Theo VSSA, có dấu hiệu của hành vi gian lận xuất xứ trong hoạt động xuất khẩu đường sản xuất từ mía sang Việt Nam của các doanh nghiệp Indonesia.
Ngày 27/1/2023, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã có công văn số 08 gửi Bộ Tài Chính Kiến nghị áp thuế MFN (tối huệ quốc) đối với các lô đường nhập khẩu do Công ty PT. Kebun Tebu Mas Indonesia sản xuất.
Công ty PT. Kebun Tebu Mas Indonesia là công ty duy nhất có sản phẩm đường xuất khẩu vào Việt Nam sau khi quyết định 1514 có hiệu lực.
Tuy nhiên, chỉ tính từ ngày quyết định 1514 có hiệu lực đến ngày 31/12/2022, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, khối lượng đường nhập khẩu do Công ty PT. Kebun Tebu Mas Indonesia sản xuất đã lên đến 165.652 tấn.
Theo VSSA, có dấu hiệu rõ ràng của hành vi gian lận xuất xứ trong hoạt động xuất khẩu đường sản xuất từ mía sang Việt Nam khi vượt quá 50% năng lực sản xuất đường từ mía.
Loại đường gian lận xuất xứ này hiện đang tràn ngập thị trường, khiến cho đường sản xuất từ mía hầu như không thể tiêu thụ được và ước tính khối lượng đường gian lận xuất xứ 165.652 tấn nêu trên cũng có thể gây thất thu thuế tối thiểu khoảng 1.200 tỷ đồng.
Do đó, VSSA kiến nghị Bộ Tài Chính chỉ đạo Tổng cục Hải Quan thực hiện xác minh xuất xứ hàng hóa tại cơ sở sản xuất đối với các lô đường nhập khẩu do Công ty PT. Kebun Tebu Mas Indonesia sản xuất.
Đồng thời kiến nghị Bộ Tài Chính chỉ đạo cơ quan hải quan tạm thời áp dụng thuế suất MFN theo quy định tại khoản 7 điều 19 Thông tư số 38 đối với lô hàng của công ty PT. Kebun Tebu Mas xuất khẩu vào Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Không chỉ VSSA, ngày 18/1 Bộ Công Thương cũng đã có công văn số 265 gửi Tổng cục Hải quan về việc tăng cường kiểm tra, xác minh xuất xứ các lô hàng nhập khẩu đường mía.
Theo rà soát của Bộ Công thương, các lô hàng nhập khẩu đường từ Indonesia và Malaysia có dấu hiệu khai báo gian lận xuất xứ để lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại theo Quyết định số 1514. Do đó, Bộ Công Thương đã kiến nghị Tổng cục Hải quan tăng cường thẩm tra, xác minh xuất xứ đối với các lô hàng nhập khẩu đường từ Indonesia và Malaysia để truy thu thuế nếu phát hiện vi phạm.
Cụ thể các lô hàng nhập khẩu đường từ Indonesia sau khi Quyết định 1514 có hiệu lực (ngày 8/8/2022) đến nay; các lô hàng nhập khẩu đường từ Malaysia trong giai đoạn từ sau khi Bộ Công Thương áp dụng biện pháp chống bán phá giá với đường mía từ Thái Lan đến khi bắt đầu áp dụng biện pháp chống lẩn tránh (từ ngày 9/2/2021 đến ngày 8/8/2022).
Doanh nhân Đặng Văn Thành: 45 năm ‘chinh chiến’, hệ sinh thái TTC Group có được những gì?
Sau rời ghế chủ tịch, 'nữ hoàng mía đường' quay lại TTC Agris làm gì?