Vĩ mô

Vì sao thưa vắng nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp?

Minh Duy - Thanh Huyền 04/11/2024 - 06:58

Sau 3 năm triển khai chính sách về bảo hiểm nông nghiệp, cả nước chỉ có 16.731 hộ tham gia và số tiền bồi thường cho nông dân là 0,19 tỷ đồng; chỉ có 3 trong số hơn 50.000 doanh nghiệp (DN) cung cấp bảo hiểm nông nghiệp. Quá nhiều nghịch lý trong triển khai bảo hiểm nông nghiệp chưa được giải quyết.

Chỉ 2 doanh nghiệp triển khai sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp

Sau cơn bão Yagi (bão số 3) gây lũ lụt, thiệt hại đặc biệt lớn cho nền kinh tế, với sự kêu gọi của ngành bảo hiểm, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm mới chỉ dành lượng ngân sách đáng kể đến hỗ trợ, cứu trợ nhân đạo cho người dân bị thiệt hại. Dai-ichi Life chi 5 tỷ đồng cứu trợ người dân ở 22 tỉnh; Sun Life Việt Nam dành 1,8 tỷ đồng, Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt (Bảo hiểm Bảo Việt) gửi tặng 5 tỷ đồng đến người dân bị thiệt hại do bão Yagi gây ra; Hanwha Life Việt Nam, Chubb Life tài trợ số tiền đáng kể để hỗ trợ người dân bị thiệt hại.

Vì sao thưa vắng nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp? ảnh 1
Loại nông sản xuất khẩu mang lại tỷ USD vẫn chưa nằm trong tầm ngắm của doanh nghiệp bảo hiểm. Ảnh: Cảnh Kỳ

Đa số các doanh nghiệp bảo hiểm, kể cả doanh nghiệp bảo hiểm có sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp như Bảo hiểm Bảo Việt đều bồi thường cho số lượng khách hàng rất lớn với số tiền bồi thường không hề nhỏ. Đáng buồn là khách hàng của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm gần như không phải là nông dân, ngư dân, dù họ bị thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Bóng dáng của doanh nghiệp bảo hiểm vẫn xa vời trên cánh đồng thực vật, vuông tôm, ao cá.

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong năm 2023, cả nước có hơn 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, tính từ tháng 4/2018 (khi Nghị định 58 về bảo hiểm nông nghiệp được ban hành) đến nay, mới chỉ có 2 doanh nghiệp bảo hiểm là Bảo hiểm Bảo Việt và Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh triển khai bảo hiểm nông nghiệp cho dân. Đây là nghịch lý xét từ quy mô của ngành Nông nghiệp, bởi chỉ tính riêng kim ngạch xuất khẩu nông sản trong 10 tháng của năm 2024, ngành này đã thu về hơn 51,7 tỷ USD.

Chính sách bảo hiểm cho nông nghiệp được cụ thể hóa hơn tại Quyết định số 13 năm 2022. Trong đó, có 5 loại cây trồng (lúa, cao su, hồ tiêu, diều, cà phê), 3 loại vật nuôi (trâu, bò, lợn), 3 loại thủy sản (tôm thẻ, tôm sú, cá tra) trên một số địa bàn (trồng trọt tại 7 tỉnh; chăn nuôi tại 11 tỉnh; thủy sản tại 5 tỉnh) được hỗ trợ bảo hiểm. Chỉ trong trường hợp xảy ra 19 loại thiên tai, dịch bệnh (12 bệnh với thực vật, 4 loại bệnh xảy ra với động vật) nông dân mới được bồi thường thiệt hại.

Sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp vẫn chưa được triển khai phổ biến tại các địa phương, kém hấp dẫn với doanh nghiệp, dẫn đến việc người dân tham gia chưa nhiều, số tiền bồi thường cho nông dân bị thiệt hại lại càng “hẻo”.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, từ năm 2022 đến nay, cả nước có hơn 16 nghìn hộ nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Tổng số tiền bồi thường thiệt hại cho nông dân mua bảo hiểm cho 2 loại sản phẩm “bảo hiểm cây lúa”, “bảo hiểm vật nuôi” chỉ là 0,19 tỷ đồng. Sản phẩm bảo hiểm thủy sản (cụ thể là tôm) không được triển khai. Thực tế, chỉ có vài tỉnh có nông dân mua bảo hiểm nông nghiệp, đó là Nghệ An, Thái Bình, Hà Giang, Bình Định.

Vì sao nông dân ít tham gia bảo hiểm nông nghiệp? Tại Ninh Bình, chị Mai Anh (người dân nuôi tôm tại Kim Sơn, Ninh Bình) cho biết, trong cơn bão Yagi vừa qua, khu nuôi tôm của chị bị ảnh hưởng và thiệt hại lớn. Nhiều người cùng nuôi tôm có nói về việc mua bảo hiểm nông nghiệp phòng tránh rủi ro nhưng chị Mai Anh chưa biết phải làm sao để mua và cũng lo ngại về các thủ tục giải quyết phức tạp.

Vẫn "sợ khó"

Bảo hiểm nông nghiệp là chính sách hỗ trợ người dân sản xuất bền vững nhưng nhìn vào thực tế số liệu được công bố của Bộ Tài chính, có 5 loại cây trồng được bảo hiểm về năng suất lúa được người dân Nghệ An và Thái Bình mua, bảo hiểm thủy sản thậm chí còn chưa được triển khai.

Hiện tại, số lượng hộ nông dân tham gia chính sách bảo hiểm nông nghiệp thấp, không đảm bảo nguyên tắc số đông bù số ít của bảo hiểm.

Rủi ro trong sản xuất nông nghiệp khá lớn, đặc biệt là rủi ro do biến đổi khi hậu và dịch bệnh. Do vậy khi triển khai bảo hiểm nông nghiệp, doanh nghiệp bảo hiểm buộc phải tái bảo hiểm ra nước ngoài và phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện, điều khoản và phí bảo hiểm vào nhà tái bảo hiểm quốc tế.

Tính từ ngày chính sách bảo hiểm cho nông nghiệp được triển khai, Bộ NN&PTNT đã tích cực tuyên truyền, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đồng thời ra nhiều quy trình quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp để tạo điều kiện cho bảo hiểm nông nghiệp và chính sách bảo hiểm nông nghiệp đi vào thực tế.

Một chuyên gia ngành Nông nghiệp cho biết, quy trình giải quyết bảo hiểm còn nhiều phức tạp. Khi rủi ro xảy ra, nông dân phải trải qua quá nhiều khâu, phải được nhiều tổ chức phê duyệt (có giấy xác nhận quy trình chăn nuôi, xác nhận thiên tai xảy ra hoặc dịch bệnh bùng phát, các công bố năng suất v.v...). Thực tế này khiến nông dân lo ngại, không muốn tiếp cận sản phẩm bảo hiểm. “Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ phải soạn thảo chính sách theo hướng đơn giản hóa thủ tục, quy trình để người dân dễ tiếp cận và mua bảo hiểm nông nghiệp nhiều hơn”, vị chuyên gia này nói.

Theo Quyết định 22 năm 2019, hộ nghèo, hộ cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ đến 90% phí bảo hiểm nông nghiệp. Những hộ còn lại và các tổ chức sản xuất nông nghiệp nếu đáp ứng được một số điều kiện nhất định sẽ được hỗ trợ tối đa 20% phí bảo hiểm. Dù vậy thực tế chính sách này vẫn chưa được nông dân đón nhận, và khi thiên tai xảy ra, nông dân vẫn là người thiệt hại nhiều nhất!

>> Quá nhiều nghịch lý về bảo hiểm nông nghiệp

Quá nhiều nghịch lý về bảo hiểm nông nghiệp

Hà Nội: Yêu cầu xử nghiêm tình trạng san lấp đất nông nghiệp để làm sân Pikleball

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/vi-sao-thua-vang-nong-dan-tham-gia-bao-hiem-nong-nghiep-post1688216.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vì sao thưa vắng nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp?
    POWERED BY ONECMS & INTECH