Vùng đất nằm ở ngã ba Ðông Dương, sở hữu loại sâm ‘quốc bảo’ của Việt Nam, hứa hẹn trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia
Nơi đây có điều kiện khí hậu, thời tiết, sinh thái, thổ nhưỡng rất thuận lợi để phát triển, nuôi trồng dược liệu quý có giá trị kinh tế cao.
Kon Tum nằm ở ngã ba Ðông Dương, giáp với Lào và Campuchia. Ðịa hình của tỉnh có độ cao trung bình từ 500m đến 1.200m, trong đó cao nhất là đỉnh núi Ngọc Linh (2.596m). Kon Tum có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, là môi trường thuận lợi cho nhiều loại dược liệu quý hiếm sinh trưởng và phát triển.
Theo kết quả điều tra sơ bộ, trên địa bàn tỉnh hiện có 853 loài cây thuốc và nấm làm thuốc; 30/853 loài cây thuốc có nhu cầu lớn cho thị trường và khoảng 27 loài cây thuốc có giá trị chữa bệnh và giá trị kinh tế cao như sâm Ngọc Linh, lan Kim Tuyến, Hồng đẳng sâm...
Với những lợi thế được thiên nhiên ban tặng, tỉnh Kon Tum đề ra mục tiêu và hướng đến khai thác tiềm năng, lợi thế về dược liệu; sử dụng bền vững, hiệu quả nguồn dược liệu tự nhiên hiện có; phát triển Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025.
Phần lớn tỉnh Kon Tum nằm ở phía tây dãy Trường Sơn, địa hình thấp dần từ bắc xuống nam và từ đông sang tây. Địa hình của tỉnh Kon Tum khá đa dạng đồi núi, cao nguyên và vùng trũng xen kẽ nhau.
Điều kiện địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng đã tạo cho Kon Tum lợi thế để phát triển các ngành kinh tế nông - lâm nghiệp với những sản phẩm hàng hóa với giá trị gia tăng lớn như: Cà phê, cao su, mắc ca; các loại cây dược liệu như: Sâm Ngọc Linh, Hồng đẳng sâm và các loại dược liệu quý hiếm khác. Trong số đó, sâm Ngọc Linh là một sản phẩm nổi tiếng, quý hiếm và có giá trị kinh tế rất cao.
Sâm Ngọc Linh là loài thảo dược giá trị cao ở Việt Nam, như một loại kháng sinh tự nhiên nên có tính kháng khuẩn, tiêu viêm, phục hồi tổn thương rất tốt. Sâm Ngọc Linh hoàn toàn được trồng tự nhiên trên rừng, không có bất kỳ tác động nào của các loại thuốc, phân trong quá trình sinh trưởng, phát triển của cây và để đạt được giá trị dinh dưỡng cao nhất thì sau khi trồng 8 đến 10 năm mới tiến hành thu hoạch.
Là loại thảo dược quý hiếm và giá trị cao nên nhiều năm qua, sâm Ngọc Linh đứng trước nguy cơ bị giả mạo thương hiệu rất lớn. Năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học Công nghệ đã ban hành chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm củ Ngọc Linh.
Theo đó, sâm củ Ngọc Linh được Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00049 theo Quyết định số 3235/QĐ-SHTT ngày 18/6/2016. Theo Quyết định này, sản phẩm sâm củ mang chỉ dẫn địa lý nằm trên ngọn núi Ngọc Linh trong khu vực địa lý thuộc xã Măng Ri, xã Ngọc Lây thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum và xã Trà Linh thuộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Sở Khoa học và Công nghệ Kon Tum cũng đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Ông Trần Hoàn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum chia sẻ, những năm 1990, sâm Ngọc Linh đang bên bờ tuyệt chủng. Bởi vậy, cứ nghe ở đâu bà con đi rừng kiếm được sâm, ông cùng mọi người lại tới mua mang về ươm trồng trên đỉnh núi Ngọc Linh, cây phát triển rồi lấy hạt nhân giống tiếp.
Hiện nay, công ty đang cùng người dân bảo vệ rừng, đồng thời cung cấp giống cho bà con để phát triển nguồn sâm. Mảnh đất Tu Mơ Rông nói riêng đã có rất nhiều tỷ phú nhờ sâm Ngọc Linh.
Định hướng đến năm 2045, phát triển sâm Việt Nam trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho các địa phương, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm lớn trên thế giới.
Kon Tum cũng được đưa vào danh sách các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên phù hợp cho việc nuôi trồng, phát triển sâm Việt Nam.