Xây dựng Hoà Bình: Oằn lưng gánh nặng nợ nần

10-01-2023 17:18|Thành Trung

Phải chăng nguồn cơn của cuộc xung đột dai dẳng mà báo chí gọi là “nội chiến” tại Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán HBC) bắt nguồn từ năng lực quản lý có vấn đề của HĐQT, minh chứng là gánh nặng nợ vay chiếm tới 79% tổng tài sản?

Cuộc “nội chiến” tại xây dựng Hoà Bình đang là tâm điểm chú ý của nhiều bên trong những ngày gần đây khiến những người quan tâm tò mò, liệu đâu là nguồn cơn của mọi vấn đề? Một trong những phân tích cho rằng, mọi chuyện phải chăng bắt nguồn từ năng lực quản lý, minh chứng là gánh nặng nợ vay?

Cái bẫy đòn bẩy tài chính

Số liệu trên BCTC quý 3/2022 ghi nhận đến 30/9/2022 xây dựng Hoà Bình có tổng nợ phải trả 14.900 tỷ đồng, trong đó có gần 5.500 tỷ đồng dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và hơn 1.000 tỷ đồng dư vay nợ thuê tài chính dài hạn. Tổng dư vay nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn 6.500 tỷ đồng. Trong khi đó tổng tài sản đạt gần 18.700 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả đang chiếm đến 79% tổng tài sản.

Chủ nợ lớn nhất của xây dựng Hoà Bình đang là là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nan BIDV – 2.279 tỷ đồng, chiếm trên 40% tổng nợ ngắn hạn của công ty.

Chủ nợ lớn thứ 2 là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) với tổng dư nợ đến 30/9/2022 là 1.341 tỷ đồng. Chủ nợ lớn thứ 3 là Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) với dư nợ hơn 536 tỷ đồng. Tiếp đó là Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NVB)với 246 tỷ đồng; Techcombank với 240 tỷ đồng; Vietcombank với dư nợ cho vay 205 tỷ đồng; MBB với hơn 194 tỷ đồng, ABBank với 132 tỷ đồng…

Dư vay nợ thuê tài chính dài hạn chủ yếu là các khoản vay trái phiếu – mà trái chủ là Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam MSB 500 tỷ đồng có thời gian đáo hạn đến tháng 12/2026; trái chủ Quỹ đầu tư cơ hội PVI (425 tỷ đồng) và Quỹ đầu tư Hạ tầng PVI (75 tỷ đồng) còn lại có thời gian đáo hạn đến tháng 1/2025.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Hòa Bình bị âm hơn 1.331 tỷ đồng, so vớicùng kỳ năm 2021 vẫn dương hơn 896 tỷ đồng. Có thể một trong những nguyên nhân chính dẫn đến dòng tiền hoạt động kinh doanh của công ty này bị âm là do các khoản phải thu tăng mạnh so với cùng kỳ 2021.

Xây dựng Hoà Bình: Oằn lưng gánh nặng nợ nần

Các chuyên gia tài chính từng lên tiếng cảnh báo dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm là một dấu hiệu xấu đối với bức tranh tài chính của doanh nghiệp. Nhìn vào bức tranh này tại HBC, có thể nhận thấy dòng tiền thuần hoạt động đầu tư của trong kỳ cũng âm hơn 319 tỷ đồng. Đáng quan ngại là tổng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư trong 3 quý đầu năm 2022 của nhà thầu xây dựng này đã bị âm.

Xây dựng Hoà Bình: Oằn lưng gánh nặng nợ nần

Nhìn tổng thế bức tranh tài chính của Xây dựng Hoà Bình đến 30/9/2022 (sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát), tổng tài sản tại doanh nghiệp này đạt 18.683 tỷ đồng, tăng 12,7% so với đầu năm, được hình thành từ 14.913 tỷ đồng nợ phải trả (chiếm tới 79,8% tổng tài sản) và chỉ có 3.770 tỷ đồng vốn chủ sở hữu (chiếm 20,2%).

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Hòa Bình đã ở mức 3,95 lần. Đáng nói là, dư nợ vay tài chính ngắn hạn tăng 17% lên mức 5.496 tỷ đồng; nợ và vay tài chính dài hạn tăng vọt 168% so với thời điểm đầu năm lên gần 1.070 tỷ đồng, chủ yếu là vay nợ qua trái phiếu. Tại thời điểm 30/9/2022, HBC có mức dư nợ trái phiếu hơn 987 tỷ đồng trong khi hồi đầu năm 2022 chỉ ở mức 290 tỷ đồng.

Thay Chủ tịch HĐQT là giải pháp giúp giảm nợ vay?

Lựa chọn sử dụng đòn bẩy tài chính liên tục đã gây ra tình trạng bấp bênh với xây dựng Hoà Bình - doanh nghiệp xây dựng có truyền thống đến 36 năm trong lịch sử phát triển của mình. Dễ dàng nhận thấy đa số tài sản của Hòa Bình được cơ cấu bởi nợ vay, do đó họ phải trả chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính.

Đáng chú ý là việc đi vay vốn để phát triển có vẻ như là chủ trương xuyên suốt nhiều năm của Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải và HĐQT công ty này. Theo dõi các báo cáo tài chính hợp nhất trong nhiều năm của Hòa Bình sẽ nhận thấy điều này.

Nếu nói nguyên nhân những bất ổn về tài chính này là do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 thì quay lại cuối năm 2019 trước khi xảy ra đại dịch, báo cáo tài chính của HBC thể hiện tại thời điểm 31/12/2019 tổng tài sản của công ty đạt 16.721 tỷ đồng, được hình thành từ hơn 12.761 tỷ đồng nợ phải trả (chiếm 76% tổng tài sản) và chỉ có 3.960 tỷ đồng vốn chủ sở hữu.

Tuy nhiên, như trên đã đề cập, gần 3 năm sau, đến thời điểm 30/9/2022, tức là sau khi Việt Nam kiểm soát được đại dịch, hạng mục nợ phải trả của HBC thậm chí còn tăng lên mức 14.432 tỷ đồng (chiếm 79,06% tổng tài sản) còn vốn chủ sở hữu lại giảm xuống mức 3.770 tỷ đồng.

Thực trạng tài chính ảm đạm cùng khối nợ “khủng” của Hòa Bình cho thấy năng lực điều hành của HĐQT, mà đứng đầu là ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT, người chịu trách nhiệm cao nhất về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này đang ra sao. Liệu đó có phải là nguyên nhân chính dẫn đến việc ông Hải bị miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT sau ĐHCĐ bất thường và các cuộc họp HĐQT dẫn đến việc Hòa Bình ban hành Nghị quyết số 50/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 14/12/2022?

Đến thời điểm này, vụ tranh chấp chiếc ghế “nóng” Chủ tịch HĐQT vẫn chưa đi tới hồi kết, sau khi HBC ban hành Nghị quyết 53 ngày 31/12/2022 thông qua việc quay lại chức vụ này đối với ông Lê Viết Hải, gián tiếp phủ nhận các Nghị quyết 50 và 51 do chính ông Hải và HĐQT bỏ phiếu thuận để ban hành.

Phía Hòa Bình khẳng định Nghị quyết 53 được ban hành đúng Luật Doanh nghiệp và điều lệ công ty, trong khi nhóm các thành viên HĐQT độc lập của Hòa Bình, gồm các ông Nguyễn Công Phú, Dương Văn Hùng, Lê Quốc Duy và Albert Antoine cho rằng Nghị quyết 53 không hợp lệ vì cuộc họp HĐQT lần thứ 3 ngày 31/12/2022 chỉ có 4/8 thành viên HĐQT tham gia, không đủ điều kiện phải đủ 75% thành viên tham gia theo khoản 8 Điều 30 Điều lệ công ty, và 1 thành viên tham gia cuộc họp đó bỏ phiếu trắng là ông Nguyễn Tường Bảo.

Theo nguồn tin riêng của NGƯỜI QUAN SÁT, nhóm ông Nguyễn Công Phú đã chuẩn bị tiến hành các thủ tục pháp lý nhằm đưa vụ việc ra công lý, đồng thời khiếu nại lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE). Sáng nay, ngày 10/1/2023, HĐQT Hòa Bình cũng đã tiến hành cuộc họp giữa 2 bên nhằm đạt được một thỏa thuận để chấm dứt xung đột.

Xây dựng Hòa Bình (HBC) thoát lỗ quý I, trích lập dự phòng nợ xấu gần 2.400 tỷ đồng

[LIVE] ĐHCĐ Xây dựng Hòa Bình (HBC): Lên kế hoạch đưa vốn chủ sở hữu từ 93 tỷ lên 10.000 tỷ đồng

Tổng thầu Hòa Bình (HBC) báo tin vui tại 2 dự án nghìn tỷ của CEO Group và Keppel Land

Bài thuộc chủ đề Xây dựng
Theo Kiến Thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/xay-dung-hoa-binh-oan-lung-ganh-nang-no-nan-165568.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Xây dựng Hoà Bình: Oằn lưng gánh nặng nợ nần
POWERED BY ONECMS & INTECH