Vợ chồng lão nông Thanh Hóa bỏ túi tiền tỷ mỗi năm nhờ vườn cây ăn quả
Đi khai hoang lập nghiệp với hai bàn tay trắng, đến nay, vợ chồng bà Nguyễn Thị Sanh (SN 1957) ở phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa đã sở hữu 17ha trồng cây ăn quả, thu nhập mỗi năm cả tỷ đồng.
Mô hình trồng cây ăn quả của gia đình bà Sanh rộng 17ha nằm ở giữa các quả đồi (được người dân gọi là Thung Cớn), thuộc khu phố 12, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn.
Trên diện tích đó, bà Sanh trồng 4ha cam canh; 1ha bưởi da xanh và bưởi Diễn; 2ha nhãn, mít và 8ha trồng dứa. Tổng doanh thu từ vườn cây ăn quả và dứa dao động từ 2 đến 2,5 tỷ đồng mỗi năm, trừ chi phí gia đình bà thu về 1,5 tỷ đồng.
Vào những ngày này, bà Sanh đang tất bật thu hoạch cam, bưởi, để bán cho thương lái dịp Tết. Trong đó, riêng 4ha cam cho sản lượng khoảng 40 tấn quả, giá bán tại vườn trung bình 28.000 đồng/kg, bà thu về hơn 1,1 tỷ đồng. Diện tích bưởi, nhãn cho thu khoảng 300 triệu đồng.
Cùng với đó, gia đình bà Sanh còn có thu nhập lớn từ trồng dứa.
“Gia đình tôi trồng 5 vạn cây (tương đương gần 1ha) cho dịp Tết này, sản lượng hơn 35 tấn, giá bán hiện tại 8.000 đồng/kg, thu về hơn 200 triệu đồng. Thu hoạch từ trồng dứa gối vụ trong năm được hơn 1 tỷ đồng”, bà Sanh nói.
Bà Sanh quê ở Ninh Bình, chồng ở huyện Nga Sơn (Thanh Hóa). Hai vợ chồng quen biết nhau từ ngày đi bộ đội, sau đó xuất ngũ. Năm 1981, ông bà cưới nhau. Lúc bấy giờ, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên hai vợ chồng bà phải di cư lên Thung Cớn khai hoang làm kinh tế mới.
Ngày đó, vợ chồng bà chỉ có khoảng 1ha đất để trồng ngô, sắn, mía, làm quanh năm vẫn không đủ ăn.
“Năm 1994, Nhà nước giao đất rừng cho dân. Lúc bấy giờ, nhà tôi được nhận 6ha nhưng chỉ có chức năng trông coi, bảo vệ. Mười năm sau mới có chính sách đổi đất rừng sang đất sản xuất, gia đình tôi đã cải tạo để trồng mía, sắn,... nhưng hiệu quả không cao”, bà Sanh nhớ lại.
Năm 2015, thị xã Bỉm Sơn cho các hội viên nông dân đi học hỏi mô hình trang trại trồng cây ăn quả ở các tỉnh phía Bắc. Nhận thấy mô hình trồng cam Canh, bưởi Diễn mang lại kinh tế cao, bà Sanh bàn với chồng vay vốn để đầu tư.
“Bắt tay vào làm trang trại, vợ chồng tôi không có một đồng nào. Với quyết tâm thay đổi cây trồng, tôi đã mạnh dạn vay ngân hàng 1,5 tỷ đồng để cải tạo đất, mua giống, phân bón,... trồng 4ha cam Canh, 2ha nhãn. Để có kinh phí trang trải, lấy ngắn nuôi dài, tôi trồng xen lẫn dứa để bán”, bà Sanh kể.
Sau 3 năm, vườn cây của gia đình bắt đầu bói quả.
Cũng theo bà Sanh, khi vườn cây cho thu nhập, gia đình bà dùng số tiền đó để trả nợ dần ngân hàng, đồng thời mua lại đất đồi của dân. Đến nay, gia đình bà Sanh sở hữu 17ha đất. Để giảm chi phí tiền thuê máy móc làm đất, bà còn đầu tư mua một chiếc máy xúc với giá hơn 500 triệu đồng, một xe ô tô bán tải để chở hoa quả.
Gia đình bà Sanh đang tạo việc làm cho 8 lao động thường xuyên, mức lương gần 10 triệu đồng/người/tháng.
Trao đổi với VietNamNet, bà Tống Thị Hồng Liên - Chủ tịch Hội Nông dân phường Bắc Sơn - cho biết, toàn Thung Cớn có hơn 50 hộ dân làm nghề trồng cây ăn quả, nhưng gia đình bà Sanh là hộ hiếm hoi thành công với mô hình trồng cam Canh, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
>> Giống cây ăn quả cổ xưa ở Hòa Bình, mỗi năm chỉ có 1.000 tấn, thương lái tranh nhau mua