Các văn phòng của Twitter đã bất ngờ đóng cửa vào ngày hôm nay (18/11) sau khi hàng trăm nhân viên nền tảng mạng xã hội từ chối tiếp tục làm việc theo tầm nhìn mới của Elon Musk.
Theo BI, toàn bộ các tòa nhà sẽ chỉ tạm thời dừng hoạt động, trong khi quyền truy cập ID của nhân viên Twitter bị đình chỉ. Những văn phòng này dự kiến sẽ mở cửa trở lại vào thứ Hai.
Nhân viên nội bộ lưu ý việc đóng cửa văn phòng cho thấy động thái khá căng thẳng nhằm phản đối quy định của Elon Musk, song lại có thể “ngăn chặn hành vi phá hoại vật lý trong khi công ty sắp xếp các yêu cầu hủy bỏ quyền truy cập”.
Việc đóng cửa lần đầu tiên được thông báo trên Twitter bởi Zoe Schiffer, diễn ra khoảng 1 giờ sau thời hạn 17h Musk đề ra để nhân viên Twitter chính thức ký vào bản cam kết cống hiến.
“Nếu bạn chắc chắn rằng mình muốn trở thành một phần của Twitter mới, vui lòng nhấp vào đồng ý trong liên kết bên dưới”, trích từ email của Elon Musk gửi cho tất cả nhân viên Twitter. Ngoài ra, nếu không ký vào bản cam kết này trước 17h ngày 17/11 (giờ Mỹ), nhân viên Twitter sẽ nhận được 3 tháng trợ cấp thôi việc.
Ngay sau thông báo trên, hàng trăm nhân viên trong số gần 3.000 người còn lại đã tuyên bố rời đi.
“Tôi không chấp nhận điều đó. Thời gian của tôi làm cho công ty kết thúc với Twitter 1.0 và tôi không muốn tiếp tục với Twitter 2.0”, một nhân viên giấu tên cho biết.
Do có quá ít người đồng ý với bản cam kết của Musk, các Giám đốc điều hành Twitter buộc phải đích thân thuyết phục một số nhân sự quan trọng ở lại. Cụ thể, nhân sự chủ chốt đã họp vào tối ngày 17/11 để nghe về định hướng sắp tới của mạng xã hội. Tại buổi họp, Elon Musk mời các lãnh đạo cũ về, bao gồm cả những người đã bị ông sa thải và nghỉ việc trước đó. Một trong số đó là Ella Irwin, người từng đảm nhiệm vị trí quản lý phòng Niềm tin và An toàn tại Twitter.
Musk cũng gửi 1 email đến toàn bộ nhân viên với giọng điệu mềm mỏng hơn hẳn: “Những yêu cầu tôi đưa ra chỉ nhằm giúp quản lý các phòng ban có thể giám sát và đảm bảo rằng mọi người đều có đóng góp tích cực cho công ty”, Musk viết.
Theo Bloomberg, Twitter cũng có lý do khác để làm điều này: Hóa đơn nợ cần phải trả. Do thỏa thuận mua lại có sử dụng đòn bẩy tài chính dựa trên bảng cân đối kế toán của Twitter, khoản nợ nền tảng mạng xã hội này đang phải đối mặt đã chạm mốc khoảng 13 tỷ USD, tăng từ mức 1,7 tỷ USD trước đây. Twitter cũng sẽ phải thanh toán khoản lãi suất hàng năm lên tới 1,2 tỷ USD, tăng từ mức dưới 100 triệu USD thời kỳ chưa về tay Musk.
Theo các chuyên gia, tình hình thậm chí có thể trở nên khó khăn hơn đối với Twitter do lãi suất một số khoản nợ không bị ràng buộc và sẽ tăng theo thị trường chung. Việc Twitter không có lãi trong suốt 1 năm kể từ 2019, cộng thêm tình hình kinh doanh không mấy khả quan trong năm nay càng khiến công ty chật vật để trả hết nợ. Theo Bloomberg, Twitter báo lỗ ròng 270 triệu USD trong quý II/2022 và dự kiến lỗ hơn 200 triệu USD trong quý III.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc nhanh chóng cắt giảm chi phí có thể không phải cách tốt nhất để cải thiện lợi nhuận. Việc cắt giảm, bao gồm xóa sổ gần như hoàn toàn bộ phận marketing, truyền thông, nhân quyền và quan hệ đối tác với người nổi tiếng, có thể khiến Twitter khó giữ chân người dùng và đối tác quảng cáo.
Theo BI, đây là lần thứ hai các văn phòng Twitter đột ngột đóng cửa kể từ khi Musk tiếp quản nền tảng mạng xã hội. Vị tỷ phú này đã bắt đầu thực hiện động thái sa thải hàng loạt khoảng 3 tuần trước nhằm “đảm bảo an toàn cho từng nhân viên cũng như hệ thống Twitter và dữ liệu khách hàng”.
Việc đóng cửa mới đây diễn ra chỉ 1 tuần sau khi Musk gửi email đầu tiên tới toàn bộ nhân viên Twitter, rằng đặc quyền làm việc từ xa sẽ không được chấp thuận, trừ những trường hợp thực sự "đặc biệt".
Hội đồng Anh cảnh báo lừa đảo liên quan đến bài thi IELTS
Bước ngoặt Twitter và dấu ấn mạng xã hội trong chiến thắng của Donald Trump