Xuất hiện kỹ sư phần mềm biết test lỗi, viết mã nhưng không ăn - không ngủ - không lương
Ngoài khả năng viết mã, kiểm thử lỗi và tối ưu hóa toàn bộ dự án, trợ lý AI này còn có “chế độ pha cà phê” – giúp lập trình viên rảnh tay xử lý các công việc nhàm chán.
Zencoder – cái tên còn khá mới trên bản đồ công nghệ – vừa chính thức công bố hai trợ lý AI mang tính cách mạng trong lĩnh vực lập trình. Không đơn thuần là công cụ gợi ý đoạn mã như một số sản phẩm trước đây, Zencoder cho thấy tầm nhìn lớn hơn: tạo ra một “kỹ sư phần mềm ảo” làm việc song song cùng con người, trong cùng một môi trường quen thuộc như Visual Studio Code hay JetBrains.
Đứng sau Zencoder là Andrew Filev – nhà sáng lập kiêm cựu CEO của nền tảng quản lý công việc Wrike. Sau khi rời vị trí điều hành tại Wrike, ông chuyển hướng sang khai thác AI với mục tiêu “làm lại cách thế giới viết phần mềm”.
Theo Filev, điểm nổi bật của Zencoder không nằm ở việc nó “biết lập trình” – điều mà nhiều công cụ AI đã có thể làm – mà là cách nó hiểu sâu cấu trúc mã nguồn, học từ phản hồi của người dùng và xử lý lỗi giống như một lập trình viên thực thụ.
![]() |
Zencoder "biết lập trình". Ảnh minh họa |
Một trong những công nghệ lõi giúp Zencoder vượt qua các đối thủ là “Repo Grokking” – hệ thống cho phép AI quét, phân tích và hiểu toàn bộ logic trong một kho mã nguồn. Thay vì chỉ phản hồi trên từng đoạn mã nhỏ, trợ lý AI của Zencoder có thể nhận diện các mối liên hệ phức tạp trong toàn bộ dự án, từ đó đưa ra đề xuất chỉnh sửa phù hợp mà không làm phát sinh lỗi mới.
Bằng cách kết hợp phân tích ngữ nghĩa, tìm kiếm toàn văn và mô hình AI tổng hợp, Zencoder có thể thực hiện nhiều tác vụ như: phát hiện bug, đề xuất sửa lỗi, tối ưu hiệu năng, tạo test case và thậm chí tự động hóa kiểm thử phần mềm.
Không chỉ dừng ở lý thuyết, Zencoder đã chứng minh sức mạnh thông qua các bài kiểm thử độc lập. Trong bộ dữ liệu kỹ thuật phức tạp, hệ thống AI của startup này giải quyết được tới 63% vấn đề, chỉ với một mô hình duy nhất – không cần sử dụng nhiều thuật toán kết hợp.
Trên bài kiểm tra SWE-Bench Multimodal – một tiêu chuẩn đánh giá chất lượng AI trong lập trình – Zencoder đạt tỉ lệ thành công 30%, gấp đôi so với công cụ AI tốt nhất trước đó. Đây là con số ấn tượng trong bối cảnh các mô hình AI vẫn thường gặp khó khi xử lý logic dự án phức tạp.
![]() |
Zencoder có tính năng “Coffee Mode”, giúp lập trình viên rảnh tay đi uống cà phê. Ảnh minh họa |
>> 4 ngành nghề có nguy cơ dư thừa nhân sự trong 5 năm tới
Khác với một số đối thủ như Cursor – vốn yêu cầu chuyển sang trình soạn thảo riêng – Zencoder tích hợp trực tiếp vào các IDE mà lập trình viên đã quen dùng như VS Code, IntelliJ, Rider, giúp việc triển khai và sử dụng trở nên liền mạch, không gây gián đoạn công việc.
Ngoài ra, các trợ lý AI còn được tích hợp vào hệ sinh thái quản lý dự án như JIRA, GitHub, GitLab, Sentry… Từ đó, AI không chỉ xử lý đoạn mã cụ thể, mà còn hiểu được ngữ cảnh toàn diện từ nhiệm vụ đến lỗi phát sinh, quy trình CI/CD, giúp người dùng tiết kiệm thời gian đáng kể.
Một tính năng độc đáo được Zencoder bổ sung là “Coffee Mode”. Khi kích hoạt chế độ này, AI sẽ tự động tiếp quản công việc như viết unit test hoặc kiểm thử code trong lúc lập trình viên… đi uống cà phê. Đây được xem là giải pháp cho những công việc lặp đi lặp lại và dễ gây nhàm chán mà nhiều kỹ sư phần mềm thường tìm cách né tránh.
Dù đạt được nhiều thành tựu đáng nể, bản thân Andrew Filev cũng thừa nhận AI hiện tại vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn con người – đặc biệt là trong các dự án phần mềm quy mô lớn. AI rất mạnh khi hỗ trợ các tác vụ nhỏ và vừa, nhưng kiến thức chuyên môn, tư duy hệ thống và kinh nghiệm thực tế vẫn là thứ mà con người nắm giữ.
Zencoder hiện cung cấp ba gói dịch vụ: miễn phí cho người dùng cá nhân, 19 USD/tháng cho lập trình viên chuyên nghiệp và 39 USD/tháng cho doanh nghiệp. Startup này đặt mục tiêu trở thành “bệ phóng AI cho ngành phát triển phần mềm toàn cầu,” và tin rằng năm 2025 sẽ là thời điểm bản lề cho làn sóng lập trình thế hệ mới – nơi AI không thay thế mà đồng hành cùng con người.
Nghề lập trình viên tại nền kinh tế lớn nhất thế giới khủng hoảng
Lập trình viên 'thoát kiếp' thất nghiệp nhờ làm điều này với AI