Vĩ mô

PMI tháng 6 giảm về 48,9 điểm, đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp dưới 'ngưỡng mở rộng' khi chịu ảnh hưởng mạnh hơn từ thuế quan

Mẫn Nhi 01/07/2025 - 11:23

Chịu ảnh hưởng rõ rệt hơn từ thuế quan Mỹ và nhu cầu quốc tế suy yếu, ngành sản xuất Việt Nam ghi nhận tháng thứ ba liên tiếp dưới ngưỡng 50 điểm. Dù vậy, một vài tín hiệu tích cực về niềm tin kinh doanh và sản lượng vẫn le lói.

Đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm mạnh nhất trong hơn hai năm, doanh nghiệp mạnh tay sa thải lao động

Báo cáo mới nhất từ S&P Global cho thấy Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tiếp tục giảm trong tháng 6, chỉ còn 48,9 điểm, thấp hơn mức 49,8 của tháng trước và đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp dưới ngưỡng 50 – ranh giới phân định giữa tăng trưởng và suy giảm. Đáng chú ý, tốc độ giảm số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới là một trong hai mức nhanh nhất kể từ tháng 9/2021, tương đương với mức của tháng 5/2023. Một số người trả lời khảo sát cho biết thuế quan của Mỹ là nguyên nhân dẫn đến giảm số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới.

Tổng số lượng đơn đặt hàng mới giảm đã kéo theo việc cắt giảm lao động mạnh tay, giảm hoạt động mua sắm và thu hẹp tồn kho. Tháng 6 cũng đánh dấu tháng giảm nhân sự thứ chín liên tiếp – với tốc độ giảm lần này được đánh giá là "đáng kể" và cao hơn rõ rệt so với tháng 5. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào đã quay đầu tăng trở lại, do ảnh hưởng từ tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu và sự mất giá của đồng Việt Nam so với USD. Tình trạng khan hiếm nguồn cung cũng góp phần làm kéo dài thời gian giao hàng của nhà cung cấp, và tình trạng thời tiết xấu và sự chậm chễ trong khâu vận tải cũng nằm trong số những nhân tố khiến thời gian giao hàng dài hơn. Hiệu suất hoạt động của người bán hàng suy giảm mạnh, và mức độ suy giảm là lớn nhất kể từ tháng 2. Chi phí đầu vào tăng trở lại đã khiến các nhà sản xuất phải tăng giá cả đầu ra, từ đó kết thúc chuỗi giảm kéo dài từ đầu năm.

Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, nhận định: “Tháng 6 chứng kiến tình trạng yếu đi của nhu cầu quốc tế đối với hàng hóa sản xuất của Việt Nam khi ảnh hưởng của thuế quan đã mạnh hơn. Xuất khẩu giảm mạnh đã góp phần làm tổng số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm và các công ty phải giảm việc làm và hoạt động mua hàng.”

>> PMI tháng 5 vẫn dưới ngưỡng 50 điểm

PMI tháng 6 giảm về 48,9 điểm, đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp dưới 'ngưỡng mở rộng' khi chịu ảnh hưởng mạnh hơn từ thuế quan
Ảnh minh họa.

Le lói những điểm sáng: Sản lượng tăng nhẹ, niềm tin phục hồi

Dù bức tranh toàn cảnh còn nhiều gam tối, nhưng không phải không có điểm sáng. Trong tháng 6, sản lượng sản xuất tiếp tục tăng tháng thứ hai liên tiếp, dù chỉ với tốc độ khiêm tốn hơn so với tháng 5. Điều này cho thấy một số doanh nghiệp vẫn duy trì được hoạt động, nhờ vào các đơn hàng còn tồn hoặc kỳ vọng phục hồi trong thời gian tới.

Đặc biệt, niềm tin kinh doanh đã phục hồi so với mức thấp kỷ lục trong tháng 4, khi doanh nghiệp bắt đầu kỳ vọng vào một môi trường thị trường ổn định hơn và căng thẳng thương mại có thể hạ nhiệt. Dù mức độ lạc quan vẫn thấp hơn trung bình dài hạn, xu hướng đi lên này phản ánh tâm lý chờ đợi “sóng yên biển lặng” từ các nhà sản xuất.

Mặt khác, mức tăng chi phí đầu vào trong tháng 6 được đánh giá là chỉ ở mức nhẹ, thấp hơn trung bình lịch sử, cho thấy áp lực lạm phát sản xuất chưa tăng quá nhanh. Việc giá bán đầu ra được điều chỉnh tăng cũng phần nào giúp doanh nghiệp cải thiện biên lợi nhuận, sau nhiều tháng chịu sức ép giảm giá.

Ông Andrew Harker, nhận định thêm, “Một điểm tích cực của khảo sát chỉ số PMI kỳ này là các công ty tiếp tục tăng sản lượng, nhưng điều này khó có thể tiếp tục lâu dài mà không có sự cải thiện của nhu cầu. Nửa đầu năm 2025 mang nét đặc trưng của sự biến động và bất ổn, đặc biệt là liên quan đến hoạt động thương mại. Niềm tin kinh doanh đã hồi phục ở mức nhất định trong những tháng gần đây, nhưng tâm lý tích cực chủ yếu dựa vào hy vọng về một bức tranh ổn định hơn trong thời gian tới. Chúng ta cần chờ xem liệu điều đó có thực sự xảy ra hay không”.

>> PMI sản xuất liên tục duy trì dưới ngưỡng 50 điểm: Kinh tế châu Á dần ‘ngấm đòn’ thuế quan Mỹ

PMI tháng 5  vẫn dưới ngưỡng 50 điểm

PMI tháng 4 lao dốc về đáy gần 2 năm

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/pmi-thang-6-giam-ve-489-diem-danh-dau-thang-thu-3-lien-tiep-duoi-nguong-mo-rong-khi-chiu-anh-huong-manh-hon-tu-thue-quan-294884.html
Bài liên quan
  • PMI bất ngờ vượt ngưỡng 50 sau 4 tháng: Phép thử cho sức bật của ngành sản xuất Việt Nam?
    Liệu cú hích mong manh này có đủ sức vực dậy toàn bộ cỗ máy công nghiệp chế biến chế tạo đang ì ạch tăng tốc?
  • Chỉ số PMI tháng 2: 'Cơn lốc' suy giảm chưa dừng lại
    Ngành sản xuất Việt Nam tiếp tục đối mặt với khó khăn trong tháng 2/2025 khi chỉ số PMI duy trì dưới ngưỡng 50 điểm, đánh dấu ba tháng suy giảm liên tiếp. Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục sụt giảm, kéo theo việc làm lao dốc tháng thứ năm liên tiếp.
  • PMI ngành sản xuất Việt Nam giảm sâu, xuống mức 48,9 điểm
    Ngành sản xuất Việt Nam mở đầu năm 2025 với nhiều khó khăn khi chỉ số PMI giảm xuống còn 48,9 điểm trong tháng 1. Sự sụt giảm này phản ánh những thách thức lớn từ cầu yếu, cắt giảm lao động, và sự đình trệ trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    PMI tháng 6 giảm về 48,9 điểm, đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp dưới 'ngưỡng mở rộng' khi chịu ảnh hưởng mạnh hơn từ thuế quan
    POWERED BY ONECMS & INTECH