Ngày 10/12, Bộ NN&PTNT tổ chức diễn đàn kết nối nông sản với chủ đề "Thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng, chanh leo, khoai lang, chuối và các sản phẩm nông sản - thực phẩm chủ lực sang thị trường Trung Quốc".
Tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Phương Hoa, đại diện Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh hiện nay, các yêu cầu về an toàn thực phẩm của Trung Quốc đối với các sản phẩm nhập khẩu ngày càng khắt khe và liên tục được cập nhật, bổ sung mới.
Doanh nghiệp nước ngoài xuất khẩu thực phẩm vào Trung Quốc cần đáp ứng Điều 5, Lệnh 248 gồm: Thuộc quốc gia có hệ thống quản lý ATTP được Tổng cục Hải Quan Trung Quốc (GACC) đánh giá tương đương; được thành lập và chịu sự giám sát hiệu quả của cơ quan có thẩm quyền quốc gia đó; thiết lập hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, xuất khẩu hiệu quả, hợp pháp tại quốc gia đó và đảm bảo thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc đáp ứng các luật và quy định liên quan và các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Trung Quốc.
Cục Bảo vệ thực vật lưu ý các doanh nghiệp đã được cấp mã số xuất khẩu năm 2021 cần thực hiện bổ sung thông tin đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc theo Lệnh 248 trước ngày 30/6/2023 (doanh nghiệp có thể xem Thông báo số 2359/BVTV-ATTPMT ngày 11/8/2022 đăng tải trên website của Cục Bảo vệ thực vật).
Bên cạnh đó, các đơn vị đăng ký cấp mã số xuất khẩu mới cũng như bổ sung thông tin năm 2021 thực hiện theo hướng dẫn tại Công số 953/BVTV-ATTPMT ngày 13/4/2022, đăng tải trên website của Cục Bảo vệ thực vật.
Chia sẻ về một số lưu ý về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đối với các mặt hàng chanh leo, sầu riêng, khoai lang, chuối xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, TS. Phan Thị Thu Hiền - Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Cục BVTV) cho biết, hiện nay, Việt Nam có 7 loại trái cây xuất khẩu truyền thống bao gồm xoài, thanh long, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít và 5 loại xuất khẩu theo hình thức ký kết Nghị định thư là măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối và khoai lang được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Theo bà Hiền, Việt Nam đang xuất khẩu tạm thời với quả chanh leo và ớt tươi. Các mặt hàng đang tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường là bưởi, na, dừa, roi, chanh… Lô hàng xuất khẩu phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật và không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc.
Hiện nay, Trung Quốc đưa ra 5 yêu cầu về vùng trồng xuất khẩu sang nước bạn. Đó là phải áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP); Bộ NN&PTNT giám sát đối tượng kiểm dịch thực vật mà Tổng cục Hải quan Trung Quốc quan tâm; phải không có các đối tượng kiểm dịch thực vật mà Tổng cục Hải quan Trung Quốc quan tâm; phải được theo dõi và giám sát sinh vật gây hại từ cán bộ kỹ thuật; phải lưu trữ hồ sơ giam sát và phòng trừ sinh vật gây hại.
Còn đối với các cơ sở đóng gói, bà Hiền cho rằng, cần phải thiết lập hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Sau khi đóng gói phải bảo quản ở khu vực riêng biệt không để chung với hàng xuất khẩu sang các thị trường khác.
Đồng thời, phải áp dụng các biện pháp kiểm soát sinh vật gây hại. Trên mỗi hộp hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải in bằng tiếng Anh hoặc tiếng Trung tên vùng trồng, tên cơ sở đóng gói, mã số đăng ký… Bà Hiền thông tin thêm: "Khu vực đóng gói phải vệ sinh sạch sẽ và có nền cứng. Vật liệu đóng gói phải sạch, đảm bảo vệ sinh, chưa qua sử dụng và tuân thủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật. Vật liệu đóng gói bằng gỗ tuân thủ ISPM 15. Container chứa khoai lang phải sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh và phải được khủ trùng".
Trung Quốc cũng đưa ra cảnh báo những biện pháp xử lý nhưng trường hợp vi phạm. Cụ thể, lô hàng không có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hợp lệ sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy. Nếu phát hiện thấy đối tượng kiểm dịch thực vật mà Trung Quốc quan tâm, các đối tượng kiểm dịch thực vật còn sống khác hoặc họ phát hiện tàn dư thực vật, lô hàng sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy. Nếu phát hiện trường hợp không tuân thủ các yêu cầu kiểm tra và kiểm dịch nhập khẩu khác của Trung Quốc, lô hàng sẽ bị xử lý theo luật và quy định có liên quan.
Thực hiện tiêu chuẩn VietGAP
ThS. Ngô Xuân Chinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, Viện Khoa học và Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam cũng có những chia sẻ những hướng dẫn sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Cụ thể, việc thiết lập quản lý vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ đảm bảo được tính minh bạch để truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm và nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả sản xuất nông sản của Việt Nam.
Theo đó, bộ tiêu chuẩn VietGAP là các điều kiện và quy định về hoạt động của cơ sở sản xuất; các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm; các yêu cầu về bảo vệ môi trường, đảm bảo phúc lợi cho người sản xuất; an toàn lao động và điều kiện làm việc.
Thông tin về vấn đề quản lý sản phẩm và truy nguyên nguồn gốc, ThS. Ngô Xuân Chinh cho biết, sản phẩm trước và sau thu hoạch cần phải được phân tích theo các chỉ tiêu về: Giới hạn tối đa dư lượng thuốc BVTV theo Thông tư 50/2016/TT-BYT; giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm theo QCVN 8-2:2011/BYT; giới hạn ô nhiễm độc tố vi nấm trong thực phẩm theo QCVN 8-1:2011/BYT. Cơ sở sản xuất phải lấy mẫu và phân tích sản phẩm theo quy định trên cơ sở kết quả đánh giá nguy cơ trong quá trình sản xuất.
Về công tác đào tạo, trước khi làm việc, người lao động của tổ chức, cá nhân phải được thông báo về những nguy cơ liên quan đến sức khoẻ và điều kiện an toàn. Người lao động phải được tập huấn (nội bộ hay bên ngoài) về VietGAP hoặc có kiến thức về VietGAP ở công đoạn họ trực tiếp làm việc.
ThS. Ngô Xuân Chinh lưu ý tổ chức, cá nhân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP phải tổ chức kiểm tra nội bộ theo các yêu cầu của VietGAP không quá 12 tháng một lần. Khi phát hiện điểm không phù hợp phải phân tích nguyên nhân và có hành động khắc phục. Thời gian thực hiện hành động khắc phục trước khi giao hàng cho khách hàng nhưng không quá 3 tháng tùy thuộc nội dung điểm không phù hợp.
Đối với cơ sở sản xuất nhiều thành viên và cơ sở có nhiều địa điểm sản xuất phải kiểm tra tất cả các thành viên, địa điểm sản xuất. Kết quả kiểm tra và hành động khắc phục các điểm không phù hợp với VietGAP phải lập văn bản và lưu hồ sơ.