Việt Nam giải quyết thêm một nút thắt quan trọng, mốc nâng hạng thị trường chứng khoán sắp cận kề?
Thị trường chứng khoán Việt Nam cần cải thiện thêm 8 tiêu chí để đáp ứng yêu cầu nâng hạng theo MSCI.
Trong báo cáo mới nhất vừa công bố, tổ chức xếp hạng thị trường MSCI đánh giá tiêu chí "khả năng chuyển nhượng" (Transferability) của Việt Nam đã được thay đổi từ cần cải thiện sang không có vấn đề lớn .
Được biết, Việt Nam đã có sự cải thiện trong khả năng chuyển nhượng nhờ sự gia tăng giao dịch ngoài sàn và chuyển nhượng hiện vật có thể được thực hiện mà không cần có sự phê duyệt trước của cơ quan quản lý.
Bên cạnh đó, MSCI đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ tiến độ giải quyết một số vấn đề về khả năng tiếp cận như giới hạn sở hữu nước ngoài, yêu cầu về ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) và việc thiếu công bố thông tin thị trường bằng tiếng Anh.
Như vậy, sau khi giảm 1 tiêu chí, Việt Nam vẫn còn 8 tiêu chí cần cải thiện để hoàn thành bộ 18 tiêu chí của MSCI bao gồm: giới hạn sở hữu nước ngoài, room ngoại, quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài, mức độ tự do trên thị trường ngoại hối, đăng ký nhà đầu tư và thiết lập tài khoản, quy định thị trường, luồng thông tin và cuối cùng là thanh toán bù trừ.
Đối với tiêu chí "giới hạn sở hữu nước ngoài", các công ty ở một số ngành và lĩnh vực nhạy cảm vẫn bị giới hạn về sở hữu nước ngoài từ 0% cho tới 51%. Những giới hạn này vẫn tác động tới hơn 10% cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tiêu chí "room ngoại còn lại cho nhà đầu tư nước ngoài" vẫn chưa được đáp ứng khi thị trường cổ phiếu chịu ảnh hướng lớn từ vấn đề room nước ngoài. Hơn 1% của chỉ số MSCI Vietnam IMI bị tác động bởi room nước ngoài thấp.
>> Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng TTCK Việt Nam được nâng hạng trong nửa cuối năm 2024
Thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được MSCI xem xét đưa vào danh sách theo dõi được nâng hạng lên thị trường mới nổi vào tháng 6/2025 |
Đối với tiêu chí "quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài", một số thông tin doanh nghiệp vẫn không có tiếng Anh. Bên cạnh đó, quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế do quy định giới hạn sở hữu nước ngoài nghiêm ngặt áp dụng đối với tổng tỷ trọng sở hữu nước ngoài nói chung và sở hữu của từng nhà đầu tư nói riêng.
Ngoài ra, Việt Nam chưa có thị trường giao dịch tiền tệ ở nước ngoài và thị trường giao dịch trong nước còn hạn chế (giao dịch ngoại tệ phải liên quan tới giao dịch chứng khoán) nên chưa đáp ứng tiêu chí "mức độ tự do trên thị trường ngoại hối" theo điều kiện của MSCI.
Đối với tiêu chí "đăng ký đầu tư và mở tài khoản", đăng ký giao dịch là bắt buộc và việc mở tài khoản cần được VSD thông qua.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn chưa có quy định cũng công bố thông tin về thị trường chứng khoán thường bằng Tiếng Anh nên không đáp ứng được tiêu chí "các quy định về thị trường" và "luồng thông tin.
Cuối cùng, đối với tiêu chí "thanh toán và bù trừ", không có công cụ vay thấu chi và giao dịch cần ứng tiền trước.
Theo đó, trong báo cáo triển vọng nâng Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) kỳ vọng tương lai gần vào tháng 6/2025, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được MSCI xem xét đưa vào danh sách theo dõi được nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Trước đó, Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đang xin ý kiến các thành viên thị trường, nhà đầu tư nước ngoài trong việc sửa đổi một số các thông tư quan trọng bao gồm: Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020, số 120/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020, số 119/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020, số 121/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020.
Theo đó, BSC Research đánh giá nếu dự thảo được thông qua sẽ giải quyết phần lớn các vấn đề còn vướng mắc trong việc nâng hạng thị trường.
>> Nóng: UBCKNN họp khẩn với 5 công ty chứng khoán bàn chuyện nâng hạng thị trường