VN-Index thoát cú rơi 70 điểm trong phiên 22/4: Chuyên gia khuyến nghị giảm đòn bẩy, chờ kết quả đàm phán từ Mỹ
Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận rung lắc mạnh trong phiên chiều 22/4. Chỉ số có thời điểm lao dốc 70 điểm nhưng nhanh chóng phục hồi nhờ lực cầu nhập cuộc.
Trong phiên chiều 22/4, thị trường chứng khoán Việt Nam bất ngờ chịu áp lực bán tháo mạnh, khiến chỉ số có thời điểm “bốc hơi” tới 70 điểm, lùi về mức 1.127. Tuy nhiên, lực cầu nhanh chóng nhập cuộc đã giúp VN-Index thu hẹp đà giảm và kết phiên tại mốc 1.197, tương đương mức giảm khoảng 10 điểm. Thanh khoản thị trường cũng ghi nhận sự bùng nổ, vượt 35.000 tỷ đồng, tương đương 1,6 triệu đơn vị giao dịch.
Diễn biến rung lắc mạnh này diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiềm ẩn nhiều bất ổn, đặc biệt là những lo ngại xoay quanh chính sách thuế quan mới từ Mỹ.
Mới đây, ông Lương Duy Phước, Quyền Giám đốc Nghiên cứu Thị trường, CTCP Chứng khoán Kafi đã chia sẻ trên Talkshow Phố Tài chính về tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ lên thị trường Việt Nam. Theo ông Phước, Việt Nam hiện đang tích cực đàm phán với phía Mỹ nhằm hướng tới mức thuế ưu đãi hơn, vào khoảng 10% - 15%, kèm theo cam kết giảm thặng dư thương mại.
Đối với thị trường chứng khoán, những nỗ lực ngoại giao này được kỳ vọng sẽ góp phần ổn định tâm lý nhà đầu tư, từ đó giảm áp lực lên diễn biến thị trường. Trong bối cảnh đầy biến động như hiện nay, ông Phước khuyến nghị nhà đầu tư nên ưu tiên quản trị rủi ro, duy trì kỷ luật đầu tư và “chậm lại để nhìn xa hơn”. Đây là thời điểm thích hợp để tái cơ cấu danh mục, hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính (margin) và tập trung vào những doanh nghiệp có nền tảng nội lực vững, ít phụ thuộc vào thị trường quốc tế. Đồng thời, việc theo sát tiến trình đàm phán thương mại với Mỹ cũng là yếu tố then chốt để đánh giá mức độ ảnh hưởng lên từng nhóm ngành.
![]() |
Đưa ra góc nhìn ngắn hạn, ông Phước cho biết phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu hiện vẫn chưa chịu tác động trực tiếp từ mức thuế mới trong quý I và đầu quý II. Một số thậm chí còn ghi nhận tăng trưởng nhờ đối tác Mỹ đẩy mạnh nhập hàng trước khi thuế có hiệu lực. Tuy nhiên, áp lực lớn nhiều khả năng sẽ xuất hiện vào nửa cuối năm 2025 nếu mức thuế đối ứng 46% tiếp tục được duy trì. Bên cạnh đó, dòng vốn FDI cũng có thể tạm thời chững lại để chờ đợi diễn biến đàm phán, từ đó tạo thêm áp lực lên nhóm doanh nghiệp khu công nghiệp và hạ tầng.
Về dài hạn, ông Phước nhấn mạnh rằng các chính sách trong nước như đẩy mạnh đầu tư công, kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp sẽ là trụ cột thúc đẩy tăng trưởng. Dòng vốn có thể dần chuyển hướng sang các doanh nghiệp có khả năng thích ứng tốt, ít phụ thuộc vào thị trường Mỹ và có cơ hội hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công.
“Đây cũng là cơ hội để Việt Nam tái định vị vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu, qua đó củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài - một yếu tố then chốt ảnh hưởng đến định giá thị trường chứng khoán trong trung hạn”, ông Phước khẳng định.
>> Bán tháo, 'đánh úp' phiên chiều 22/4: Nhiều nhà đầu tư không kịp trở tay – điều gì đang diễn ra?