Vì sao sân bay Nội Bài được xếp hạng tốt nhất thế giới?
Tổ chức Business Financing (trụ sở ở Anh) vừa công bố Nội Bài vượt qua cả những sân bay nổi tiếng của Singapore,Thái Lan, Nhật Bản khi được giới doanh nhân bình chọn là sân bay tốt nhất thế giới năm 2024.
Đánh giá này dựa trên hành khách là doanh nhân (không phải hành khách phổ thông) để xếp hạng những sân bay tốt nhất và tệ nhất toàn cầu.
Kết quả cho thấy, 14 trong số 20 sân bay quốc tế tốt nhất dành cho khách doanh nhân là ở châu Á và Trung Đông. Phần còn lại là ở châu Âu.
Sân bay tốt nhất là sân bay quốc tế Nội Bài (Việt Nam) khi khách doanh nhân cho điểm trung bình 6,80.
"Sân bay này có nhiều cơ sở vật chất đáng kinh ngạc, đặc biệt là tòa nhà nhìn ra bầu trời có đài quan sát và nhiều khu vực dành cho những người đam mê hàng không. Các nhà ga cực kỳ sạch sẽ và nhân viên rất thân thiện. Ngoài ra, còn những lựa chọn ẩm thực tuyệt vời", Business Financing nhận xét.
Kết quả xếp hạng này nhận được nhiều sự chú ý từ dư luận trong nước.
Chuyên gia hàng không Phạm Ngọc Sáu cho biết, mỗi tổ chức có tiêu chí đánh giá riêng và không nên có khái niệm đánh giá của tổ chức này tin cậy hơn tổ chức kia.
“Business Travellers cũng giống như World Travel Awards (WTA), sẽ chỉ đánh giá theo một khía cạnh nào đó. Ví dụ như Vân Đồn vào năm 2019 cũng được WTA đánh giá là “sân bay mới hàng đầu thế giới”- ông Sáu nói và cho biết thêm nếu so sánh tổng thể thì khó sân bay nào vượt qua sân bay Changi.
"Hôm đi Airshow Singapore 2024, tôi cũng nói chuyện với ông Eugene - CEO của Changi Airports International. CEO này cho biết, trong năm 2023, dù phục vụ 58,9 triệu khách nhưng sân bay của họ vắng tanh. Lý do vì họ dùng công nghệ để giảm bớt thời gian làm thủ tục. Điều này trái ngược với chúng ta”, ông Sáu thông tin.
Chuyên gia này cũng thừa nhận chất lượng dịch vụ của các sân bay ở Việt Nam tăng lên trong các năm qua, việc quản lý khai thác, công nghệ và luồng tuyến cũng được nâng cao. Các hãng hàng không cũng rất chú trọng đến hạng thương gia.
“Thực ra, nhiều phòng thương gia ở nước ngoài không chau chuốt như ở Việt Nam. Đơn cử như hãng Vietjet, hạng Business, Skyboss...được chăm chút rất kỹ, có người hướng dẫn, hỗ trợ. Khi đi hành khách sẽ cảm thấy được quan tâm, có người chăm sóc. Từ đó cho thấy, sự hài lòng của hành khách phải là từ cơ sở vật chất của sân bay, chính sách của hãng hàng không và tính chuyên nghiệp của con người phục vụ”, ông Sáu nói.
“Trong hàng không, quan trọng nhất là đánh giá của tổ chức SkyTrax với bộ tiêu chuẩn đánh giá chặt chẽ, trong đó từ cơ sở vật chất đến chất lượng dịch vụ”, ông Sáu nhìn nhận.
Skytrax là một tổ chức chuyên xếp hạng vận tải hàng không có trụ sở tại London (Anh). Hoạt động của họ là nghiên cứu các hãng hàng không thương mại, đưa ra các khảo sát đối với những hãng hàng không quốc tế, từ đó đánh giá các phi hành đoàn, sân bay, hãng hàng không, phòng chờ, suất ăn, bố trí chỗ ngồi... và nhiều yếu tố khác của vận tải hàng không.
Ngoài ra, họ còn đánh giá chuyến bay, kiểm tra chuyến bay, điều tra mức độ hài lòng của hành khách đối với hơn 200 hãng hàng không rồi phân loại chất lượng dựa trên 2 hệ thống chuyên nghiệp và thống nhất tiêu chuẩn là World Airline và Airport Rating.
Với hơn 800 hạng mục đánh giá từ dịch vụ sân bay đến dịch vụ trên máy bay, Skytrax chỉ xếp hạng cao cho các hãng hàng không thực sự mang đến cho hành khách dịch vụ xứng đáng.
Mặc dù không có đơn vị nào phải bỏ chi phí tham gia cuộc khảo sát, để tham dự sự kiện trao giải hay bất kỳ việc sử dụng biểu trưng, giải thưởng... song đây vẫn là sự công nhận danh giá bậc nhất trong dịch vụ hàng không trên toàn thế giới.
Hiện, đại diện sân bay Nội Bài chưa đưa ra ý kiến về việc xếp hạng của Business Financing.
“Bất cứ một mảng dịch vụ nào trong lĩnh vực hàng không đều có thể cải thiện, có thể đem lại chất lượng tốt hơn cho người dùng, cụ thể ở đây là hành khách. Đầu tiên đó là chất lượng của đội ngũ phục vụ, mà quan trọng nhất là thái độ. Nếu coi hành khách như người thân thì họ sẽ biết phải làm gì.
Thứ hai là giảm bớt thời gian làm thủ tục. Việc này có thể bằng cách áp dụng các công nghệ mới, làm thủ tục từ xa, hay đổi luồng tuyến...
Thứ ba, giảm thời gian chậm chuyến. Việc chậm chuyến làm nhiều người không hài lòng. Việc chậm chuyến có nhiều nguyên nhân, ngoài vấn đề kỹ thuật và thời tiết. Ví dụ như không đủ thiết bị phục vụ, nhân viên làm sai quy trình như đếm sai số khách... đều có thể dẫn đến chậm chuyến. Nhưng nếu mỗi mắt xích trong dây chuyền phục vụ đều đưa ra mục tiêu giảm chậm chuyến thì vấn đề này sẽ được hạn chế”, ông Phạm Ngọc Sáu nói.
Nam hành khách bỏ quên túi chứa hàng nghìn đô tại sân bay Nội Bài
Đến sân bay Nội Bài để được tặng chữ thư pháp trong ngày đầu năm mới