Là người nghiên cứu và giảng dạy về kinh tế thị trường đã lâu, tôi rất hiểu sự mầu nhiệm của nó. Tôi ủng hộ nhiệt thành kinh tế thị trường, bao gồm nhiều dịch vụ y tế. Trên thực tế, sự tham gia của khu vực y tế tư nhân đã góp phần cải thiện hệ thống y tế Việt Nam rất lớn, nhất là ở các thành phố lớn.
Tuy nhiên, tôi cũng hiểu rằng không nên tin tưởng một cách thái quá vào cơ chế thị trường. Có những trường hợp, hiệu quả chưa hẳn được cải thiện, trong khi lại gây ra các vấn đề nghiêm trọng về đạo đức và công lý. Thêm vào đó, suy nghĩ hay cảm giác của đại chúng cũng rất quan trọng.
Do vậy, việc sử dụng cơ chế thị trường không hợp lý có thể gây ra những vấn đề hết sức nghiêm trọng cho cả xã hội. Vắc xin dịch vụ (người tiêm phải trả tiền) ở thời điểm hiện nay là một trong những vấn đề như vậy.
Hiện nay, nguồn cung vắc xin đang giới hạn và chỉ qua đầu mối Chính phủ, trong khi nhu cầu là rất lớn. Do vậy, việc quan trọng nhất là phải tập trung cho nhóm có nhu cầu cao nhất để đảm bảo hệ thống y tế không quá tải và vì sức khoẻ chung của cả xã hội.
Thêm vào đó, ở thời điểm hiện tại, xã hội đang rất căng thẳng, bức xúc rất dễ bùng phát. Do vậy, các chính sách đưa ra cần chú ý đến tâm lý và phản ứng của số đông. Nếu không sẽ để lại các vấn đề/hậu quả rất lớn về mặt xã hội.
Nhìn ở các khía cạnh nêu trên sẽ thấy việc áp dụng vắc xin dịch vụ hiện nay thì cái dở nhiều hơn cái hay. Nó sẽ gây ra hiệu ứng chèn lấn và người bất lợi hơn bị thiệt, trong khi chưa hẳn đã cải thiện được hiệu quả. Nói cách khác là tổng chi phí cho xã hội sẽ lớn hơn lợi ích.
Do vậy, việc Chính phủ đưa ra thông điệp một cách rõ ràng “Không thu bất kỳ chi phí nào liên quan tiêm vaccine Covid-19” trong cuộc họp báo ngày 9/8/2021 là hết sức cần thiết và kịp thời.
Thêm vào đó, ngày 6/8/2021 Ủy ban Thường vụ của Quốc hội đã có Nghị quyết số: 268/NQ-UBTVQH15, về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, trong đó quy định việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19.
Như vậy, thông điệp đã rõ ràng là tất cả hệ thống y tế (bao gồm nhà nước và tư nhân) được huy động cho việc chống covid và do ngân sách chi trả.
Tóm lại, bây giờ chưa phải lúc xem xét cho phép vắc xin dịch vụ. Đối với một số địa phương có nhu cầu tiêm vắc xin ngay cho lao động ở các doanh nghiệp để đảm bảo sản xuất mà hệ thống y tế công cộng chưa thể đảm bảo ngay như Bình Dương chẳng hạn thì có thể áp dụng cơ chế để một số doanh nghiệp chủ động tìm kiếm đơn vị tiêm vắc xin (nhận vắc xin miễn phí từ nhà nước), tạm ứng trước tiền cho đơn vị tiêm trong khi chờ ngân sách trả lại khoản kinh phí này.