Xã hội

Việt Nam có trụ sở Quốc hội duy nhất trên thế giới sở hữu 2 hầm khảo cổ dưới lòng đất: Được đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng với 80 phòng họp, đường dây điện dài 1.000km

Thái Hà 13/01/2025 08:00

Đây là một công trình hành chính có quy mô lớn và hiện đại bậc nhất Việt Nam, đại diện cho cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

15 năm “thai nghén”

Tòa nhà Quốc hội Việt Nam không chỉ là nơi quyết định các vấn đề quan trọng bậc nhất của đất nước mà còn là công trình hành chính hiện đại, quy mô lớn bậc nhất Việt Nam. Từ khi phôi thai ý tưởng đến ngày hoàn thiện, dự án đã mất tới 15 năm, thể hiện sự tỉ mỉ và đầu tư kỹ lưỡng trong từng chi tiết.

Việt Nam có trụ sở Quốc hội duy nhất trên thế giới sở hữu 2 hầm khảo cổ dưới lòng đất: Được đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng với 80 phòng họp, đường dây điện dài 1.000km - ảnh 1
Tòa nhà Quốc hội hiện nay mất tới 15 năm để hoàn thành kể từ khi phôi thai ý tưởng. Ảnh: Internet

Công trình chính thức khởi công ngày 12/10/2009, nhưng quá trình chuẩn bị đã bắt đầu từ nhiều năm trước để tìm ra thiết kế phù hợp nhất, dung hòa giữa nét hiện đại và truyền thống. Phương án kiến trúc cuối cùng được chọn là thiết kế của liên danh tư vấn từ Cộng hòa Liên bang Đức, sau khi điều chỉnh theo ý kiến đóng góp từ các chuyên gia Việt Nam.

Đến ngày 20/10/2014, tòa nhà được đưa vào sử dụng trong kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII.

Việt Nam có trụ sở Quốc hội duy nhất trên thế giới sở hữu 2 hầm khảo cổ dưới lòng đất: Được đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng với 80 phòng họp, đường dây điện dài 1.000km - ảnh 2
Đây là nơi các đại biểu bàn hướng phát triển và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Ảnh: Báo Giao Thông

Tọa lạc trên nền nhà Quốc hội cũ, cạnh Quảng trường Ba Đình và nằm trong khuôn viên Hoàng thành Thăng Long, đây không chỉ là công trình hành chính mà còn là điểm nhấn lịch sử, văn hóa của đất nước.

Kiến trúc mang dấu ấn truyền thống, lịch sử

Việt Nam có trụ sở Quốc hội duy nhất trên thế giới sở hữu 2 hầm khảo cổ dưới lòng đất: Được đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng với 80 phòng họp, đường dây điện dài 1.000km - ảnh 3
Tòa nhà được lấy cảm hứng từ "Sự tích bánh chưng, bánh dày". Ảnh: Internet

Tòa nhà được thiết kế như một khối vuông vững chãi, cao 39m, tượng trưng cho sự uy nghi và quyền lực. Lấy cảm hứng từ "Sự tích bánh chưng, bánh dày", công trình mang đậm dấu ấn truyền thống văn hóa Việt Nam. Kiến trúc tòa nhà hòa quyện giữa nét khỏe khoắn hiện đại và tinh thần dân tộc, từ hoa văn trang trí đến nội thất tinh tế.

Tòa nhà gồm 5 tầng nổi và 2 tầng hầm với diện tích xây dựng 35.000m2 và diện tích sàn hơn 60.000m2. Tổng số vốn bố trí thực tế cho dự án tính đến thời điểm chính thức hoạt động là hơn 5.517 tỷ đồng.

Đây là một trong những dự án quy mô và phức tạp nhất mà các nhà thầu Việt Nam từng thực hiện. Hơn 80 phòng họp, đường dây điện dài 1.000km, nhiều trang thiết bị hiện đại được nhập khẩu từ nước ngoài, hệ thống điện được vận hành tương đương một nhà máy.

Sảnh chính Tòa nhà Quốc hội Việt Nam là nơi diễn ra tất cả các nghi thức đón tiếp lãnh đạo cấp cao trong khi Hội trường Diên Hồng là nơi diễn ra các phiên họp toàn thể của Quốc hội Việt Nam.

Việt Nam có trụ sở Quốc hội duy nhất trên thế giới sở hữu 2 hầm khảo cổ dưới lòng đất: Được đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng với 80 phòng họp, đường dây điện dài 1.000km - ảnh 4
Hội trường Diên Hồng. Ảnh: Internet

Trong đó, cái tên Diên Hồng được lấy cảm hứng từ hội nghị dân chủ đầu tiên của nước ta, diễn ra vào thời nhà Trần. Lúc đó, Thượng hoàng Trần Thánh Tông đã triệu tập các phụ lão trong cả nước để lên chiến lược chống lại sự xâm lược của quân Nguyên - Mông lần thứ hai. Các phụ lão lúc ấy chính là hình ảnh sơ khai nhất của các Đại biểu Quốc hội thay mặt nhân dân quyết định những vấn đề liên quan đến vận mệnh của đất nước.

Ứng dụng những công nghệ hiện đại

Tại hội trường, 575 chiếc ghế được thiết kế dành riêng cho các Đại biểu Quốc hội, nó có thể lùi ra đằng sau 15cm và xoay 360 độ nhưng không gây ra bất kỳ tiếng ồn nào để đảm bảo sự nghiêm trang của các phiên họp.

Trên bàn của các Đại biểu Quốc hội còn được trang bị hệ thống thiết bị hiện đại. Quan trọng nhất chính là tổ hợp phím biểu quyết, với 3 nút "không tán thành", "không biểu quyết", "tán thành"... để các đại biểu bày tỏ chính kiến, biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.

Để có thể sử dụng hệ thống thiết bị điện tử trên bàn mỗi đại biểu Quốc hội cần phải cắm "thẻ đại biểu" điện tử của mình vào khe cắm thẻ. Mỗi một Đại biểu Quốc hội sau khi trúng cử sẽ được phát cho chiếc thẻ này, trên thẻ tích hợp đầy đủ các thông tin của đại biểu, khi đi họp đại biểu chỉ cần mang theo thẻ.

Ngoài ra, mỗi đại biểu sau khi trúng cử còn được phát kèm 1 huy hiệu đại diện cho mỗi khóa Quốc hội. Cùng với một thẻ đại biểu phiên bản giấy như chiếc chứng minh thư xác minh rằng: "Tôi là Đại biểu quốc hội".

Việt Nam có trụ sở Quốc hội duy nhất trên thế giới sở hữu 2 hầm khảo cổ dưới lòng đất: Được đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng với 80 phòng họp, đường dây điện dài 1.000km - ảnh 5
Hội trường Diên Hồng được trang bị ghế tự động và hệ thống thiết bị hiện đại. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Trung tâm báo chí nhà Quốc hội cũng là một điểm nhấn của công trình với những hiệu năng vượt trội so với tất cả các trung tâm báo chí trong nước và không thua kém những phòng họp báo tại các trụ sở làm việc quy mô hàng đầu châu Âu và thế giới. Trung tâm được thiết kế với 300 chỗ ngồi nằm ngay bên trái tầng hầm thứ 2 của tòa nhà, có những tiện nghi, công nghệ hàng đầu về studio, hội thảo truyền hình, đường truyền, đáp ứng nhu cầu tác nghiệp của đội ngũ phóng viên.

Những điều chỉ có duy nhất ở Tòa nhà Quốc hội Việt Nam

Điểm đặc biệt nhất của Tòa nhà Quốc hội Việt Nam chính là 2 tầng hầm khảo cổ được phát hiện trong quá trình xây dựng. Đây cũng là trụ sở Quốc hội duy nhất trên thế giới sở hữu khu vực khảo cổ học dưới lòng đất, với diện tích 3.700m2, trưng bày hơn 400 di vật và gần 10 di tích từ thời Tiền Thăng Long đến thời Thăng Long.

Việt Nam có trụ sở Quốc hội duy nhất trên thế giới sở hữu 2 hầm khảo cổ dưới lòng đất: Được đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng với 80 phòng họp, đường dây điện dài 1.000km - ảnh 6
Việt Nam có trụ sở Quốc hội duy nhất trên thế giới sở hữu 2 hầm khảo cổ dưới lòng đất: Được đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng với 80 phòng họp, đường dây điện dài 1.000km - ảnh 7
Khu trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm nhà Quốc hội. Ảnh: Kiến Việt

Các di vật được bảo quản và trình bày bằng công nghệ hiện đại, tái hiện một cách sinh động bề dày lịch sử của kinh đô Thăng Long xưa. Mỗi không gian trưng bày đều mang những câu chuyện ý nghĩa, kết hợp giữa hệ thống sa bàn, đồ họa và ánh sáng hiện đại.

Trong mỗi không gian trưng bày ở mỗi tầng hầm đều có những "điểm nhấn" tạo nên tính độc đáo, riêng biệt, đồng thời những "câu chuyện kể" về lịch sử phát hiện dưới lòng đất về Kinh đô Thăng Long xưa, trung tâm quyền lực lâu đời của quốc gia Đại Việt trong lịch sử được diễn giải sinh động qua di tích, di vật với những chủ đề và phong cách trình diễn đồ họa đặc sắc cùng hệ thống sa bàn, hình ảnh và ánh sáng hiện đại.

Việt Nam có trụ sở Quốc hội duy nhất trên thế giới sở hữu 2 hầm khảo cổ dưới lòng đất: Được đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng với 80 phòng họp, đường dây điện dài 1.000km - ảnh 8
Một phần không gian nghệ thuật đương đại dưới hầm nhà Quốc hội. Ảnh: Báo Nhân Dân

Không gian hành lang hầm của Nhà Quốc hội được ví như một “con đường nghệ thuật” độc đáo. Hoàn thiện vào tháng 11/2018, các tác phẩm tại đây là thành quả của 15 nghệ sĩ và hơn 100 trợ lý kỹ thuật, thợ lành nghề từ khắp nơi như Hà Nội, Thái Bình, Thừa Thiên Huế.

Các tác phẩm nghệ thuật đa dạng về chất liệu, từ sơn mài truyền thống, đồ họa mở đến chất liệu sắp đặt đa phương tiện, video - art trên lụa, nhiếp ảnh phù điêu, sắp đặt chạm khắc đồng tương tác, sắp đặt hàn sắt chuyển động… đã phủ kín hơn 500m dài trong không gian lớn, thiết kế theo địa hình của 3 khu vực đường hầm nhà Quốc hội (tầng hầm nhỏ, tầng hầm lớn và lối xuống hầm nhà để xe).

Lấy ý tưởng sử dụng cách tiếp cận đa dạng các hình thức nghệ thuật đương đại, các nghệ sĩ đã dùng các tác phẩm của mình như một hình thức đối thoại và phản ánh cách nhìn sáng tạo với những giá trị di sản văn hóa nghệ thuật và kiến trúc trong suốt bề dày của lịch sử dân tộc.

Các tác phẩm trưng bày tại đường hầm nhà Quốc hội đã tạo ra con đường tranh nghệ thuật - một không gian kết nối lý tưởng với hai không gian Bảo tàng Cổ vật Thăng Long và Tiền Thăng Long dưới hầm Tòa nhà Quốc hội.

Tòa nhà Quốc hội Việt Nam không chỉ là biểu tượng quyền lực quốc gia mà còn là sự hòa quyện giữa quá khứ và hiện tại, lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của dân tộc. Công trình này không chỉ đại diện cho sự phát triển của ngành xây dựng Việt Nam mà còn là niềm tự hào về tinh thần sáng tạo và sự kiên trì gìn giữ bản sắc văn hóa của đất nước.

>> Huy động 5.000 người cùng 14.000 tấn cốt thép, 34.000m2 đá ốp lát, Việt Nam xây dựng Trung tâm Hội nghị lớn bậc nhất khu vực Đông Nam Á

Tòa nhà trăm tuổi do Pháp xây ở thành phố đáng sống nhất Việt Nam được 'lột xác' thành bảo tàng

Cháy khách sạn khiến 1 người tử vong do nhảy khỏi tòa nhà, 11 người bị thương: Huy động khẩn cấp lính cứu hỏa, cần cẩu giải cứu các nạn nhân bị mắc kẹt

Theo Thị trường Tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/viet-nam-co-tru-so-quoc-hoi-duy-nhat-tren-the-gioi-so-huu-2-ham-khao-co-duoi-long-dat-duoc-dau-tu-hon-5500-ty-dong-voi-80-phong-hop-duong-day-dien-dai-1000km-134552.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Việt Nam có trụ sở Quốc hội duy nhất trên thế giới sở hữu 2 hầm khảo cổ dưới lòng đất: Được đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng với 80 phòng họp, đường dây điện dài 1.000km
    POWERED BY ONECMS & INTECH