Vì sao chè Việt Nam dễ rơi vào 'bẫy' giá rẻ?
"Người làm chè Việt Nam đang ở tình trạng dễ mua, dễ bán nên không tự làm mới mình mà chỉ tập trung sản xuất để đạt thỏa thuận mua bán trước mắt. Đó là lí do vì sao chè Việt Nam dễ rơi vào “bẫy giá rẻ” của thế giới” - ông Hoàng Vĩnh Long - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam - cho biết.
Sáng 5/11, tại Phú Thọ, diễn ra Diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao” hướng tới mục tiêu chuyển đổi 70% diện tích sang các giống chè mới vào năm 2025.
Theo thống kê của Cục Chất lượng Chế biến và phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu chè đạt 62.000 tấn, trị giá 106 triệu USD, tăng 30% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá bình quân chè xuất khẩu đạt 1.710 USD/tấn.
Tại diễn đàn, đề cập về giá chè, ông Hoàng Vĩnh Long nói: “Thế giới đang nhìn nhận thị trường chè Việt Nam là thị trường giá rẻ và tìm kiếm lợi nhuận tại đây. Trong khi đó, người làm chè Việt Nam đang ở tình trạng dễ mua, dễ bán nên không tự làm mới mình mà chỉ tập trung sản xuất để đạt thỏa thuận mua bán trước mắt. Đó là lý do vì sao chè Việt Nam dễ rơi vào “bẫy giá rẻ” của thế giới”.
Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam. Ảnh: nongnghiep.vn. |
Ông Long phân tích: “Tại thị trường trong nước có loại chè bán với giá bình quân chỉ 7 USD/kg, nhưng cũng có loại chè bán với giá chỉ khoảng hơn 20 USD/kg. Như vậy, giá chè trung bình khoảng 4 USD/kg. Tại sao có sự chênh lệch giá lớn như vậy? Khi các doanh nghiệp quốc tế đến Việt Nam mua chè, họ trả giá mua chè với một công ty là 6 USD/kg, rồi lại đến một công ty khác trả giá thấp hơn. Do chất lượng chè trên thị trường nội không đồng nhất, dẫn đến các tổ chức sản xuất trong nước cạnh tranh đã tự ép giá nhằm giành đơn hàng. Đây là "bẫy giá rẻ" mà các doanh nghiệp nước ngoài tạo ra cho cho thị trường chè Việt Nam”.
Hiện nay, có nhiều nhà máy nhỏ đang rơi vào "bẫy giá rẻ", khi nhận đơn hàng xuất khẩu với giá cạnh tranh, những nhà máy này lại tiếp tục tìm mua búp rẻ, ép giá nguyên liệu để có lãi trong sản xuất. Thực tế này dẫn đến chất lượng, sản lượng chưa cao.
Để khắc phục tình trạng này, Hiệp hội Chè Việt Nam cần liên kết các doanh nghiệp, cùng nhau thống nhất nói không với sản xuất chè chất lượng kém, tổ chức chuỗi sản xuất sản phẩm chè chất lượng tốt hơn. Khi doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng tốt hơn, giá bình quân sẽ tăng lên, giúp ổn định giá chè trên thị trường.
Ông Nguyễn Quốc Mạnh - Phó Cục trưởng, Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT - cho rằng, phát triển cây chè là trách nhiệm, nghĩa vụ của ngành nông nghiệp. Theo ông Mạnh, để phát triển vùng sản xuất và nâng cao chất lượng chè, cần: Chú trọng xây dựng vùng chè an toàn, kết hợp với cơ cấu giống phù hợp, định hướng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và quy hoạch các nhà máy chế biến nhằm gia tăng giá trị; tổ chức sản xuất chè an toàn và liên kết tiêu thụ cần được đẩy mạnh, cùng với nâng cao năng lực cán bộ khuyến nông, nâng cao năng lực chế biến.
Về khoa học kỹ thuật, cần đầu tư công nghệ hiện đại, ứng dụng quy trình kỹ thuật phù hợp với từng loại đất, phát triển các sản phẩm chè đa dạng như chè ô long, matcha và nước uống đóng chai từ chè. Các kỹ thuật trồng trọt an toàn, sử dụng phân hữu cơ và phương pháp phòng trừ sâu bệnh IPM cũng cần được triển khai rộng rãi.
Trong lĩnh vực thị trường và xúc tiến thương mại cho chè, ông Mạnh đề xuất đẩy mạnh thương mại điện tử... để nâng cao giá trị ngành chè.
>> Việt Nam có hơn 1 triệu tấn ‘vàng xanh’ mỗi năm, giá bán rẻ nhất thế giới