3 điều cha mẹ cần lưu ý nếu con bị bạo lực ở trường: Điều đầu tiên tưởng dễ nhưng khó làm nhất

19-04-2023 14:02|Thúy Quỳnh

Dạy con nhẫn nhịn một cách mù quáng đôi khi sẽ đem đến những tác dụng ngược.

Bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng đều muốn con mình "mỗi ngày đi học là một ngày vui", có những mối quan hệ bạn bè tốt đẹp ở trường. Tuy nhiên trường học cũng giống như một xã hội thu nhỏ, sẽ có niềm vui và cả những mâu thuẫn khó tránh. Con bạn có thể được bạn bè yêu quý, nhưng cũng có thể trở thành đối tượng bạo lực học đường. Đó có thể là bạo hành bằng lời nói, hoặc đánh đập, cô lập,...

Những ngày gần đây, dư luận không khỏi bàng hoàng, sửng sốt trước thông tin liên tục được chia sẻ trên mạng xã hội về việc một nữ sinh lớp 10 Trường THPT chuyên ĐH Vinh tự kết thúc cuộc sống của mình tại nhà riêng.

Theo thông tin được người nhà nạn nhân chia sẻ, nữ sinh vốn học giỏi nhất nhì lớp, thế nhưng gần đây lại bất ngờ bỏ học và từng nói với mẹ "con sợ đi học, con sợ đến trường". Sau đó, khi mẹ tìm hiểu ra mới biết con bị đánh, bị ngược đãi và bị áp đảo tâm lý.

Lo lắng cho con, người mẹ đã đến trường xin cho con chuyển lớp, tìm cô chủ nhiệm để nhờ can thiệp. Phía nhà trường không đồng ý cho nữ sinh chuyển lớp mà hứa sẽ xử lý nghiêm vụ việc khiến người mẹ cũng phần nào yên tâm, tiếp tục cho con học ở ngôi trường ấy. Tuy nhiên, sau đó, nữ sinh nhằm lúc bố mẹ vắng nhà, khóa trái cửa và tự vẫn...

bao-luc-hoc-duong.jpg
Ảnh minh họa.

Vậy trong trường hợp con bị bắt nạt, cha mẹ cần phải xử lý ra sao?

Bước đầu và cũng là bước khó nhất

Bước đầu tiên và cũng là bước nhiều bậc cha mẹ thường khó làm nhất: Đó là đừng ngắt lời kể của trẻ giữa chừng và hãy bình tĩnh lắng nghe lời nói của con. Mục đích của việc này là để tìm hiểu chính xác chuyện gì đã xảy ra, ai đã bắt nạt con bạn, khi nào và ở đâu? Điều này có xảy ra thường xuyên không? Tại sao con bạn lại là mục tiêu? Khi đó con phản ứng như thế nào?...

Những thông tin trên sẽ giúp bạn tìm ra những giải pháp tốt nhất để con đối phó với những kẻ bắt nạt. Ngoài ra, bạn nên ghi chép lại những tình huống này, vì chúng có thể hữu ích nếu bạn gặp lãnh đạo trường học, phụ huynh của những đứa trẻ bắt nạt hoặc cơ quan thực thi pháp luật.

Bạn phải đặt mình vào vị trí của con và xem xét những lời phàn nàn một cách nghiêm túc. Nhấn mạnh với con rằng: Con không phải là người gây ra rắc rối và bạn sẽ tìm ra cách để con không bị tổn thương. Đừng bao giờ đổ lỗi hoặc phớt lờ cảm xúc của con bằng cách nói đơn giản "không có gì phải sợ" hoặc "hãy mạnh mẽ lên".

Bị bắt nạt thực sự là trải nghiệm kinh khủng. Nếu cảm thấy con bị bắt nạt nhưng không dám nói, hãy quan sát các thay đổi trong hành động, lời nói, tính cách của con.

lang-nghe-con.jpg

Nếu cảm thấy có điều gì đó không ổn, đã đến lúc bố mẹ nói chuyện với con. Con có thể che giấu sự thật với bạn vì cảm thấy xấu hổ. Sau khi nói chuyện với con, bạn nên cân nhắc có nên đưa sự việc ra nhà trường hay không. Đừng hứa với trẻ rằng bạn sẽ giữ bí mật cho con, bạn có thể phải can thiệp để bảo vệ con.

Bước hai, không khuyến khích con quá phòng thủ

Trong bộ phim nổi tiếng "The Road Not Taken" (Những ngã rẽ khác) có một tình tiết như sau: Khi đứa con bị bắt nạt, người bố đã hỏi tại sao con không đánh lại? Đứa trẻ nói, dù đánh lại cũng không thắng. Nhưng người bố nói rằng: "Đánh nhau được hay không là vấn đề năng lực, còn dám đánh hay không là vấn đề thái độ. Thái độ quyết định số phận".

Chúng ta vẫn thường nói câu "một điều nhịn, chín điều lành" hay "chuyện to hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không có gì". Tuy nhiên, khi một đứa trẻ liên tiếp bị bắt nạt thì nhẫn nhịn không thể giải quyết được vấn đề. Dạy con nhẫn nhịn một cách mù quáng, đôi khi sẽ đẩy con đến bờ vực đau khổ, tuyệt vọng.

Vì vậy, cha mẹ nên yêu cầu con chọn phương pháp dưới đây phù hợp nhất với hoàn cảnh cá nhân và giúp con thực hành:

Đầu tiên, giữ bình tĩnh và không hành động hấp tấp. Kẻ bắt nạt không chỉ có xu hướng vũ lực mà còn biết rằng mình có thể dụ những đứa trẻ khác vào cuộc. Vì vậy đừng để chúng thấy rằng con đang khó chịu. Con có thể "đeo mặt nạ", giả vờ như không quan tâm đến những hành động, lời nói khó chịu của kẻ bắt nạt. Điều này sẽ khiến con trông kiên quyết và dũng cảm.

Đừng hành động như một nạn nhân bởi những người có hành vi cứng rắn ít bị bắt nạt hơn. Nói "không" một cách dứt khoát, hãy cứng rắn khi nói chuyện với kẻ bắt nạt. Nhìn vào kẻ bắt nạt với thái độ chắc chắn, không sợ hãi để chúng nghĩ rằng con điềm tĩnh và không lảng tránh.

Bên cạnh đó, dạy con bạn cách đáp lại những lời xúc phạm. Hầu hết hành vi bắt nạt là bằng lời nói, chẳng hạn như vu khống, tung tin đồn,... Hãy giúp con xoa dịu sự căng thẳng trong cuộc đối đầu bằng cách đáp lại những lời nói xúc phạm, để chúng không dẫn đến cuộc ẩu đả.

Bước ba, dạy con cách phản kháng

Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học Kauru Yamamoto thuộc Đại học Colorado, bị bắt nạt trước mặt bạn bè đồng trang lứa là vấn đề đáng lo ngại thứ hai đối với trẻ em, sau việc mất đi sự bảo bọc của gia đình. Một khi trẻ bất ngờ bị làm nhục, sự tự tin của trẻ sẽ suy giảm mạnh. Vì vậy cha mẹ nên tìm cách nâng cao sự tự tin cho trẻ thông qua một số cách như:

Học võ: Theo nghiên cứu, một số trẻ nhận thấy rằng bằng cách học võ, đấm bốc hoặc cử tạ, sự tự tin của chúng sẽ tăng lên.

day-tre-hoc-vo.jpg

Nâng cao kỹ năng xã hội: Nếu con bạn bị tấn công vì không giỏi giao tiếp với mọi người, hãy dạy con một số kỹ năng xã hội và sau đó khuyến khích con thực hành nó bằng cách tham gia vào các câu lạc bộ khác nhau, mở rộng quan hệ bạn bè.

Để trẻ thành thạo một kỹ năng: Tìm một điều mà con bạn thích làm và làm tốt hơn những điều khác. Đó có thể là sở thích, thú vui, môn thể thao mà con yêu thích hoặc một trong những tài năng đặc biệt của con. Giúp con phát triển kỹ năng này và sự tự tin của cô ấy sẽ phát triển cùng với nó.

Tóm lại, cách bảo vệ tốt nhất khi con bị bắt nạt là dạy con các chiến lược khác nhau để giúp con có thể đối phó và xây dựng sự tự tin cho bản thân.

Bộ GD&ĐT chỉ đạo khẩn vụ nữ sinh lớp 10 tự tử nghi do bạo lực học đường

Cần có quy định bảo vệ nhà giáo, giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường

Nổ súng ở Pakistan làm 2 công dân Trung Quốc bị thương

Bài thuộc chủ đề Công nghệ, Truyền thông
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/3-dieu-cha-me-can-luu-y-neu-con-bi-bao-luc-o-truong-dieu-dau-tien-tuong-de-nhung-kho-lam-nhat-179142.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    3 điều cha mẹ cần lưu ý nếu con bị bạo lực ở trường: Điều đầu tiên tưởng dễ nhưng khó làm nhất
    POWERED BY ONECMS & INTECH