Aseansc cho rằng, việc điều chỉnh của thị trường trong phiên 22/11/2021 là cần thiết để củng cố cho một xu hướng tăng bền vững hơn. Dự báo trong phiên giao dịch 23/11, chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để kiểm định vùng hỗ trợ gần 1.430 - 1.440 điểm và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.410 - 1.420 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Tổng quan phiên 22/11:
Dòng tiền xoay tua qua cổ phiếu ngân hàng trong những phiên gần đây đã góp phần giúp thị trường chứng khoán giữ được điểm số. Theo nhận định của nhiều công ty chứng khoán từ khoảng giữa tuần trước, dòng tiền đã cho thấy dấu hiệu quay trở lại cổ phiếu ngân hàng và quả thật, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã 2 phiên liên tục tăng mạnh mẽ. Sự dịch chuyển một phần đầu tư từ nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ sang nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giúp nhà đầu tư chống đỡ được danh mục trong bối cảnh nhu cầu chốt lãi ở vùng đỉnh giá khá cao.
Ở nhóm VN30 có 19 mã tăng, 10 mã giảm và 1 mã đứng giá trong đó HDB và TPB cùng tăng mạnh nhất với sắc tím, CTG tiến trên 5%, MBB và STB vượt hơn 3% và khá nhiều mã có sắc xanh từ 1% đến 2%. Ngược lại, POW hiện sắc đỏ cận sàn, KDH cũng giảm trên 6%, PLX và GVR cùng lùi hơn 5%.
Ở ngành khai khoáng, nhóm cổ phiếu dầu khí sụt giảm khá mạnh, trong đó PVD đóng cửa ở mức kịch sàn. Bên cạnh đó, KSB, BMC, C32, LCM, TDH cũng xuất hiện mức giá này khi kết phiên. DHA là mã tăng duy nhất của ngành này.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ ở ngành bất động sản tiếp tục có phiên điều chỉnh mạnh. L14, NRC, SDU, DXG, QCG, LCG, HQC, CKG và nhiều mã khác xuất hiện trạng thái “múa bên trăng”. Các cổ phiếu họ Vingroup cũng có phiên khá giằng co, VHM và VIC dừng chân quanh mức giá vàng, trong khi VRE lại lùi hơn 2%.
Chốt phiên giao dịch hôm nay, sàn HOSE có đến 110 mã giảm sàn; HNX có 55 mã giảm sàn và UpCOM có đến 30 mã giảm sàn. Số mã giảm trên cả 3 sàn gấp hơn 3 lần số mã tăng. Tuy vậy, nhờ nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường và nhóm này tăng giá mạnh mẽ nên chỉ số VN-Index chỉ mất hơn 5 điểm về 1.447.25 điểm; HNX-Index giảm sâu 9,35 điểm về 444.62 điểm tức chỉ số này giảm đến 2,06% phiên hôm nay.
Kết phiên giao dịch, VN-Index giảm 5,1 điểm (-0,35%) xuống 1.447,25 điểm; toàn sàn có 127 mã tăng, 350 mã giảm và 23 mã đứng giá. HNX-Index giảm 9,35 điểm (-2,06%) xuống 444,62 điểm; toàn sàn có 41 mã tăng, 220 mã giảm và 29 mã đứng giá. UpCOM-Index giảm 1,28 điểm (-1,13%) xuống 111,96 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 42.193 tỷ đồng trong đó giá trị khớp lệnh riêng sàn HOSE giảm 21% và ở mức 34.265 tỷ đồng.
Khối ngoại mua ròng hơn 500 tỷ đồng trên sàn HOSE và mua ròng nhẹ trên sàn HNX. Lực mua ròng tập trung ở các cổ phiếu VHM, CTG và GMD trên sàn HOSE. PVI và THD là những mã được mua ròng nhiều nhất tại sàn HNX.
Nhận định phiên 23/11:
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): VN-Index sẽ sớm lấy lại ngưỡng 1.450 điểm
SHS nhận định phiên giao dịch đầu tuần 22/11 đã diễn ra tương đối kịch tính với việc các chỉ số tăng mạnh vào đầu phiên nhưng ngay sau đó, áp lực bán gia tăng mạnh khiến hàng loạt cổ phiếu tăng nóng trước đó giảm mạnh, thậm chí giảm sàn. Rất may là cổ phiếu ngân hàng có sự quay trở lại để chống đỡ thị trường. Với phiên giảm 22/11, chỉ số VN-Index đã đánh mất ngưỡng tâm lý 1.450 điểm khiến cho xu hướng tăng có sự suy yếu. Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn thì thị trường vẫn đang trong sóng tăng 5 nên có khả năng VN-Index sẽ sớm hồi phục trở lại.
Dự báo, trong phiên giao dịch 23/11, VN-Index có thể sẽ tăng điểm trở lại để lấy lại ngưỡng tâm lý 1.450 điểm. Tuy nhiên, nếu áp lực bán tiếp tục gia tăng thì VN-Index có thể sẽ cần lùi về vùng hỗ trợ tiếp theo trong khoảng 1.420 - 1.425 điểm để tìm kiếm lực cầu. Nhà đầu tư đã mua vào khi thị trường vượt vùng đỉnh cũ 1.420 - 1.425 điểm và đã mua thêm trong phiên 11/11 khi thị trường test hỗ trợ 1.450 điểm có thể tiếp tục canh những nhịp tăng điểm trong phiên để giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục, những quyết định mua mới vào thời điểm hiện tại sẽ cần sự thận trọng và xem xét kỹ lưỡng.
Theo CTCK Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS): Đà tăng ngắn hạn có thể quay trở lại
VCBS cho rằng, trong phiên giảm điểm 22/11, dòng tiền lớn vẫn đang lựa chọn đứng ngoài thị trường và chỉ mua vào một số cổ phiếu ngân hàng có mức chiết khấu giá mạnh so với đỉnh gần nhất. Mặc dù vậy, nhịp giảm của phiên 22/11 không quá lớn và đi kèm với thanh khoản thấp hơn phiên liền trước, cho thấy đà tăng ngắn hạn có thể quay trở lại trong một vài phiên sắp tới.
Tuy nhiên, với sự thành công trong kiểm soát dịch bệnh COVID-19 cũng như các gói kích thích tăng trưởng kinh tế đang được áp dụng, VCBS cho rằng thị trường Việt Nam vẫn đang chứa đựng nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn. Dù vậy, CTCK này nhận định chiến lược lướt sóng ngắn hạn dựa trên sự dịch chuyển của dòng tiền vẫn phù hợp hơn trong giai đoạn hiện tại.
CTCK MB (MBS): Dòng tiền đang chảy mạnh về nhóm cổ phiếu ngân hàng
MBS đánh giá áp lực chốt lời từ nhóm cổ phiếu đầu cơ ngày càng rõ nét, phiên 22/11 là phiên giảm thứ 2 liên tiếp của nhóm cổ phiếu Mid Cap và Small Cap từ đỉnh cao mới. Dòng tiền đang hướng về nhóm cổ phiếu ngân hàng dứt khoát và mạnh mẽ.
Do vậy, chỉ số VN30 có khả năng sẽ vượt đỉnh tháng 11 nhờ lực đẩy từ nhóm cổ phiếu ngân hàng trong bối cảnh thanh khoản tăng dần. Nhìn chung, thị trường vẫn chịu áp lực điều chỉnh khi dòng tiền đang có sự cơ cấu lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng có nhiều cơ hội trong lúc này sau khoảng thời gian tích lũy hơn 3 tháng vừa qua. Bên cạnh đó, một số cổ phiếu thuộc các nhóm dầu khí, bất động sản (bao gồm cả bất động sản khu công nghiệp đã giảm sâu trong những phiên vừa qua cũng sẽ nhận được dòng tiền bắt đáy.
CTCK Asean (Aseansc): VN-Index sẽ tăng trở lại ở cuối phiên 23/11
Aseansc cho rằng, việc điều chỉnh của thị trường trong phiên 22/11 là cần thiết để củng cố cho một xu hướng tăng bền vững hơn. Dự báo trong phiên giao dịch 23/11, chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để kiểm định vùng hỗ trợ gần 1.430 - 1.440 điểm và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.410 - 1.420 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Về kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến đỏ thứ 3, với giá đóng cửa nằm dưới đường trung bình động 20 ngày (MA20), là tín hiệu khá tiêu cực. Điều này cho thấy bên bán đang tạm thời chiếm ưu thế, và xu hướng ngắn hạn trở nên tiêu cực hơn. Do đó, Aseansc cho rằng, trong kịch bản tiêu cực, VN-Index có thể kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.430 - 1.440 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 1.410 - 1.420 điểm. Trong kịch bản tích cực, vùng kháng cự gần của VN-Index dự báo ở mức 1.450 - 1.460 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1.470 - 1.480 điểm.
Lực cầu bắt đáy bắt đầu nhập cuộc, chuyên gia cảnh báo rủi ro tiềm ẩn
Nhận định chứng khoán 14/11: Cơ hội đi kèm rủi ro tiềm ẩn tại vùng hỗ trợ 1.240 điểm