112 tỷ USD ‘bốc hơi’ khỏi một trong những thị trường lớn nhất châu Á, đổ thẳng vào Mỹ
Nhà đầu tư cá nhân Hàn Quốc đang đổ xô vào thị trường chứng khoán Mỹ với niềm tin đà tăng trưởng sẽ nối dài trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của Donald Trump, đồng thời bày tỏ thất vọng về hiệu suất yếu kém của cổ phiếu nội địa.
Theo dữ liệu từ Kho lưu ký chứng khoán Hàn Quốc, giá trị lượng cổ phiếu Mỹ của các nhà đầu tư nước này đã đạt kỷ lục 112,1 tỷ USD cuối năm 2024, tăng 65% so với năm trước.
Con số này trái ngược với 5.400 tỷ Won cổ phiếu bán ròng trong nước niêm yết trên Kospi, khiến chỉ số này giảm gần 10% bất chấp nỗ lực thúc đẩy giá trị cổ phiếu của chính phủ.
Tesla dẫn đầu danh sách cổ phiếu nước ngoài được ưa chuộng với tổng giá trị nắm giữ 24,5 tỷ USD, theo sau là Nvidia (12,1 tỷ USD), Apple (4,9 tỷ USD) và Microsoft (3,2 tỷ USD). Elon Musk thậm chí đã gọi người Hàn Quốc là "những người thông minh" trong một bài đăng trên X vào tháng 7.
"Sự thay đổi này phản ánh sự thất vọng của họ đối với thị trường chứng khoán trong nước do lợi nhuận cổ đông kém", ông Namuh Rhee, trưởng Diễn đàn Quản trị Công ty Hàn Quốc, cho biết. "Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục trừ khi có một sự kiện gì đó thay đổi mạnh mẽ".
Sự chuyển hướng của các nhà đầu tư cá nhân sang cổ phiếu Mỹ có thể sẽ gia tăng trong năm nay do bất ổn chính trị trong nước, với việc luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol và điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng xuống 1,8% trong năm nay, từ mức 2,2% trước đó.
Tỷ suất sinh lời 10 năm của thị trường Hàn Quốc chỉ đạt 5%, thấp hơn nhiều so với Nhật Bản (10%) và Mỹ (13%), theo dữ liệu từ MSCI.
HJ Baek, quản lý truyền thông 39 tuổi tại một công ty môi giới, là điển hình cho xu hướng này khi đầu tư 100 triệu Won vào cổ phiếu Mỹ từ năm 2019, bao gồm Tesla, Apple và danh mục của Warren Buffett. Danh mục đầu tư ngoại của cô sinh lời 20%, trong khi khoản đầu tư 20 triệu Won vào cổ phiếu nội địa lỗ 30%.
Cô không phải là trường hợp duy nhất. Nhiều trong số 14 triệu nhà đầu tư cá nhân của Hàn Quốc, nhóm chiếm một nửa khối lượng giao dịch hàng ngày, đang rời bỏ thị trường nội địa do thất vọng với mức định giá thấp.
Khoảng hơn 60% các công ty niêm yết trên Kospi giao dịch với tỷ lệ giá/sổ sách dưới 1, có nghĩa là chúng được định giá thấp hơn giá trị tài sản ròng của mình.
Tâm lý bi quan càng trầm trọng với lo ngại về thuế thương mại cao hơn và cắt giảm trợ cấp cho ngành pin dưới thời ông Trump, cùng với việc cổ phiếu Samsung, chiếm 18% Kospi, đã giảm xuống mức thấp nhất 4 năm vào tháng 11.
Theo ông An Hyung-jin từ Billionfold Asset Management, nhà đầu tư trong nước đang lo sợ bỏ lỡ đợt bùng nổ tại Mỹ trong khi cổ phiếu nội địa tiếp tục gặp khó khăn.
Để hỗ trợ thị trường chứng khoán yếu kém, chính phủ Hàn Quốc đã cho ra mắt một chỉ số mới, bao gồm các doanh nghiệp có hiệu quả vốn được cải thiện, thông qua sáng kiến “Tăng giá trị doanh nghiệp”. Họ cũng cam kết cung cấp ưu đãi thuế cho doanh nghiệp tăng lợi nhuận cổ đông và hủy bỏ kế hoạch áp dụng thuế lãi vốn trong năm nay.
Tuy nhiên, chỉ 3,9% trong số 2.600 doanh nghiệp niêm yết đăng ký hoặc cam kết tham gia sáng kiến này kể từ tháng 2.
Theo các nhà phân tích, định giá thấp của thị trường Hàn Quốc xuất phát từ khung pháp lý được thiết kế để bảo vệ các gia đình sáng lập tập đoàn, gây bất lợi cho cổ đông thiểu số. Nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng vào việc sửa đổi Luật Thương mại sắp tới, quy định trách nhiệm pháp lý của thành viên hội đồng quản trị trong việc bảo vệ quyền lợi cổ đông.
Các chuyên gia cho rằng Hàn Quốc cần giảm thuế thừa kế, hiện đang ở mức cao nhất thế giới lên tới 65%. Mức thuế này khiến các cổ đông kiểm soát tập đoàn gia đình có động lực giữ giá cổ phiếu ở mức thấp “một cách giả tạo”.
"Nếu họ thực sự muốn tái đánh giá, chính quyền nên cải cách các luật thuế liên quan vì thuế cao là lý do lớn nhất khiến các cổ đông kiểm soát không muốn nâng cao giá cổ phiếu", ông Chaiwon Lee, Chủ tịch Life Asset Management tại Seoul, cho biết.
Dù vậy, ông Lee vẫn lạc quan về triển vọng thị trường nội địa, đặc biệt khi xem xét khoảng cách định giá ngày càng lớn so với Mỹ. "Cổ phiếu Mỹ không thể tăng mãi mãi. Với thị trường trong nước gần chạm đáy, tôi nghĩ đây có thể là cơ hội để mua", ông nói.
Tuy nhiên, không phải ai cũng chia sẻ quan điểm này. YJ Lee, một công chức 31 tuổi ở Seoul đã rời bỏ thị trường nội địa từ năm 2019, cho biết cô sẽ tiếp tục đầu tư 500.000 Won mỗi tháng vào cổ phiếu Mỹ, coi đây là lựa chọn an toàn hơn với khả năng phục hồi nhanh sau các đợt điều chỉnh.
Theo FT
>> Điều tra viên Hàn Quốc dừng thi hành lệnh bắt giữ Tổng thống Yoon Suk-yeol