Việt Nam sắp có trung tâm tài chính đầu tiên: Được quốc gia sở hữu mô hình tương tự hàng đầu thế giới hỗ trợ xây dựng với khung chính sách duy nhất
Giữa bối cảnh tình hình phát triển mới, Chính phủ xác định Việt Nam sẽ chỉ có một trung tâm tài chính quốc tế với khung chính sách duy nhất, được đặt tại TP. HCM.
Quốc gia sở hữu mô hình tương tự hàng đầu thế giới hỗ trợ xây dựng
TTXVN cho biết, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Anh diễn ra từ ngày 16/3-20/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã gặp Thứ trưởng Bộ Tài chính Anh Lord Livermore nhằm trao đổi các định hướng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.

Tại cuộc gặp đó, Bộ Tài chính Anh đã chia sẻ kinh nghiệm từ mô hình Trung tâm tài chính London, trong đó nhấn mạnh 3 yếu tố then chốt giúp tạo nên thành công của trung tâm này chính là: Có cơ chế quản lý hiệu quả, nguồn nhân lực chất lượng cao và hệ thống giải quyết tranh chấp phù hợp với thông lệ quốc tế.
Phía Anh cũng khẳng định việc hoàn thiện khung pháp lý được xem là yếu tố quyết định giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư tài chính quốc tế, đồng thời Anh cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực tài chính xanh, fintech, quản trị trung tâm tài chính.
TP. HCM là địa phương nổi trội để xây dựng trung tâm tài chính
Với ý tưởng ấp ủ hơn 20 năm, việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội để TP. HCM có thể tạo lập được cực tăng trưởng mới giữa bối cảnh sáp nhập địa giới hành chính sắp tới và những tác động không mong muốn từ căng thẳng thuế quan toàn cầu.
Đa phần các ý kiến đều cho rằng TP. HCM là địa phương nổi trội để thực hiện mục tiêu này.

Trong suốt nhiều năm liền, TP. HCM đóng vai trò là "đầu tàu" về kinh tế của cả nước khi sở hữu nền tảng kinh tế năng động và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Đây được xem là trung tâm thương mại - dịch vụ - tài chính lớn nhất Việt Nam, là nơi đặt trụ sở của nhiều tổ chức tín dụng, công ty bảo hiểm, chứng khoán, công ty quản lý quỹ và nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Những định chế tài chính lớn hiện nay đang đặt trụ sở dọc các tuyến đường chính ở quận 1 như: Nguyễn Huệ, Tôn Thất Đạm, Tôn Đức Thắng... góp phần tạo thành một khu kinh tế, dịch vụ sầm uất và điểm nhấn của TP. HCM trong suốt nhiều năm.
TP. HCM hiện đang sở hữu những thiết chế nền tảng cho một thị trường tài chính hiện đại, bao gồm thị trường chứng khoán, thị trường vốn, các trung tâm thanh toán, hạ tầng ngân hàng số và hệ sinh thái công nghệ tài chính (Fintech) vận hành ngày càng bài bản.
Trong đó, Fintech được kỳ vọng sẽ là lực lượng làm thay đổi "cuộc chơi" trong cuộc đua giữa các trung tâm tài chính toàn cầu. Điều này mở ra cơ hội hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam, với TP. HCM là điểm đến hội tụ khi phần lớn các doanh nghiệp Fintech hiện nay đều tập trung tại đây.
Đáng chú ý, TP. HCM là địa phương duy nhất của Việt Nam được đưa vào danh sách xếp hạng chính thức các trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI). Trong báo cáo GFCI lần thứ 37 (công bố tháng 3/2025), TP. HCM tăng 7 bậc, đứng thứ 98/119 trung tâm được xếp hạng – vị trí cao nhất kể từ khi thành phố lọt vào bảng xếp hạng năm 2022.
Theo Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Văn Được, ngoài vị trí địa lý chiến lược, thị trường tài chính của TP. HCM đã thiết lập được các kết nối chặt chẽ với những trung tâm tài chính lớn trong khu vực như Singapore, Hong Kong, Thượng Hải, Tokyo… thông qua dòng chảy đầu tư và thương mại. "Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và trong tương lai là sân bay Long Thành, cùng với hệ thống cảng biển lớn sẽ là yếu tố then chốt để phát triển một hệ sinh thái tài chính toàn cầu", ông Được nhấn mạnh.
Hạ tầng và quy hoạch: Đặt nền móng cho trung tâm tài chính mới
Bên cạnh nền tảng "phần mềm" là hệ thống tài chính hiện hữu, TP. HCM cũng đang từng bước hoàn thiện "phần cứng" cho trung tâm tài chính quốc tế, thông qua việc quy hoạch và phát triển tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức) – khu vực đối diện với quận 1, nơi đặt trụ sở của các tổ chức tài chính truyền thống.
Sự kết nối này hứa hẹn hình thành một hệ sinh thái tài chính liền mạch, hiện đại, có khả năng thu hút nhân tài quốc tế và phát triển các dịch vụ tài chính sáng tạo, có hàm lượng công nghệ cao.

Một động lực chiến lược khác chính là đề xuất sáp nhập địa giới hành chính giữa TP. HCM với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương, mở ra không gian phát triển vượt khung truyền thống của một đô thị tài chính.
Dưới hình thái của một "siêu đô thị", TP. HCM sẽ mở rộng sức mạnh theo mô hình tích hợp đa trụ cột: công nghiệp – cảng biển – tài chính – logistics – du lịch.
Đây được xem là nền tảng giúp thành phố tiến gần hơn đến vai trò một trung tâm tài chính quốc tế thực chất, gắn với động lực tăng trưởng của nền kinh tế quốc gia.
Theo GS.TS Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội, TP. HCM đang sở hữu đầy đủ yếu tố để biến tầm nhìn trung tâm tài chính quốc tế thành hiện thực. Sau khi sáp nhập, Bình Dương sẽ đóng vai trò trụ cột công nghiệp – sản xuất, Bà Rịa – Vũng Tàu là đầu mối cảng biển, du lịch và logistics, trong khi TP. HCM là trung tâm tài chính và thương mại. Tam giác liên kết này sẽ tạo nên một động lực phát triển đột phá, góp phần đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới của hội nhập và cạnh tranh toàn cầu.
Tài chính gắn với kinh tế thực: Công thức phát triển bền vững
Ông Andrew Oldland, Trưởng nhóm công tác về Trung tâm tài chính quốc tế của tổ chức TheCityUK – đơn vị từng tư vấn cho TP. HCM – từng nhấn mạnh rằng, lịch sử của các trung tâm tài chính lớn trên thế giới đều bắt đầu từ việc phục vụ nền sản xuất thực chất. Một trung tâm tài chính bền vững không thể tách rời khỏi dòng chảy hàng hóa, dịch vụ và các ngành kinh tế nền tảng tại địa phương.
Chính vì vậy, việc sáp nhập địa giới hành chính sắp tới không chỉ mang tính mở rộng địa bàn, mà còn hình thành "tam giác vàng" sản xuất – logistics – tài chính. Đây sẽ là trung tâm tài chính có khả năng "sống" cùng mạch đập của nền kinh tế thực, nơi dòng vốn không chỉ luân chuyển trên thị trường tài chính mà còn hòa nhịp với các hoạt động sản xuất, tiêu dùng và đổi mới sáng tạo.
Theo khảo sát của City of London Corporation, London vẫn là trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, còn New York xuống vị trí thứ hai, sau khi ngang hàng với thủ đô của Vương quốc Anh vào năm 2023.