Xã nổi tiếng giàu có ở miền Trung: Biệt thự 'khủng' mọc lên như nấm, ô tô đậu đầy sân, người dân 'dùng tiền đô, không dùng tiền Việt'
Ngôi làng này từ lâu đã nổi tiếng là làng xuất khẩu lao động nên giàu có, nhà cửa cao tầng khang trang nhất trong các làng quê ở tỉnh Hà Tĩnh.
Xã Cương Gián (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) nằm ở ven biển, trước đây người dân chủ yếu dựa vào nghề đi biển và sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nên cuộc sống khó khăn.
Thế nhưng, khoảng vài chục năm nay, với việc giúp nhau cùng đi xuất khẩu lao động, trong đó chủ yếu đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc đã mang lại thu nhập cao cho người dân nên cuộc sống của người dân nơi đây trở nên giàu có, nhiều người còn gọi là “làng tỷ phú” hay “xã giàu nhất Việt Nam”.
Cảnh nhà cửa cao tầng san sát, ô tô sang đậu đầy sân nhà khiến nhiều người đến đây ngỡ rằng là một đô thị, một phố phường chứ chẳng phải là làng quê nữa.
Được biết, xã Cương Gián có 15 thôn, thôn nào cũng giàu có và có rất nhiều tỷ phú, đại gia. Người ta còn đồn ở làng Cương Gián chỉ "dùng tiền đô, không dùng tiền Việt".
Ông Hoàng Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Cương Gián cho biết, trong tổng số 3.390 hộ dân với khoảng 15.000 nhân khẩu hiện có trên địa bàn. Tính tới đầu năm 2023, xã có đến 3.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và các nước châu Âu...
“Mỗi năm, toàn bộ số lao động của xã chúng tôi ở nước ngoài gửi về nước khoảng 400-500 tỷ đồng. Ở đây, mỗi gia đình có từ 5-10 người đi xuất khẩu lao động làm việc tại nước ngoài là rất nhiều”, ông Hà chia sẻ.
Đường sá khang trang, sạch sẽ bên cạnh là những dãy nhà biệt thự cao tầng được xây dựng bằng tiền người đi xuất khẩu lao động gửi về. Khoảng 70% dân số ở trong độ tuổi lao động của xã Cương Gián làm việc tại nước ngoài, đi du học hoặc kiếm sống ở miền Nam.
Là làng chài ven biển nhưng nơi đây chỉ còn lác đác vài người cao tuổi đánh bắt gần bờ. Kinh tế địa phương chủ yếu dựa vào tiền người thân đi nước ngoài gửi về. Nhiều căn nhà cao tầng được xây dựng lên nhưng luôn đóng cửa, không có người sinh sống, chỉ có dịp lễ Tết mới có người ra vào.
Bên cạnh việc mang lại nguồn ngoại tệ giúp kinh tế gia đình phát triển đột phá, đời sống nhân dân nâng cao, làng quê đổi mới trở nên giàu có thì theo ông Hà cũng có những mặt gọi là hệ lụy.
Đó là vợ chồng xa cách, con cái ở nhà với ông bà thiếu tình thương và sự chăm lo, dạy dỗ của cha mẹ nên việc học hành nhiều khi cũng không được đến nơi đến chốn, thậm chí một số cháu sớm sa vào tệ nạn xã hội vì có tiền mà thiếu người kèm cặp, quản lý.
Chưa kể, theo thống kê ở Cương Gián có nhiều cặp vợ chồng ly hôn, phần lớn đều có vợ hoặc chồng đi nước ngoài về.