học hiện đại của Việt Nam như y học lâm sàng, y học cơ sở, y học dự phòng… Trường còn là hạt nhân, nơi khởi nguồn để xây dựng nhiều trường đại học y dược trong cả nước như Y Dược Hải Phòng, Y Dược Thái Bình, Y Dược TP Hồ Chí Minh…

Trường Đại học Y Hà Nội cũng là niềm mơ ước của đông đảo các bạn học sinh khi có đam mê với ngành y và muốn trở thành bác sĩ. Trường có điểm tuyển sinh cao và luôn nằm trong top những trường đại học hot nhất của Việt Nam, là niềm tự hào của các sinh viên đã và đang học tại trường.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập Trường Đại học Y Hà Nội hồi tháng 11/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng, trường sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, luôn đoàn kết, nhất trí, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra và luôn là ngọn cờ đầu trong đào tạo y tế cho đất nước; mãi là biểu tượng đẹp của trí tuệ, của sự cống hiến, tận tâm, của đạo đức và lòng nhân ái, của trách nhiệm với cộng đồng và mang sứ mệnh đó phục vụ việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Nữ ca sĩ Việt sinh con cho tỷ phú Mỹ, sống xa hoa trong biệt thự triệu đô 1.400m2: Ái nữ được tuyển thẳng vào trường đại học danh tiếng tại Mỹ

Bộ không cấp tiền nhưng 'cho' chính sách để đại học kiểm định chất lượng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/truong-dai-hoc-121-nam-tuoi-lau-doi-nhat-viet-nam-duoc-thu-tuong-ca-ngoi-la-bieu-tuong-dep-trong-cham-soc-va-bao-ve-suc-khoe-205845.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Trường đại học 121 năm tuổi lâu đời nhất Việt Nam, được Thủ tướng ca ngợi là "biểu tượng đẹp trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe"
    POWERED BY ONECMS & INTECH