Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra ước đạt hơn 1,1 tỷ USD, tăng 97% so với cùng kỳ năm ngoái.
Song song với xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra hiện đang tích cực mở rộng các thị trường mới.
Trong số đó có 3 thị trường đáng chú ý là: Mexico, Ai Cập và Thái Lan. Cụ thể, hiện nay Mexico là thị trường có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong khối thị trường CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) với trên 50 triệu USD trong 5 tháng qua, tăng gần 70% so với cùng kỳ.
Thị trường Thái Lan cũng đạt gần 50 triệu USD, tăng 80%. Còn xuất khẩu sang Ai Cập dù chỉ đạt giá trị hơn 15 triệu USD nhưng tăng đến 85% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường Mỹ luôn là thị trường quan trọng của sản phẩm cá tra chế biến Việt Nam. Chính vì vậy, việc nâng cấp tiêu chuẩn sản xuất cá tra chế biến cho các nhà máy là điều mà doanh nghiệp chế biến cá tra nào cũng mong muốn.
Vừa qua, Cơ quan Thanh tra và An toàn Thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS)-Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ vừa công nhận thêm 6 nhà máy chế biến cá tra được phép chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra sang thị trường Mỹ. Như vậy, cho tới điểm hiện tại, FSIS đã công nhận 19 nhà máy trong danh sách này.
Mới đây, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga cũng bổ sung thêm 2 doanh nghiệp vào danh sách được phép xuất khẩu vào Liên minh kinh tế Á-Âu.
Theo thống kê của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ ước đạt 243 triệu USD, tăng hơn 130% so với cùng kỳ năm 2021. Nay với sự công nhận thêm 6 nhà máy đủ tiêu chuẩn sản xuất sản phẩm sang thị trường Mỹ, dự báo lượng cá tra xuất khẩu sang Mỹ sẽ tăng trưởng tốt hơn.