Bất động sản

Việt Nam sắp có khu kinh tế mới gần 14.000ha, khoảng 65.000 người nhận cơ hội lớn

Việt Hoàng 02/11/2024 09:28

Theo đề xuất, dự kiến giai đoạn 2026-2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu kinh tế này sẽ đạt bình quân 14-15%/năm.

Ngày 31/10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Kế hoạch và Đầu tư) đã có Báo cáo 9021/BC-BKHĐT về kết quả thẩm định Hồ sơ Đề án thành lập Khu kinh tế Ninh cơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thành lập khu kinh tế.

Theo báo cáo, các Bộ, ngành liên quan đã phân tích và đánh giá kỹ lưỡng 4 nội dung cần thẩm định theo quy định tại khoản 5 Điều 16 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP gồm: Căn cứ pháp lý và sự cần thiết thành lập Khu kinh tế; đánh giá việc đáp ứng các điều kiện thành lập Khu kinh tế; đánh giá phương hướng phát triển của Khu kinh tế; đánh giá các giải pháp tổ chức thực hiện việc thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ.

Theo Báo cáo thẩm định, Khu kinh tế Ninh Cơ đã được Chính phủ bổ sung vào danh mục các Khu kinh tế biển quốc gia tại Quyết định số 1453/QĐ-TTg ngày 24/9/2020 và Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Việt Nam sắp có khu kinh tế mới gần 14.000ha, sẽ tạo ra 65.000 việc làm
Khu vực dự kiến thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ (tỉnh Nam Định)

Theo đó, chỉ tiêu đất dành cho Khu kinh tế Ninh Cơ được xác định là 13.950ha, nằm ở phía Nam tỉnh Nam Định, bao gồm 9 đơn vị hành chính cấp xã và khu vực bãi bồi thuộc hai huyện Nghĩa Hưng và Hải Hậu.

Tại huyện Nghĩa Hưng, khu vực quy hoạch bao gồm thị trấn Rạng Đông, các xã Nghĩa Bình, Phúc Thắng, Nghĩa Lợi, Nam Điền cùng với vùng bãi bồi. Ở huyện Hải Hậu, khu vực này bao gồm thị trấn Thịnh Long và các xã Hải Ninh, Hải Châu, Hải Hòa.

Việc thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ nhằm khai thác tối đa lợi thế nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như lợi thế vị trí trong kết nối kinh tế, thương mại và dịch vụ với các khu vực lân cận. Điều này góp phần thu hẹp khoảng cách giữa khu vực này với vùng đồng bằng sông Hồng và các khu vực khác trên cả nước, đồng thời đảm bảo hài hòa giữa thu hút đầu tư, phát triển kinh tế với bảo vệ quốc phòng, an ninh, bảo tồn hệ sinh thái biển và di tích lịch sử - văn hóa trong vùng.

>> Công bố kết luận thanh tra hai dự án FLC tại Thanh Hóa

Bên cạnh đó, mục tiêu của đề án là xây dựng Khu kinh tế Ninh Cơ thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa chức năng và là động lực phát triển đột phá của tỉnh Nam Định. Với vai trò là trung tâm kinh tế biển hiện đại, khu kinh tế này sẽ có cảng biển tổng hợp, hạ tầng đồng bộ và môi trường đầu tư thuận lợi, thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển, bảo vệ chủ quyền và đảm bảo an ninh quốc gia.

Dự kiến giai đoạn 2026-2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu kinh tế sẽ đạt bình quân 14-15%/năm. Đến năm 2030, tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn Khu kinh tế Ninh Cơ sẽ chiếm 25%-30% tổng giá trị sản phẩm toàn tỉnh, trong đó tỷ trọng khu vực nông, lâm và thủy sản giảm xuống còn khoảng 15%, còn tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại, dịch vụ chiếm khoảng 85%. Tổng thu ngân sách Nhà nước từ khu kinh tế dự kiến đạt khoảng 3.000 tỷ đồng.

Các mục tiêu tiếp theo bao gồm nâng cấp đô thị thị trấn Rạng Đông và Thịnh Long, thành lập đô thị mới Thịnh Long - Rạng Đông, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa; khởi công cảng biển chuyên dùng và các công trình trọng điểm trong khu kinh tế, phấn đấu đạt tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp 74-75%. Đến năm 2030, khu kinh tế tạo việc làm cho 54.000-55.000 lao động và đến năm 2035 đạt 65.000 lao động, với tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80% vào năm 2030 và 85% vào năm 2035.

Việt Nam sắp có khu kinh tế mới gần 14.000ha, sẽ tạo ra 65.000 việc làm
Đề xuất thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ tại tỉnh Nam Định. Nguồn ảnh: Internet

Về mặt môi trường và an ninh, khu kinh tế sẽ đảm bảo an toàn cho các tuyến đê ven biển và đê sông, bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt là hệ sinh thái ven biển. Mục tiêu phấn đấu là 100% nước thải công nghiệp và sinh hoạt trong khu kinh tế được xử lý đạt chuẩn, đồng thời giữ vững an ninh và quốc phòng.

Khu kinh tế Ninh Cơ được định hướng phát triển theo mô hình tổng hợp, đa ngành, đa chức năng, với ngành công nghiệp chủ lực là cơ khí.

Khu vực này sẽ được quy hoạch thành các không gian chức năng đặc thù, bao gồm: Khu phát triển công nghiệp; khu đô thị; khu rừng ngập mặn kết hợp du lịch sinh thái và khu cảng biển cùng các dịch vụ hậu cần.

Lộ trình thực hiện được chia thành các giai đoạn cụ thể. Trong giai đoạn 2024-2026, tỉnh Nam Định sẽ hoàn thành Quy hoạch chung và một số quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 cho các khu vực trọng yếu, tạo nền tảng cho sự phát triển nhanh chóng của Khu kinh tế trong các giai đoạn tiếp theo.

Giai đoạn 2026-2030, địa phương sẽ tập trung vào việc đưa vào vận hành các công trình, dự án đã xây dựng; hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng đô thị, công nghiệp và dịch vụ trên toàn Khu kinh tế; tiếp tục thu hút đầu tư và chuẩn bị cho việc mở rộng diện tích sau năm 2030; nghiên cứu phát triển các mô hình sản xuất mới, từng bước xây dựng Khu kinh tế Ninh Cơ trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Nam Định.

Trong giai đoạn 2031-2050, địa phương sẽ triển khai Đề án mở rộng Khu kinh tế, hướng đến cả khu vực đất liền và biển, đồng thời hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, đồng bộ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đánh giá 7 nhiệm vụ và 10 giải pháp mà UBND tỉnh Nam Định đề ra trong Đề án cho thấy tỉnh đã xác định được các nhiệm vụ cần triển khai khi việc thành lập Khu kinh tế được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu một số nội dung nhiệm vụ mà tỉnh cần chú ý thực hiện theo ý kiến của các bộ, ngành khi việc thành lập Khu kinh tế được chấp thuận.

Trên cơ sở kết quả thẩm định và đánh giá Đề án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ, tỉnh Nam Định theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP. Giao UBND tỉnh Nam Định chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung tiếp thu, giải trình liên quan đến Đề án thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ; tiếp thu đầy đủ ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan liên quan trong quá trình quy hoạch, đầu tư, xây dựng và phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ. Giao các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phối hợp, hướng dẫn UBND tỉnh Nam Định triển khai Quyết định thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ theo quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Nam Định là tỉnh nằm ở phía Nam đồng bằng Bắc Bộ, có diện tích lớn thứ 52 trong 63 tỉnh, thành của Việt Nam. Năm 2023, Nam Định có hơn 1,8 triệu dân, đứng thứ 13 cả nước và tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 10,23%, đứng thứ 9 cả nước. Trong năm 2024, Nam Định phải thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện khó khăn, gặp nhiều thách thức. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo sát sao, kịp thời của các cấp chính quyền, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã ghi nhận những chuyển biến tích cực, toàn diện hơn so với năm trước khi đạt và vượt kế hoạch 14/14 chỉ tiêu.

>> Tổ hợp hóa dầu tích hợp đầu tiên tại Việt Nam tạm dừng hoạt động thương mại

Tỉnh Hải Dương sắp có khu kinh tế chuyên biệt, quy mô 5.300ha

Thủ phủ công nghiệp miền Bắc Việt Nam muốn có 2 khu kinh tế đêm

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/viet-nam-sap-co-khu-kinh-te-moi-gan-14000ha-se-tao-ra-65000-viec-lam-257542.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Việt Nam sắp có khu kinh tế mới gần 14.000ha, khoảng 65.000 người nhận cơ hội lớn
    POWERED BY ONECMS & INTECH