“Xảo trá” thị trường thực phẩm chức năng - Bài cuối: Dẹp “loạn” cách nào?
Thị trường thực phẩm chức năng như “mảnh đất màu mỡ” để các tổ chức tội phạm lợi dụng, bất chấp hậu quả trục lợi bất chính. Giải pháp chặn đứng vấn nạn này đang là yêu cầu cấp thiết hiện nay…
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã đăng tải trong 6 bài viết về sự “xảo trá” của thị trường thực phẩm chức năng những năm qua. Theo đó, lợi dụng nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng để tăng cường sức khỏe cũng như làm đẹp của người dân tăng cao, những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng cũng xuất hiện như “nấm sau mưa” lừa đảo người tiêu dùng.
Đáng chú ý, dù là sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng cũng không có đơn vị nào kiểm chứng nhưng nhiều cơ sở vẫn ngang nhiên dán nhãn mác Châu Âu, Châu Á…thậm chí còn làm giả cả tem chống hàng giả để “bẫy” người tiêu dùng. Chỉ khi cơ quan chức năng phát hiện và xử lý, nhiều người lúc này mới “ngã ngữa” và lo lắng khi không biết loại sản phẩm mình đang dùng là thật hay giả? Cứ như thế, thị trường thực phẩm chức năng càng ngày càng trở nên “bát nháo”, người bán cứ bán, người mua cứ mua trong tình trạng “loạn” giá cả, thậm chí chất lượng, nguồn sản phẩm thì chỉ có… ông trời” mới biết!
Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân về vấn đề này chủ yếu do luật chưa theo kịp thực tiễn, đôi lúc các cơ quan quản lý tự mâu thuẫn trong việc kiểm tra, giám sát mặt hàng này. Đối với thực phẩm chức năng nhập khẩu chỉ kiểm tra nguồn gốc xuất xứ trên giấy tờ, nên chưa thể ngăn chặn hiện tượng trà trộn hàng giả, kém chất lượng vào hàng thật khi tiêu thụ.
Bên cạnh đó, thị trường thực phẩm chức năng phát triển mạnh mẽ trong khi hệ thống quy định pháp luật về điều kiện sản xuất, kinh doanh mặt hàng này còn khá lỏng lẻo. Theo ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục quản lý thị trường Hà Nội cho biết, thông thường đối tượng sản xuất hàng giả thường lập doanh nghiệp có chức năng kinh doanh, sản xuất thực phẩm chức năng, sau đó thuê gia công sản phẩm bán thành phẩm không dán tem, nhãn mác.
Khi thị trường có nhu cầu tiêu thụ về loại sản phẩm mang thương hiệu nào đó thì lập tức cho dán nhãn mác giả. Đặc biệt, hầu hết nguyên liệu sản xuất thực phẩm chức năng giả nhãn mác là hàng Trung Quốc giá rẻ, nhưng được "phù phép" thành sản phẩm của Mỹ, Nhật Bản, Australia…
Trao đổi về giải pháp để quản lý tốt hơn thị trường thực phẩm chức năng, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường) cho rằng, cơ quan chức năng cần tập trung làm tốt ngay từ khâu xác nhận công bố, kiểm tra chất lượng, kiên quyết thu hồi, dừng cấp phép có thời hạn doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng giả nhãn mác hoặc sản phẩm không đúng tiêu chuẩn đã công bố.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, trước thực trạng này, Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ ngành liên quan thực hiện nhiều biện pháp chấn chỉnh. Sau khi rà quét trên mạng xã hội, cơ quan chức năng đã đề nghị facebook và youtube sử dụng thuật toán để xử lý hơn 2.000 mẫu quảng cáo “nhà tôi 3 đời làm thần y” và chặn tự động đối với hàng loạt các sản phẩm quảng cáo có từ khóa quảng cáo vi phạm. Thời gian tới, cơ quan liên ngành sẽ tập trung xử lý đối với các chủ thể vi phạm về quảng cáo.
Bên cạnh đó, vị đại diện Bộ Y tế cũng thông tin thêm, Bộ này đang tổng hợp các ý kiến từ các địa phương và bộ ngành liên quan, trên cơ sở đó sẽ tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật An toàn Vệ sinh thực phẩm. Việc sửa đổi sẽ tập trung xây dựng chặt chẽ các quy định, quy phạm nhằm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân, ngăn chặn nguy cơ thực phẩm kém chất lượng gây ngộ độc, xử lý những quảng cáo sai phạm để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Ngọc Tâm, Trung tâm Công nghệ chống giả Việt Nam cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp có thể sử dụng công cụ chống hàng giả hiệu quả bằng cách sử dụng con tem có mã QR giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cùng với đó, doanh nghiệp có thể sử dụng giải pháp TrueData với việc sản phẩm gắn chip RFID sử dụng trường điện từ tự động, nhà cung cấp được xác thực bằng công nghệ định danh.
Thực tế, không ít doanh nghiệp vẫn bày tỏ quan ngại về việc gia tăng chi phí khi sử dụng các công cụ chống hàng giả công nghệ cao, thường có giá cao. Tuy nhiên, ông Tâm cho rằng, doanh nghiệp cần nghĩ dài hơi hơn.
“Đối với những sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng có giá trị thấp có thể áp dụng công nghệ cơ bản vừa phải, hợp với túi tiền, còn những sản phẩm có giá trị cao có thể thiết lập quy trình truy xuất nguồn gốc đầy đủ hơn”, ông Tâm chia sẻ.