Mức độ ảnh hưởng của tin đồn là cực kỳ lớn trên thị trường chứng khoán. Trong tin đồn, tùy thuộc diễn biến của thị trường có thể một bên được lợi, một bên mất mát.
Thị trường đang trải qua những tin đồn lớn liên quan đến một một nhóm cổ phiếu có ảnh hưởng lớn trên thị trường chứng khoán đó là hệ sinh thái FLC. Về phía FLC, tập đoàn này cũng hoàn toàn im lặng trước tin đồn về ông Trịnh Văn Quyết. Bản thân ông Trịnh Văn Quyết trả lời trên truyền thông cũng chỉ phản hồi rất ngắn gọn "Tôi rất bận" thay vì phản bác tin đồn.
Theo đó, tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng đã ngay lập tức được phản ánh lên giá cổ phiếu với việc hàng loạt nhóm cổ phiếu bị bán sàn "không thương tiếc" trong đó nhóm cổ phiếu họ FLC có lần thứ 2 trở thành tâm điểm của thị trường sau sự kiện ngày 10/1/2022.
Thị trường phiên 28/3/2022 đã ngay lập tức phản ứng với các tin đồn liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết; nhóm cổ phiếu họ FLC bị bán sàn số lượng lớn.
Sau tin đồn Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết bị bắt tối 27/3/2022, trong phiên 28/3, nhóm này đồng loạt giả hết biên độ với dư bán sàn lên tới 230 triệu đơn vị.
So với quy mô thị trường hiện nay, sức ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu FLC về quy mô vốn hoá không còn nhiều như thời kỳ đỉnh cao năm 2018. Tuy nhiên xét về thanh khoản, nhóm cổ phiếu hệ sinh thái FLC vẫn đứng top đầu thị trường.
Với hơn 1,9 tỷ cổ phiếu lưu hành, trong năm 2021, giá trị khớp lệnh của cổ phiếu họ FLC lên tới gần 150.000 tỷ đồng - chiếm 2,4% giá trị toàn thị trường. Xét về giá trị giao dịch, hệ sinh thái FLC chỉ đứng sau HPG, VPB, TCB. STB và SSI do FLC có thị giá và vốn chủ sở hữu nhỏ hơn các đại gia trên.
Vốn hoá của nhóm cổ phiếu chỉ khoảng 23.000 tỷ đồng - mức rất nhỏ so với vốn hoá thị trường hiện nay tuy nhiên giá trị giao dịch lại hàng đầu thị trường.
Hiện hầu hết các công ty chứng khoán đều không cấp margin cho các cổ phiếu họ FLC do đó những diễn biến của nhóm cổ phiếu này sẽ được khoanh vùng, tác động không lớn lên toàn thị trường.
Mặc dù vậy, vẫn phải khẳng định rằng mức độ ảnh hưởng của tin đồn là cực kỳ lớn trên thị trường chứng khoán. Trong tin đồn, tuỳ thuộc diễn biến của thị trường có thể một bên được lợi, một bên mất mát. Vậy nhà đầu tư cần hành động thế nào trong một thị trường tràn ngập tin đồn?
Những tin đồn tiêu cực đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Kể từ đầu năm 2022, vùng cảnh quanh 1.500 - 1.520 điểm vẫn tiếp tục làm nản lòng hàng vạn cổ đông chứng khoán.
Đánh giá về hiện tượng những tin đồn không có căn cứ đã đẩy giá cổ phiếu lao dốc, trong chương trình "Khớp lệnh" của VTV Digital phát sóng trưa 28/3, ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment cho rằng đây hoàn toàn là những phản ứng ngắn hạn của thị trường; theo đó những luồng thông tin này có thể đúng hoặc sai nhưng sự biến động của thị trường là điều khó tránh.
Theo ông Trung, sự hoảng loạn của nhà đầu tư đôi khi có thể không sai; những cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt thì hiện tượng bán tháo sẽ không quá mạnh. Ngược lại, những mã tăng "nóng" và có tính chất đầu cơ cao sẽ lập tức nhận áp lực bán mạnh khi xuất hiện những thông tin bất lợi và lại mua vào khi luồng tin tốt xuất hiện.
"Với những cổ phiếu đầu cơ, nhà đầu tư nên tự đặt mình vào tình huống bắt buộc phải phản ứng với những tin tức ngắn hạn dù đúng hoặc sai", ông Trung cho hay.
Ông Trung cũng nhấn mạnh nhà đầu tư đã quyết định mua những mã cơ bản tốt, thông qua phân tích cơ bản về nội tại doanh nghiệp thì chắc chắn tâm lý cũng sẽ khác biệt khi những tin đồn ngắn hạn có thể không ảnh hưởng đến nhóm cổ phiếu này.
Tin đồn - Chất xúc tác trong đầu tư
Tin đồn được xem là gây thiệt hại lớn nhất cho thị trường chứng khoán Việt Nam đó là vào tháng 8/2017 khi tin đồn nguyên Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà bị bắt. Tin đồn này đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam phiên 9/8 “bốc hơi” hơn 2 tỷ USD trong đó nhóm ngân hàng mất 15.725 tỷ đồng, tương đương khoảng 639 triệu USD. Riêng cổ phiếu BIDV đã cuốn bay của thị trường 7.521 tỷ đồng.
Trước sự việc này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ (thời điểm năm 2017) bày tỏ “băn khoăn” đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư không nên tin vào những tin đồn thất thiệt; cần bình tĩnh, tin tưởng vào thị trường công khai, minh bạch, chặt chẽ của Chính Phủ, của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
“Thực tế, trong lịch sử, đã có những kiểu tin đồn thất thiệt như vậy, không có căn cứ, không có cơ sở và có thể với mục đích trục lợi”, ông Vương Đình Huệ chia sẻ.
Giữa năm 2018, thị giá của nhiều cổ phiếu ngân hàng đều đã tăng mạnh - thậm chí gấp đôi giá trị - đến mức người ta gần như chắc chắn khẳng định đây được xem là thời kỳ cổ phiếu ngân hàng có không khí sôi động nhất trong chục năm trở lại đây - kể từ cuộc khủng hoảng cổ phiếu ngành 10 năm trước.
Hiện chưa có một thống kê đầy đủ về số vụ cũng như những thiệt hại và lợi ích của tin đồn tác động đến thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, có thể kể đến những dạng tin đồn hay xuất hiện như: Tin đồn lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp bị bắt; làm lộ thông tin của khách hàng; vỡ nợ; lừa đảo,... hay những tin đồn để đẩy giá cổ phiếu lên như: Doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh; lợi nhuận của doanh nghiệp tăng đột biến; doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách, mua bán sáp nhập doanh nghiệp,...
Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu, người đã có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng ở nước ngoài cho biết: tin đồn là một điều hết sức bình thường trên tất cả các thị trường chứng khoán. Cơ chế tác động của tin đồn là làm hoang mang, dao động các nhà đầu tư khiến họ ra quyết định mua, bán cổ phiếu bất thường và phần thiệt thường rơi vào những nhà đầu tư chạy theo mà không hiểu rõ động cơ của tin đồn đấy.
Trả lời báo giới về câu chuyện "Chứng khoán Việt Nam thường biến động theo các tin đồn", chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cho biết: "Tin đồn là một yếu tố giống như gia vị để thị trường chứng khoán hấp dẫn, thậm chí nhiều nhà đầu tư luôn mong có tin đồn và lợi dụng tin đồn để kiếm lời. Có điều, khi thua lỗ, họ mới quay sang than phiền.
Tin đồn giống như ăn phở phải có rau thơm và tương ớt hay như trước một trận bóng đá dư luận đồn cầu thủ này, cầu thủ kia bị chấn thương chẳng hạn… Nói chung, tin đồn làm cho thị trường chứng khoán thêm hấp dẫn.
Tuy nhiên, thị trường cũng đã ghi nhận rất nhiều nhà đầu tư “chết” vì tin đồn chứng khoán.
Theo ông Hiển: "Đã chơi chứng khoán là chấp nhận một kênh đầu tư có nhiều rủi ro nên chuyện muốn lời cao mà không bị thiệt hại, không dính vào tin đồn lướt sóng là rất hiếm. Thay vào đó, để ứng phó với tin đồn, hãy là nhà đầu tư chuyên nghiệp, phải am hiểu mới chơi; không am hiểu thì nên đầu tư bằng cách mua cổ phiếu của các quỹ đầu tư. Những quỹ đầu tư chuyên nghiệp thường có đủ chuyên gia để phân tích tin đồn đúng hay sai".
Tập đoàn FLC thông tin tình hình kinh doanh 10 tháng năm 2024
Lãnh đạo FLC: 'Mọi cổ đông đều có thể khiếu nại khi quyền của họ bị vi phạm'