Việt Nam có tránh được ‘làn sóng thương chiến’ mới từ Mỹ?
Thương chiến Mỹ - Trung đang trở lại với cường độ mạnh mẽ hơn bao giờ hết, làm chao đảo thị trường toàn cầu. Việt Nam, dù chưa phải là mục tiêu trực diện, vẫn đứng trước những rủi ro lớn. Đây là những thách thức không thể xem nhẹ.
Căng thẳng thương mại toàn cầu bùng nổ vào ngày 01/02/2025 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức áp thuế 25% lên hàng hóa nhập khẩu từ Mexico, Canada và tăng 10% thuế đối với 525 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc.
Ngay lập tức, Trung Quốc đáp trả bằng loạt biện pháp cứng rắn, bao gồm áp thuế lên than đá, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và dầu thô, đồng thời siết chặt kiểm soát xuất khẩu các khoáng sản chiến lược như vonfram, telua – những nguyên liệu quan trọng đối với ngành công nghệ Mỹ.
Những động thái này đã làm chao đảo thị trường tài chính và thương mại toàn cầu, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại leo thang với tác động sâu rộng đến kinh tế thế giới.
![]() |
Việt Nam đối mặt với rủi ro cao trong Thương Chiến 2.0 và sự biến động trong thương mại toàn cầu. Nguồn: Phòng phân tích Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam tổng hợp. |
Trong bối cảnh đó, với mức thâm hụt thương mại với Mỹ lên tới 123 tỷ USD vào năm 2024 – đứng thứ tư thế giới, Việt Nam có thể trở thành một trong những quốc gia bị Washington giám sát chặt chẽ hơn về thương mại.
Theo đánh giá của Mirae Asset, Việt Nam hiện vẫn chưa chịu tác động trực tiếp từ cuộc chiến thương mại, nhờ hưởng lợi từ xu hướng "Trung Quốc +1", khi nhiều doanh nghiệp FDI tiếp tục mở rộng đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc Việt Nam có thể hoàn toàn đứng ngoài vòng xoáy của những biến động sắp tới.
Thương chiến Mỹ - Trung leo thang: Căng thẳng ngày càng gay gắt
Cuộc đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không chỉ dừng lại ở việc áp thuế mà còn mang tính chiến lược dài hạn. Theo Mirae Asset, nếu căng thẳng tiếp tục kéo dài, GDP của Trung Quốc có thể giảm 0,6 điểm phần trăm trong giai đoạn 2025-2027, trong khi lạm phát cơ bản của Mỹ (Core PCE) có thể tăng 0,8 điểm phần trăm. Điều này sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) buộc phải duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, làm tăng chi phí vốn và ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu.
![]() |
Biến động kinh tế toàn cầu trước căng thẳng thương mại và chính sách tiền tệ năm 2025. Nguồn: Australian Bureau of Statistics, GeoNames, Microsoft, NavInfo, OpenStreetMap, TomTom, Zenrin. |
Không dừng lại ở đó, dữ liệu từ WTO và UNCTAD cho thấy thương chiến leo thang có thể khiến tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu giảm 3,2% trong năm 2025. Với Việt Nam, một nền kinh tế có độ mở thương mại lớn, tác động này có thể gây ra những xáo trộn nghiêm trọng, đặc biệt là trong các ngành xuất khẩu chủ lực. Cùng lúc đó, việc Mỹ duy trì lãi suất cao để kiểm soát lạm phát cũng khiến dòng vốn đầu tư có xu hướng quay trở lại Mỹ, thay vì đổ vào các thị trường mới nổi như Việt Nam. Điều này tạo áp lực lớn lên dòng vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2025.
Việt Nam trước nguy cơ bị giám sát thương mại từ Mỹ
Với kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ chiếm 28% tổng xuất khẩu năm 2024, Việt Nam hiện là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Washington, với các mặt hàng chủ lực gồm điện tử, dệt may, giày dép và gỗ. Tuy nhiên, mức thặng dư thương mại 123 tỷ USD có thể khiến Việt Nam đối mặt với các biện pháp bảo hộ thương mại mạnh mẽ hơn từ Mỹ, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường này.
Theo Mirae Asset, rủi ro lớn nhất không đến từ thuế quan trực tiếp, mà là các biện pháp phi thuế quan. Mỹ có thể siết chặt quy tắc xuất xứ để phát hiện hàng hóa có nguồn gốc Trung Quốc nhưng xuất khẩu từ Việt Nam nhằm né thuế. Nếu vi phạm bị xác định, hàng hóa Việt Nam có thể bị áp mức thuế tương đương với hàng Trung Quốc, làm suy giảm lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt.
Ngoài ra, Mỹ có thể áp dụng các biện pháp chống bán phá giá và trợ cấp đối với một số ngành xuất khẩu lớn như thép, gỗ, dệt may, khiến chi phí xuất khẩu gia tăng và có thể dẫn đến làn sóng cắt giảm sản xuất trong nước. Đồng thời, các tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường cũng có thể được thắt chặt, làm tăng chi phí tuân thủ và tạo thêm rào cản cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Đáng chú ý, hơn 20% linh kiện điện tử xuất khẩu của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc. Nếu Mỹ yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa cao hơn hoặc áp đặt các rào cản thương mại mới, nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu mà còn tác động đến dòng vốn đầu tư vào ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam.
Thị trường tài chính và tiền tệ: Áp lực không hề nhỏ
Không chỉ thương mại, thị trường tài chính và tiền tệ của Việt Nam cũng đang chịu tác động mạnh từ thương chiến Mỹ - Trung. Tỷ giá USD/VND trong tháng 1/2025 đã giảm 0,57% YTD, nhờ nguồn kiều hối dồi dào và sự ổn định của đồng USD. Tuy nhiên, nếu thương chiến tiếp tục leo thang, áp lực mất giá đối với VND có thể gia tăng, đặc biệt là khi dòng vốn đầu tư rút khỏi thị trường mới nổi.
![]() |
Diễn biến tỷ giá USD/VND và chỉ số DXY: Mối tương quan và xu hướng biến động. Nguồn: Phòng phân tích Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam tổng hợp. Dữ liệu từ Bloomberg, FiinPro, NHNN; cập nhật tới ngày 07/02/2025. |
Lợi suất trái phiếu Chính phủ đã tăng trên tất cả các kỳ hạn vào tháng 1/2025, phản ánh tâm lý lo ngại của nhà đầu tư về triển vọng lạm phát và tác động dài hạn từ thương chiến. Trong khi đó, dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn duy trì ổn định trong năm 2024, nhưng triển vọng 2025 có thể gặp nhiều thách thức. Các doanh nghiệp đa quốc gia đang cân nhắc mở rộng đầu tư tại các thị trường khác như Ấn Độ và Mexico nhằm tránh rủi ro chính trị.
Việt Nam hiện chưa chịu tác động trực tiếp từ thương chiến Mỹ - Trung, nhưng rủi ro là không thể bỏ qua. Theo Mirae Asset, yếu tố quan trọng nhất cần theo dõi là chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ và xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, Việt Nam có thể đối diện với nguy cơ bị Mỹ siết chặt kiểm soát thương mại, đồng thời phải thích nghi với sự thay đổi trong dòng vốn đầu tư và tỷ giá.
Điều doanh nghiệp Việt lo nhất khi bùng nổ thương chiến Mỹ - Trung
Thương chiến Mỹ - Trung bùng nổ lần 2: Cơ hội nào cho Việt Nam trở thành ‘bến đỗ’ mới?