Hàn Quốc bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ những năm 1990 và nhanh chóng trở thành nhà đầu tư lớn nhất, đặc biệt là các ông lớn Samsung, LG, Hanwha, SK Group...
Theo hãng tin Yohap (Hàn Quốc), từ ngày 22/6 đến 24/6/2023, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam. Được biết, đây sẽ là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol.
Phái đoàn đi cùng Tổng thống Hàn Quốc trong chuyến công du lần này bao gồm các lãnh đạo của 205 doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc gồm: Chủ tịch Công ty Điện tử Samsung Lee Jae-yong, Chủ tịch Tập đoàn SK Chey Tae-won, Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Hyundai Motor Euisun Chung, Chủ tịch Tập đoàn LG Koo Kwang-mo, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hanwha Kim Dong-kwan, Chủ tịch Tập đoàn Hanjin Cho Won-tae và Phó Chủ tịch Tập đoàn Hyosung Cho Hyun-sang…
Hàn Quốc bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ những năm 1990 và nhanh chóng trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch Đầu tư, tính đến tháng 5/2023, tổng vốn đầu tư các nhà đầu tư Hàn Quốc rót vào Việt Nam đạt hơn 81,5 tỷ USD, với hơn 9.600 dự án còn hiệu lực.
Tập đoàn Samsung
Nhà máy Samsung Electronics Việt Nam (SEV) chính thức được thành lập tại Bắc Ninh vào năm 2008 với số vốn đầu tư đạt khoảng 9,3 tỷ USD. Theo đó, Bắc Ninh là tỉnh được Samsung rót vốn nhiều nhất, chiếm gần một nửa tổng số vốn Samsung đầu tư tại Việt Nam (49%).
Đến nay, Samsung đã có 6 nhà máy và 1 trung tâm Nghiên cứu & Phát triển (R&D), trong đó SEV (Bắc Ninh) và SEVT (Thái Nguyên) là 2 nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất của Samsung trên toàn cầu, SEHC (TP.HCM) là nhà máy điện tử gia dụng lớn nhất tại Đông Nam Á, và SVMC là Trung tâm R&D lớn nhất của Samsung tại Đông Nam Á.
Sau 15 năm phát triển, Samsung đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư khoảng 20 tỷ USD. Trong giai đoạn từ 2018 - 2022, Samsung đã đóng góp trên 306 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu cho Việt Nam. Tính riêng năm 2022, bất chấp những tác động của đại dịch Covid-19, con số đạt được vẫn lên tới 65 tỷ USD, góp phần quan trọng đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lần đầu tiên vượt ngưỡng 700 tỷ USD, đạt hơn 732 tỷ USD.
Tập đoàn LG
Bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ năm 1995, đến nay, LG đã đầu tư 5,3 tỷ USD vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như sản xuất máy ảnh, điện tử, điện gia dụng, thiết bị ô tô. LG có 27.000 nhân viên, công nhân Việt Nam làm việc trực tiếp trong các nhà máy LG tại Việt Nam và các công ty thành viên có tới 70.000 lao động Việt Nam.
Tại Việt Nam, Hải Phòng có thể coi như 'thủ phủ' của LG. Theo Cổng thông tin điện tử thành phố Hải Phòng, LG đã thu hút đầu tư vào Hải Phòng 8,24 tỷ USD (chiếm 10% cả nước, chiếm 82,4% cả thành phố), trong đó: tổng số dự án của Tập đoàn LG tại Hải Phòng là 7 dự án với vốn đầu tư 7,24 tỷ USD (LG Electronics, LG Display, LG Innotek, LG CNS, LG Chemical - 2 dự án, LG International) và 50 doanh nghiệp vệ tinh với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu lũy kế của Tập đoàn LG là 50,6 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng 72%/năm, bình quân mỗi năm tăng 1,71 tỷ USD. Tỷ trọng xuất khẩu của LG luôn chiếm khoảng 43% kim ngạch xuất khẩu của cả thành phố. Luỹ kế LG đã đóng góp cho ngân sách thành phố Hải Phòng khoảng 530 triệu USD, mỗi năm đóng trung bình 66 triệu USD.
Tập đoàn Hanwha
Hanwha là tập đoàn lớn thứ 7 tại Hàn Quốc, hoạt động trong lĩnh vực hàng không và chế tạo máy, năng lượng, tài chính, xây dựng, dịch vụ và giải trí. Tại Việt Nam, Hanwha đã đầu tư hơn 1 tỉ USD vào các dự án quan trọng như: đầu tư gần 400 triệu đô la Mỹ vào Tập đoàn Vingroup, đầu tư 100 triệu USD vào dự án Nhà máy năng lượng điện mặt trời tại Long An, đầu tư 100 triệu USD vào nhà máy sản xuất các thiết bị an ninh tại Khu công nghiệp Quế Võ – Bắc Ninh và nhà máy sản xuất linh kiện động cơ máy bay đầu tiên và duy nhất tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội (200 triệu USD).
SK Group
SK là tập đoàn kinh tế đa ngành nghề có giá trị vốn hóa thị trường gần 200 tỷ USD, đứng thứ hai tại Hàn Quốc chỉ sau Samsung và thuộc top 100 tập đoàn lớn nhất trên thế giới. Thế mạnh của Tập đoàn đang là các lĩnh vực Năng lượng, Dược phẩm - Y tế, Logistics và công nghệ thông tin truyền thông (ICT). Tại Việt Nam, SK Group được biết đến là một trong những tập đoàn đầu tư lớn trong các thương vụ mua lại và sáp nhập (M&A).
Theo đó, Tập đoàn này đã đầu tư vào rất nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành nghề, từ PV Oil (thông qua SK Energy), Masan Group và Vingroup. Cụ thể, vào tháng 8/2018, Tập đoàn đã thành lập công ty con SK South East Asia Investment, với mục đích đầu tư vào các doanh nghiệp phát triển nhanh ở Đông Nam Á. Chỉ hai tháng sau, công ty đầu tư này đã mua lại 9,5% cổ phần của Masan Group.
Tiếp đó, năm 2019, công ty tiếp tục mua lại 6,1% cổ phần của Vingroup. Bên cạnh đó, SK cũng đã mua lại 24,9% cổ phần kinh doanh dược phẩm của Imexpharm Corporation vào tháng 5/2020.
Kể từ giữa năm 2022, SK Group sở hữu 54% cổ phần của Imexpharm - nhà sản xuất dược phẩm hàng đầu và gần đây nổi lên với tư cách là cổ đông nước ngoài lớn nhất của Maroon Bells, công ty sở hữu Pharmacity - chuỗi nhà thuốc lớn nhất, chưa niêm yết tại Việt Nam. SK Group được cho là đang sở hữu 14,5% cổ phần của công ty này với khoản đầu tư ước khoảng 90 triệu USD.
Ngoài ra, giữa tháng 11/2021, SK Group thông qua công ty con là SK South East Asia Investment, tiếp tục đầu tư vào nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, VinCommerce. Theo đó, công ty đã mua lại 16,3% cổ phần của công ty với giá 460 tỷ won (410 triệu USD), như một phần của quan hệ đối tác chiến lược với công ty mẹ Masan Group.