50 ha tại Khu công nghiệp Quang Châu do Foxconn đã ký MOU với Đô thị Kinh Bắc (KBC) dự kiến sẽ bàn giao trong năm 2023.
Tại báo cáo mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), lợi nhuận sau thuế năm 2023 của CTCP Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) được dự báo sẽ thấp hơn nhiều so với kế hoạch KBC đề ra.
Trước đó, Kinh Bắc (KBC) đặt mục tiêu đạt 9.000 tỷ đồng doanh thu và 4.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2023. Tuy nhiên, theo chuyên gia của VDSC, mức lợi nhuận sẽ thấp hơn 53%, tức đạt 1.869 tỷ đồng.
Theo báo cáo của VDSC, đến cuối năm 2022, ước tính quỹ đất cho thuê còn lại của Kịn Bắc tại các khu công nghiệp Quang Châu, Tân Phú Trung và Nam Sơn Hạp Lĩnh vào khoảng 290 ha (bao gồm 60 ha mới của khu Quang Châu mở rộng đã được phê duyệt chủ trương đầu tư vào quý 4/2022).
Trong kịch bản cơ sở, ước tính Kinh Bắc có thể thuê 126 ha vào năm 2023. Trong đó, 50 ha tại Khu công nghiệp Quang Châu là chắc chắn do Foxconn đã ký MOU với KBC cho khu vực này và dự kiến sẽ bàn giao trong năm 2023.
Chuyên gia VDSC cho rằng thời gian phát triển và kinh doanh các dự bất động sản dân dụng sẽ có độ trễ vì các điểm nghẽn về pháp lý sẽ cần thêm thời gian để xử lý. Cụ thể, đối với dự án Tràng Cát, quy hoạch tổng thể điều chỉnh 1/500 đô thị cần chờ TP. Hải Phòng có phê duyệt quy hoạch chung giai đoạn 2021-2025. Đối với dự án Phúc Ninh cũng đang gặp trở ngại trong việc xác lập nghĩa vụ nộp thuế cho phần diện tích 27 ha còn lại. Dự án bất động sản còn lại mà Kinh Bắc có thể kinh doanh là khu đô thị Tràng Duệ.
Hiện tại, tổng diện tích đất của các dự án KCN gối đầu của KBC lên đến khoảng 4.000 ha ở cả hai miền Nam & Bắc. Theo VDSC, Kinh Bắc vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư 2 khu công nghiệp lớn tại Long An là khu công nghiệp Tân Tập (654ha) và khu công nghiệp Lộc Giang (466ha) trong năm 2022. Kết hợp với với các cụm công nghiệp ở Hưng Yên và Long An đã được phê duyệt, KBC có thể tiến hành triển khai đầu tư và khai thác ngay trong năm sau, qua đó sẽ tạo ra động lực tăng trưởng đáng kể cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nguồn vốn để đầu tư phát triển các khu công nghiệp này là rất lớn. Trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt, việc huy động vốn khá khó khăn. Bên cạnh đó, việc triển khai giải phóng mặt bằng cũng sẽ là nút thắt tiếp theo tại các khu công nghiệp mới mà các chủ đầu tư cần tháo gỡ. "Do đó, chúng tôi nghĩ rằng, kế hoạch kinh doanh mà KBC đặt ra trong năm 2023 sẽ phù hợp cho kịch bản tích cực của chúng tôi", VDSC đánh giá.
Cổ phiếu đáng chú ý ngày 4/12: KBC, VIB, CTD
Tồn kho bất động sản tăng kỷ lục, Novaland (NVL) dẫn đầu với hơn 145.000 tỷ đồng