Việt Nam lọt Top 5 ASEAN về một chỉ số quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Theo kết quả công bố từ WB, Việt Nam ở vị trí thứ 43 toàn cầu, ngang bằng Philippines và thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu ASEAN về chỉ số quan trọng này.
Theo Báo cáo "Connecting to Compete" của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đứng thứ 43 trên tổng số 139 nền kinh tế được khảo sát trong bảng xếp hạng LPI quốc tế. Tại khu vực ASEAN, Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia dẫn đầu, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và đồng hạng với Philippines. Đây là bước tiến đáng chú ý so với các năm trước, thể hiện sự cải thiện về hiệu quả logistics xuyên biên giới, yếu tố then chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chỉ số LPI (Logistics Performance Index) được WB phát triển từ năm 2007, nhằm đánh giá và so sánh năng lực logistics giữa các quốc gia. Điểm số LPI tổng hợp được tính từ 6 thành phần: chất lượng hạ tầng, năng lực dịch vụ, hiệu quả thông quan, khả năng truy xuất, độ tin cậy về thời gian giao hàng và chi phí giao hàng quốc tế. Trong đó, chỉ số quốc tế được sử dụng phổ biến như một thước đo chuẩn về hiệu quả logistics, đồng thời là cơ sở để các nhà đầu tư, doanh nghiệp đưa ra quyết định kinh doanh.
Tại “Diễn đàn Logistics xanh – Sức bật trong biến động” ngày 11/7, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, ngành logistics Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ bình quân 14–16%/năm. Sự phát triển mạnh mẽ này đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 đạt gần 786,3 tỷ USD, một con số ấn tượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn.
![]() |
Việt Nam lọt Top 5 ASEAN về chỉ số LPI (Ảnh minh họa) |
Điểm nổi bật trong thời gian qua là việc kết nối đồng bộ hạ tầng logistics giữa các trung tâm kinh tế trọng điểm. Hai tuyến đường chiến lược là Vành đai 3 TP. HCM và Vành đai 4 vùng Thủ đô, đang được đẩy nhanh tiến độ. Đây là những tuyến huyết mạch kết nối các tỉnh công nghiệp lớn như Long An, Bình Dương (cũ) với TP. HCM và Đồng Nai, góp phần giảm chi phí logistics khu vực phía Nam. Đặc biệt, việc hợp nhất một số khu công nghiệp, trung tâm logistics giữa TP. HCM và Bình Dương (cũ) cũng mở ra không gian phát triển mới, thúc đẩy tính liên kết vùng và giảm áp lực hạ tầng đơn lẻ.
Việc lọt Top 5 ASEAN về LPI càng có ý nghĩa khi đặt trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy chuyển đổi xanh trong toàn bộ hệ thống logistics. Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, dịch vụ logistics là một trong 18 lĩnh vực ưu tiên trong Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021–2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 882/QĐ-TTg.
Không chỉ dừng ở tầm chiến lược, yêu cầu xanh hóa logistics đã được cụ thể hóa trong Chỉ thị 20/CT-TTg năm 2025 về giải quyết ô nhiễm môi trường. Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo chuyển đổi phương tiện sang sử dụng năng lượng sạch, xây dựng hạ tầng hỗ trợ vận tải xanh và ứng dụng công nghệ số nhằm nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng.
>> Việt Nam hội tụ đầy đủ yếu tố để trở thành trung tâm logistic quan trọng
Hà Nội thúc đẩy loạt dự án hạ tầng, quy hoạch thêm 78 bãi đỗ xe ngầm
Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về nguồn lực cho hạ tầng