UNESCO đánh giá cao 'sự phát triển thần kỳ' của Việt Nam
Trao đổi với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cho rằng sự phát triển thần kỳ của Việt Nam sau chiến tranh là hình mẫu cho nhiều nước khác.
Nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp, ngày 7/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến thăm trụ sở UNESCO tại Paris và có cuộc trao đổi với Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề cao vai trò, đóng góp của UNESCO trong gìn giữ hòa bình, an ninh và thúc đẩy phát triển bền vững thế giới thông qua hợp tác đa phương về giáo dục, văn hóa, khoa học, thông tin và truyền thông.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cảm ơn sự hỗ trợ, đồng hành và hợp tác của UNESCO gần 50 năm qua, hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO có những bước phát triển tốt đẹp.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cảm ơn sự hỗ trợ và hợp tác của UNESCO về Hồ sơ bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long - di sản linh thiêng của dân tộc và các hồ sơ đề cử ghi danh.
Việt Nam với tư cách là thành viên của nhiều cơ chế quan trọng trong UNESCO, sẽ tiếp tục phát huy vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm tại UNESCO...
Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay vui mừng lần đầu tiên đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam đến trụ sở UNESCO. Bà đề cao sự hợp tác với Việt Nam gần 50 năm qua, Việt Nam là một trong những thành viên tích cực nhất tại UNESCO.
Tổng Giám đốc UNESCO đề cao những thành tựu của Việt Nam, cho rằng sự phát triển thần kỳ của Việt Nam sau chiến tranh là hình mẫu cho nhiều nước khác. UNESCO hoan nghênh chủ trương của Việt Nam làm bạn với tất cả các nước; dù phát triển song Việt Nam vẫn luôn coi trọng gìn giữ truyền thống văn hóa và bản sắc dân tộc.
Tổng Giám đốc UNESCO khẳng định sẽ ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam trong công tác ghi danh, bảo tồn bền vững các di sản thế giới, phát huy giá trị di sản, phát triển ngành công nghiệp văn hóa...
Hội kiến Chủ tịch Thượng viện Pháp Gerard Larcher, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ vui mừng trước việc Việt Nam và Pháp nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện, thể hiện quyết tâm chính trị của lãnh đạo và đáp ứng mong đợi của người dân hai nước.
Chủ tịch Thượng viện Pháp chia sẻ, các Thượng nghị sĩ Pháp đều có tình cảm đặc biệt và lâu bền với Việt Nam và mong muốn thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Pháp phát triển sâu rộng hơn nữa. Chủ tịch Thượng viện Pháp nhất trí với các đề xuất của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về thúc đẩy hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước...
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá cao vai trò tích cực của Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Pháp - Việt tại Thượng viện và nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Pháp, đây là cầu nối đưa hai cơ quan lập pháp và nhân dân hai nước xích lại gần nhau hơn.
Vui mừng thông báo đoạn trên cao Tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội đã đưa vào khai thác thương mại, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đồng thời đề nghị Nghị viện Pháp sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) nhằm tăng cường hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư, mong muốn Pháp ủng hộ việc Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam.
Về phần mình, Chủ tịch Thượng viện Pháp khẳng định Hiệp định EVFTA và EVIPA là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai bên. Ông đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong chuyển đổi nghề cá bền vững.
Hai bên đánh giá nông nghiệp và biến đổi khí hậu là lĩnh vực đan xen, bổ sung cho nhau, còn nhiều dư địa để tăng cường hợp tác, đặc biệt Pháp là đối tác JETP của Việt Nam.
Về hợp tác giữa các địa phương tiêu biểu, đặc trưng trong quan hệ Việt - Pháp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá cao sự quan tâm cũng như những đóng góp của Thượng viện Pháp vào kết nối các địa phương trong việc tổ chức thành công sự kiện Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12 tại Hà Nội (4/2023), sự kiện có quy mô lớn nhất trong quan hệ hai nước kể từ sau đại dịch Covid-19.
Hội kiến Chủ tịch Quốc hội Pháp Yael Braun-Pivet, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết, Pháp tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ 4, nhà đầu tư lớn thứ 2 của Việt Nam trong EU và đứng đầu châu Âu về viện trợ ODA cho Việt Nam.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội Pháp sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư của hai nước cũng như của EU; ủng hộ Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" đối với thủy sản Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Yael Braun-Pivet bày tỏ ngưỡng mộ trước những thành tựu của Việt Nam thời gian qua, đặc biệt trong hài hòa phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường.
Bà Yael Braun-Pivet nhất trí việc tăng cường đoàn kết và hợp tác song phương và đa phương trên tất cả các kênh, trong đó có quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Pháp ghi nhận các đề nghị của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong chuyển đổi nghề cá bền vững và ghi nhận việc vận động EU sớm gỡ bỏ "thẻ vàng'' IUU.
Là đối tác JETP của Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Pháp cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt về tài chính, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chính sách trong quá trình triển khai Đối tác chuyển đổi năng lượng góp phần ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Hai bên nhất trí tạo điều kiện thuận lợi cho kiều dân hai nước đang sinh sống, học tập và làm việc tại nước kia hội nhập thành công và đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội và sự đa dạng văn hóa của cả hai nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp - Việt Nam