3 Tập đoàn xây nhà giá rẻ ở Bình Dương, Long An, Đồng Nai: Nơi âm vốn, suýt phá sản; nơi nợ ngập đầu

07-01-2022 17:52|Lam Hồng - Hoàng Tú

Hưng Thịnh, Đồng Tâm, Gỗ Trường Thành, 3 Tập đoàn xây nhà giá rẻ cho công nhân ở Bình Dương, Long An, Đồng Nai đang trong tình trạng nơi lỗ luỹ kế hơn 3.000 tỷ đồng, âm vốn và suýt phá sản; nơi nợ ngập đầu.

Ngày 6/1, Tập đoàn Hưng Thịnh cùng Tập đoàn Đồng Tâm và Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành đã tổ chức lễ công bố sáng kiến nhà ở vừa túi tiền với chất lượng đảm bảo dành cho người lao động phổ thông có thu nhập thấp. Mức giá dự kiến dưới 25 triệu đồng/m2 tại TPHCM và một số tỉnh như Long An, Đồng Nai, Bình Dương sẽ có mức giá dưới 20 triệu đồng/m2.

dong-tam-truong-thanh-hung-thinh(1).jpg

Tập đoàn Hưng Thịnh sẽ là đơn vị đứng ra đầu tư, xây dựng và phát triển những ngôi nhà có chất lượng bảo đảm, giá thành phù hợp với công nhân, người lao động, người có thu nhập thấp… thông qua việc tối ưu hoá hệ sinh thái của tập đoàn.

Tập đoàn Đồng Tâm và Trường Thành sẽ nghiên cứu và cung cấp nguyên vật liệu xây dựng bảo đảm chất lượng, với chi phí phù hợp, góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng ngôi nhà cho nhu cầu phổ thông.

Gỗ Trường Thành: Lỗ luỹ kế hơn 3.000 tỷ đồng, âm vốn và suýt phá sản

Đáng chú ý nhất trong “liên doanh” này chính là Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành. Gỗ Trường Thành trở thành tâm điểm khi có chuỗi ngày lỗ dài dằng dặc. Năm 2012, Gỗ Trường Thành khởi đầu cho “chuỗi bi kịch” khi lỗ 2,9 tỷ đồng. Con số này tăng lên 4,7 tỷ đồng trong năm 2013 và bất ngờ “nhảy dựng” lên con số kỷ lục 1.296 tỷ đồng năm 2016. Năm 2018, thua lỗ giảm 50% nhưng vẫn cao ngất ngưởng lên đến 805 tỷ đồng, và lỗ 1.003 tỷ đồng năm 2019.

go-truong-thanh(1).jpg

Sang năm 2020 và 2021, tình hình tại Gỗ Trường Thành có vẻ tốt hơn. Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu và lợi nhuận của công ty lần lượt đạt 1.111 tỷ đồng và 11 tỷ đồng. Thế nhưng, những con số ít ỏi này vẫn chưa đủ bù đắp cho các khoản lỗ khổng lồ được tích luỹ trong gần 1 thập kỷ qua.

Tại thời điểm 30/9/2021, Gỗ Trường Thành vẫn gánh lỗ luỹ kế lên đến 3.042 tỷ đồng. Kết quả là vốn chủ sở hữu của công ty là âm 552 tỷ đồng. Nghĩa là 3.112 tỷ đồng vốn góp của cổ đông hoàn toàn bị “thổi bay”.

Nhưng đó không phải vết đen lớn nhất của Gỗ Trường Thành. Trước đó, năm 2016, công ty gây rúng động thị trường chứng khoán Việt Nam sau khi Công ty kiểm toán EY phanh phui ra “cú sốc” của Gỗ Trường Thành. Theo đó, trong thuyết minh giá vốn 6 tháng đầu năm 2016 của Gỗ Trường Thành đột ngột xuất hiện khoản mục “Hàng tồn kho phát hiện thiếu khi kiểm kê” lên tới 980 tỷ đồng.

Phát hiện này đã dẫn đến việc Công ty EY phải điều chỉnh thẳng vào chi phí giá vốn quý 2/2016 của công ty khiến cho giá vốn trong 6 tháng đầu năm 2016 tăng vọt lên mức 1.690 tỷ đồng – cao gấp đôi doanh thu. Do đó, công ty lỗ gộp tới 807 tỷ đồng và lỗ ròng 1.073 tỷ đồng.

Đáng chú ý, hàng tồn kho trị giá cao đột ngột “biến mất” lại là tài sản thế chấp tại ngân hàng.

Thuyết minh báo cáo tài chính của công ty này cho biết, các khoản vay ngắn hạn tại ngân hàng được đảm bảo bằng tài sản cá nhân của ông Võ Trường Thành và các cá nhân khác, hàng hóa tồn kho luân chuyển, các tài sản cố định thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn, các khoản phải thu.

Cú sốc này khiến Gỗ Trường Thành đứng bên bờ vực phá sản. Chưa dừng lại ở đó, một trong những câu hỏi được giới đầu tư đặt ra chính là trong vụ việc này các ngân hàng đã thẩm định và giám sát tài sản đảm bảo là hàng tồn kho như thế nào? Liệu Gỗ Trường Thành có “qua mặt” các ngân hàng như đối với các nhà đầu tư?

Hưng Thịnh: 1 đồng vốn… 12 đồng nợ

Tập đoàn Hưng Thịnh gắn liền với tên tuổi nhà sáng lập Nguyễn Đình Trung. Đây là một trong những cái tên nổi bật trên thị trường bất động sản. Bức tranh tài chính Tập đoàn không bết bát như Gỗ Trường Thành. Tuy nhiên, Hưng Thịnh lại khiến giới đầu tư tài chính sốc nặng khi ngập đầu trong nợ nần.

hung-thinh(2).jpg

Hưng Thịnh thành lập trong năm 2007. Sau 13 năm hoạt động, tới thời điểm cuối năm 2020, vốn chủ sở hữu Tập đoàn đạt 2.176 tỷ đồng, tăng 1.472 tỷ đồng, tương đương 209% so với 2016. Như vậy, Hưng Thịnh tăng thần tốc chỉ trong 5 năm.

Nhưng điểm nhấn của Hưng Thịnh chính là nợ khổng lồ. Tại thời điểm cuối năm 2020, Nợ phải trả tại Tập đoàn lên đến 26.484 tỷ đồng, cao gấp 12 lần vốn chủ sở hữu. Nghĩa là Tập đoàn có 1 đồng vốn thì gánh tới 12 đồng nợ. Nợ chiếm tới 92,4% tổng nguồn vốn.

Trong giai đoạn 5 năm (2016-2020), Hưng Thịnh đạt đỉnh về doanh thu trong năm 2018 khi đạt tới 4.913 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ tiêu này nhanh chóng thụt lùi xuống 2.745 tỷ đồng (2019) và 1.444 tỷ đồng (2020).

Lợi nhuận của Hưng Thịnh cũng đang teo tóp dần, chỉ đạt 52,3 tỷ đồng năm 2019, 187 tỷ đồng (2020), thấp hơn rất nhiều so với con số 386 tỷ đồng - mức “đỉnh” thiết lập trong năm 2017.

Trong đó, năm 2021, Hưng Thịnh Land được xem là “ngôi sao” phát hành trái phiếu của hệ sinh thái Hưng Thịnh. Tính chung cả năm, Hưng Thịnh Land huy động hơn 9.000 tỷ đồng trái phiếu

Các trái phiếu mà doanh nghiệp phát hành đều có tài sản đảm bảo là cổ phần tại Hưng Thịnh Land, cổ phần tại Tập đoàn Hưng Tịnh, cổ phiếu Hưng Thịnh Incons, quyền sử dụng đất thuộc dự án Mai Chí Thọ, dự án bất động sản Đồi Dừa Hoàn Mỹ, cổ phần Công ty Thương mại và Dịch vụ Đồi Dừa Hoàn Mỹ, dự án khu Hồ Tràm, dự án khu Phước Long B…

Mục đích sử dụng nguồn tiền huy động được đa phần là để M&A, tăng cường quỹ đất tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Định, TP Thủ Đức – TP HCM…

Đồng Tâm: Công ty phát triển nhà thua lỗ

Công ty cổ phần Đồng Tâm được xem là hạt nhân của hệ sinh thái Đồng Tâm. Bức tranh tài chính của Tập đoàn dù đang đi lùi nhưng vẫn khả quan vì đạt lợi nhuận dương.

Trong giai đoạn 2016-2020, năm 2020, doanh thu Đồng Tâm đạt 461 tỷ đồng, giảm 287 tỷ đồng, tương đương 38,4% so với “đỉnh” thiết lập năm 2018, lợi nhuận sau thuế đạt 63,3 tỷ đồng, giảm 314,7 tỷ đồng, tương đương 83,3%, giảm so với “đỉnh” thiết lập năm 2017.

dong-tam-group(4).jpg

Tập đoàn Đồng Tâm hoạt động chủ yếu trong mảng vật liệu xây dựng, trong đó nổi tiếng nhất là gạch. Đồng Tâm cũng lấn sân sang mảng bất động sản, bao gồm bất động công nghiệp và nhà ở.

Công ty THNN Phát triển nhà Đồng Tâm có vốn khá mỏng, chỉ 69,3 tỷ đồng. Thành lập từ năm 2018 nhưng có vẻ cho đến 2020 công ty vẫn “đóng băng” khi doanh thu trong các năm gần đây đều là 0 đồng và ghi nhận lỗ mỗi năm hơn 200 triệu đồng.

Ở mảng bất động sản công nghiệp, Đồng Tâm ghi nhận có công ty thành viên – liên kết là Công ty cổ phần Khu công nghiệp Long An. Thành lập từ năm 2012 nhưng trong giai đoạn 2016-2018, công ty ghi nhận các khoản thua lỗ lần lượt là 13,5 tỷ đồng, 10,4 tỷ đồng, 11,4 tỷ đồng.

Năm 2019, công ty đạt lợi nhuận khiêm tốn 1,7 tỷ đồng và 30 tỷ đồng. Đáng chú ý, năm 2020, công ty ghi nhận khoản lợi nhuận 30 tỷ đồng dù doanh thu chỉ là 30,8 tỷ đồng.

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/3-tap-doan-xay-nha-gia-re-o-binh-duong-long-an-dong-nai-noi-am-von-suyt-pha-san-noi-no-ngap-dau-129080.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    3 Tập đoàn xây nhà giá rẻ ở Bình Dương, Long An, Đồng Nai: Nơi âm vốn, suýt phá sản; nơi nợ ngập đầu
    POWERED BY ONECMS & INTECH