Triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên u ám trong bối cảnh chiến sự căng thẳng giữa Nga và Ukraine cùng các biện pháp trừng phạt tài chính liên tục “leo thang”.
Hầu hết mọi người cho rằng, tác động kinh tế của cuộc xung đột Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt được đưa ra sẽ làm tăng lạm phát, chủ yếu do giá năng lượng, kim loại và thực phẩm tăng cao.
Giá nhôm đã tăng lên mức kỷ lục, vượt qua mức đỉnh năm 2008 trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Các thương nhân lo ngại, các lệnh trừng phạt chống lại Nga và các biện pháp trả đũa từ Moscow có thể làm gián đoạn nguồn cung nhôm toàn cầu, do Nga sản xuất khoảng 6% lượng nhôm trên thế giới.
Việc cung cấp kim loại sử dụng nhiều năng lượng cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi giá năng lượng cao hơn và tình trạng thiếu điện có thể dẫn đến nhiều nhà máy phải đóng cửa.
Xung đột có nguy cơ làm chệch hướng sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch, làm phức tạp thêm các vấn đề đối với các nhà hoạch định chính sách, những người dự kiến sẽ thắt chặt nguồn cung tiền để kiềm chế lạm phát đang ở mức cao trong nhiều thập kỷ ở các nước như Mỹ và Đức ngay cả trước chiến tranh.
Sự không chắc chắn xung quanh sự phục hồi kinh tế cuối cùng có thể trì hoãn kế hoạch tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương. Điều này đồng nghĩa rằng các khoản thế chấp siêu rẻ và các khoản vay cá nhân có thể tồn tại lâu hơn.
Theo báo trực tuyến Đức Dw.com (DW), các biện pháp trừng phạt của phương Tây lên Nga đang đe dọa và đưa nền kinh tế nước này vào thế kẹt. Các biện pháp trừng phạt sẽ gây chấn động trên toàn thế giới, từ châu Phi đến châu Âu dưới hình thức lạm phát cao hơn và tình trạng thiếu lương thực.
Nga là một trong những nhà xuất khẩu dầu khí lớn nhất thế giới và Ukraine là quốc gia trung chuyển khí đốt chính của Nga. Xung đột giữa hai nước này đã đẩy giá dầu và khí đốt tự nhiên đã tăng vọt sau một đợt trừng phạt khác của phương Tây.
Với châu Âu, bất kỳ sự gián đoạn nào trong việc cung cấp khí đốt có thể khiến người toàn khu vực không có đủ khí đốt để sưởi ấm và họ sẽ phải chịu các hóa đơn tiền điện cắt cổ.
Cho đến nay, các lệnh trừng phạt vẫn chưa nhắm trực tiếp vào lĩnh vực năng lượng, nhưng các thương nhân lo ngại Moscow có thể trả đũa bằng cách hạn chế xuất khẩu dầu và khí đốt và các lệnh trừng phạt của phương Tây cuối cùng có thể được mở rộng để gây tổn hại trực tiếp đến lĩnh vực năng lượng Nga.
Giá lương thực và chi phí vận tải có thể tăng vọt
Nga và Ukraine còn được biết đến là những nước xuất khẩu lớn về lúa mì và ngô. Hai nước này cùng chiếm khoảng 30% lượng xuất khẩu lúa mì toàn cầu, gần 1/5 lượng ngô thương mại và khoảng 80% lượng xuất khẩu dầu hướng dương. Cả hai đều là những nhà cung cấp lúa mì chính cho Trung Đông và Châu Âu. Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập là những nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất của Nga.
Do đó, cuộc cuộc xung đột cũng làm dấy lên lo ngại về nguồn cung cấp ngũ cốc.
Hiện, gá lúa mì kỳ hạn tại Chicago đã tăng mạnh sau khi chạm mức cao nhất sau gần 14 năm vào thứ Sáu (25/2), trong khi giá ngô cũng đang giao dịch ở mức cao.
Ngoài ra, xung đột cũng đã làm gián đoạn xuất khẩu từ các cảng Biển Đen - nơi được sử dụng để vận chuyển ngũ cốc đến châu Á, châu Phi và Liên minh châu Âu.
Các chuyên gia lo ngại, các hoạt động quân sự của Nga sẽ làm tăng giá lương thực ở các nước như: Libya, Yemen và Lebanon, làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng lương thực ở các nước này. Hôm thứ Hai (28/2), Ai Cập đã buộc phải hủy bỏ một cuộc đấu thầu thu mua lúa mì, sau khi chỉ nhận được một vài lời đề nghị với giá rất cao.
Nga hiện đã đóng cửa không phận đối với 36 quốc gia, điều đó có nghĩa là các máy bay vận tải sẽ phải chuyển hướng sang các tuyến đường vòng và sẽ tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn.
Glenn Koepke, Tổng giám đốc điều hành mạng lưới hợp tác tại FourKites - công ty tư vấn chuỗi cung ứng ở Chicago cho biết: “Chúng tôi nhìn thấy giá cước vận chuyển hàng hải và hàng không sẽ tăng vọt. Giá cước vận tải biển có thể tăng gấp đôi hoặc gấp ba, lên 30.000 USD/container từ 10.000 USD/container và chi phí vận tải hàng không dự kiến sẽ còn tăng cao hơn".
Về lâu dài, xung đột Nga – Ukraine được nhận định có thể ảnh hưởng đến các quyết định ngân sách trong tương lai của một số nước.
Cũng có những lo ngại rằng việc đóng cửa các ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT có thể khiến việc mua dầu và khí đốt của Nga trở nên phiền phức hơn.