Vị sĩ quan tài ba được mệnh danh là ‘Hùm xám Đường số 4’, chỉ huy một trong ba trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam

19-04-2024 10:05|Nam Trần

Ông thuộc lứa sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được phong cấp hàm lần đầu tiên năm 1948 và là nỗi khiếp sợ của quân Pháp lúc bấy giờ.

Sớm giác ngộ cách mạng

Đặng Văn Việt sinh năm 1920 tại làng Nho Lâm, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Dòng họ ông vốn có gốc gác con cháu họ Trần lừng lẫy chống giặc Nguyên - Mông từ xưa, nhưng qua một số biến cố cuối đời nhà Trần nên đổi họ, chuyển vào Diễn Châu.

Ông là cháu nội cụ Đặng Văn Thụy, đỗ Nhị Giáp tiến sĩ, giữ chức Tế Tửu (tức Hiệu trưởng) trường Quốc Tử Giám. Cha ông là Thượng thư Đặng Văn Hướng, Tham tri Bộ Hình triều đình nhà Nguyễn, Tổng đốc Nghệ An thuộc Chính phủ Trần Trọng Kim nhưng bí mật giúp Việt Minh

Ông Đặng Văn Việt đứng cao nhất hàng sau cùng, trong lễ mừng thọ bà nội Bao Thị Bích (là con đầu của cụ Cao Xuân Dục) năm 1943 - Ảnh: Ông Đặng Văn Chương cung cấp

Ông Đặng Văn Việt đứng cao nhất hàng sau cùng, trong lễ mừng thọ bà nội Bao Thị Bích (là con đầu của cụ Cao Xuân Dục) năm 1943 - Ảnh: Ông Đặng Văn Chương cung cấp

Với truyền thống và điều kiện gia đình, ông theo học trường Quốc học Huế, nơi cha ông đang làm quan. Khi cha sang Pháp công tác, ông tiếp tục học 4 năm tại trường Lycée de la Providence rồi hoàn thành 4 năm học tại trường Trung học Khải Định sau khi về nước.

Từ năm 1942, Đặng Văn Việt ra Hà Nội học Trường Cao đẳng Y khoa Đông Dương. Tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương, trường Y khoa phải đóng cửa. Anh thanh niên Đặng Văn Việt và một nhóm bạn đã quay về Huế, tham gia các khóa huấn luyện của Trường Thanh niên Tiền tuyến (Huế) do Bộ trưởng Bộ Thanh niên Phan Anh và Tạ Quang Bửu (sau làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng những năm đầu thành lập nước) tổ chức huấn luyện, hướng thanh niên về với Cách mạng.

Trung tá Đặng Văn Việt thời trẻ

Trung tá Đặng Văn Việt thời trẻ

Đây là trường huấn luyện quân sự trực thuộc Bộ Thanh niên của Chính phủ Trần Trọng Kim nhưng do những trí thức yêu nước theo Việt Minh dẫn dắt. Học viên Trường Thanh niên Tiền tuyến sau này trở thành những tướng lĩnh tài danh: Trung tướng Cao Văn Khánh - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thiếu tướng Cao Pha - Cục trưởng Cục Tình báo, Thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm - Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp, Thiếu tướng Đào Hữu Liêu - Phó Tư lệnh Binh chủng Công binh…

Sau khi Hà Nội giành chính quyền ngày 19/8, đêm 20/8, ông và người bạn học Nguyễn Thế Lương (sau này là Thiếu tướng Cao Pha) đã được giao nhiệm vụ quan trọng: treo cờ Việt Minh tại cửa Ngọ Môn, Huế. Nhiệm vụ này không chỉ đánh dấu việc Mặt trận Việt Minh lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền thành công tại Huế mà còn là bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của ông.

Người chỉ huy nổi tiếng với những trận đánh để đời

Ngay khi quân ta giành chính quyền ở Huế, cuối tháng 8, quân Pháp dùng một tàu đổ bộ vào cửa biển Thuận An hòng uy hiếp lực lượng cách mạng còn non trẻ ở đây. Đặng Văn Việt được giao chỉ huy một trung đội tổ chức trấn giữ cửa biển, đã mưu trí bắt gọn một quan ba và hai quan hai của địch, dập tắt ý đồ hỗ trợ giữ lại bộ máy chính quyền tay sai. Đây là chiến công đầu tiên mở đầu cho nhiều trận thắng giòn giã sau này dưới sự chỉ huy của ông.

Ông được mệnh danh là

Ông được mệnh danh là "Hùm xám Đường số 4". Ảnh: gia đình Trung tá Đặng Văn Việt

Khi quân Pháp chiếm Huế, ông được cử làm Chỉ huy trưởng Mặt trận Đường số 9 (Trung - Hạ Lào 1945), rồi Tham mưu trưởng Mặt trận Đường số 7 (Thượng Lào 1946), thực hiện nhiều cuộc giao chiến làm giảm sức tiến công của quân Pháp. Sau đó, ông được điều ra miền Bắc, ban đầu làm huấn luyện viên Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1).

Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt chỉ huy trên Đường số 4

Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt chỉ huy trên Đường số 4

Tài năng quân sự của ông Đặng Văn Việt bắt đầu lọt mắt xanh thủ trưởng cơ quan Bộ Tổng tham mưu. Cuối tháng 10/1947, trong cuộc tấn công bất ngờ của thực dân Pháp, ông được giao nhiệm vụ làm Đặc phái viên tác chiến trên Đường số 4 trong chiến khu Việt Bắc, nơi mục tiêu của kẻ thù là cơ quan đầu não của phong trào kháng chiến và Chính phủ Hồ Chí Minh.

Dấu ấn trận đánh lớn đầu tiên của ông là đề xuất cách bố trí đội hình, cùng chỉ huy Tiểu đoàn 23 đánh phục kích thắng lợi ở Bố Củng - Lũng Vài, thu nhiều vũ khí, chiến lợi phẩm, mặc dù trang bị của ta còn quá thô sơ, thiếu thốn. Sự xuất sắc trong vai trò này đã làm cho những báo cáo quân sự của ông về cơ quan "Bộ Tổng" trở nên đáng chú ý hơn bao giờ hết.

Ông Việt (đứng thứ 6 từ trái sang) thăm lại chiến trường xưa cùng các tướng lĩnh Pháp. Ảnh: Pháp luật TP. Hồ Chí Minh

Ông Việt (đứng thứ 6 từ trái sang) thăm lại chiến trường xưa cùng các tướng lĩnh Pháp. Ảnh: Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh

Ông nhanh chóng trở thành Trung đoàn phó và sau đó là Trung đoàn trưởng của Trung đoàn 28 tại Lạng Sơn khi chỉ mới 28 tuổi. Sau đó, ba Trung đoàn 28 (Lạng Sơn), 72 (Bắc Kạn), và 74 (Cao Bằng) hợp nhất thành Trung đoàn 174 trong đó ông Đặng Văn Việt làm Trung đoàn trưởng, ông Chu Huy Mân làm Chính ủy.

Trước khi làm lễ ra mắt trung đoàn, Ban chỉ huy bàn bạc và quyết tâm đánh thắng một trận để đời nhân ngày Quốc khánh nước ta. Thế là trận Bông Lau - Lũng Phầy diễn ra. Trận này ta tiêu diệt hơn 100 xe vận tải, xe tăng, xe bọc thép, diệt và bắt sống hàng trăm tên địch, thu nhiều vũ khí hiện đại bổ sung cho bộ đội ta, lấy được một lượng lớn lương thực, thực phẩm cấp phát cho nhân dân.

Cụ Đặng Văn Việt (đứng giữa) trong ngày gặp mặt truyền thống Trung đoàn 174

Cụ Đặng Văn Việt (đứng giữa) trong ngày gặp mặt truyền thống Trung đoàn 174

Trong Chiến dịch Biên giới Thu - Đông năm 1950, ông chỉ huy Trung đoàn 174 tấn công tiêu diệt cứ điểm Đông Khê ngày 18/9/1950. Sau đó, trung đoàn phối hợp với các đơn vị bạn và nhân dân các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh đánh chia cắt địch trên Đường số 4, điển hình là trận đánh chặn binh đoàn địch rút khỏi Cao Bằng, đón đánh địch từ Thất Khê lên ứng cứu. Quân ta bắt sống hai Đại tá, Tư lệnh hai binh đoàn chủ lực của Pháp là Charton và Lepage cùng hàng trăm sĩ quan, hàng nghìn lính Pháp và lê dương, giữ vững hành lang an toàn Đường số 4.

Cũng bởi những chiến công trên Đường số 4 biên giới Việt Trung, ông chính là nỗi khiếp sợ đối với những tướng lính Pháp lúc bấy giờ. Người Pháp tôn vinh ông với các biệt danh như "Đệ tứ Quốc lộ Đại vương" và "Hùm xám Đường số 4".

Dưới sự lãnh đạo của ông, Trung đoàn 174 - một trong ba trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam - liên tục đánh thắng nhiều trận trên Đường số 4, Đường số 6 và ở nhiều địa phương khác gây tổn thất lớn cho địch, góp phần giữ vững Chiến khu Việt Bắc, bảo vệ Trung ương.

Cuộc sống đời thường của người Trung tá quả cảm

Trong khi trung đoàn cùng các đơn vị bạn chuẩn bị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ thì ông được cử đi học ở Trung Quốc. Sau khi về nước năm 1954, ông trở về Việt Nam, công tác tại Trường Lục quân Việt Nam (Trường Sĩ quan Lục quân 1 ngày nay). Ông được phong quân hàm Trung tá hai năm sau đó và xuất ngũ, chuyển ngành vào năm 1960.

Trung tá Đặng Văn Việt bên giường bệnh

Trung tá Đặng Văn Việt bên giường bệnh

Ở môi trường công tác mới, ông vẫn phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, ham học hỏi nên luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ như khi ở trong quân đội. Ông giữ chức Cục phó Cục Vật liệu xây dựng, rồi Cục phó Cục Xây dựng cơ bản thuộc ngành Thủy sản đến khi nghỉ hưu năm 1980.

Được nghỉ hưu năm 1980, khi kinh tế cả nước còn khó khăn, ông chăm chỉ làm thêm, mượn đất trồng rau, chăn nuôi... để trang trải cuộc sống. Mặc dù có nhiều cống hiến cho Cách mạng, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng nhưng ông vẫn sống giản dị ở căn phòng 32m2 trên tầng 4 Khu tập thể Bộ Xây dựng cấp khi mới chuyển ngành trên phố Minh Khai, Hà Nội.

Do tuổi cao, sức yếu, ông đã từ trần vào ngày 25/9/2021, hưởng thọ 101 tuổi.

Tham khảo:
- Nhớ về “Hùm xám Đường số 4” - Báo Quân đội nhân dân (04/10/2021)
- Trung tá Đặng Văn Việt - "Hùm xám đường số 4" qua đời - Báo Dân trí (26/09/2021)

- Vĩnh biệt ‘Hùm xám đường số 4’ - trung tá Đặng Văn Việt - Báo Tuổi trẻ (26/09/2021)

>> Vị tướng chỉ huy tài ba từng xuất hiện trên tem Bưu chính Việt Nam, là người nước ngoài đầu tiên nhận huân chương cao quý bậc nhất của Chính phủ Campuchia

Lực lượng đặc biệt được ví von là 'điện thoại sống' trong chiến dịch bảo vệ Thủ đô năm 1946, người nhỏ nhất mới chỉ 9 tuổi

Vị Đại tướng là người lãnh đạo then chốt của chiến dịch giải phóng Kon Tum, được tôn vinh nhà quân sự xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/vi-si-quan-tai-ba-duoc-menh-danh-la-hum-xam-duong-so-4-chi-huy-mot-trong-ba-trung-doan-chu-luc-dau-tien-cua-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-d120759.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vị sĩ quan tài ba được mệnh danh là ‘Hùm xám Đường số 4’, chỉ huy một trong ba trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH