3 thủ đoạn lừa đảo được sử dụng nhiều trên không gian mạng Việt Nam
Trong nửa đầu năm 2024, số thông tin cá nhân của người dùng bị đánh cắp tăng 50% so với cùng kỳ năm trước.
Từ ngày 28/10 đến 3/11, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) ghi nhận và đánh giá ba thủ đoạn lừa đảo được các đối tượng sử dụng nhiều để đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản tại Việt Nam.
Mạo danh Cục Đăng kiểm Việt Nam
Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có văn bản gửi Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) về tình trạng mạo danh Cục Đăng kiểm Việt Nam nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, hiện nay xuất hiện nhóm đối tượng lừa đảo bằng hình thức gọi điện cho chủ phương tiện thông báo rằng từ 1/10/2024, Cục Đăng kiểm sẽ có mẫu tem kiểm định mới. Nhóm đối tượng yêu cầu chủ phương tiện chuyển khoản 10.000 đồng cho tem và 23.000 đồng cước vận chuyển vào tài khoản của Cục. Nhóm đối tượng cũng hướng dẫn nạn nhân truy cập vào một đường link giả mạo để khai báo thông tin cá nhân phục vụ cho việc đổi tem. Nguy cơ bị đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tài sản rất cao khi chủ phương tiện truy cập vào đường link này.
Mua bán trên mạng xã hội
Thủ đoạn chung của các đối tượng là tạo lập các trang mạng xã hội giả và đăng tải những sản phẩm với giá bán siêu rẻ so với thị trường. Ngoài ra, các đối tượng này sẽ tham gia vào các hội nhóm, đăng bài quảng cáo với những nội dung hấp dẫn, lôi cuốn. Khi có người ngỏ ý mua, đối tượng sẽ yêu cầu đặt cọc, sau đó chặn mọi liên lạc nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền đã cọc của nạn nhân.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Fanpage giả mạo các giải chạy, chương trình giải trí
Các đối tượng sẽ tạo lập các Fanpage giả mạo có giao diện giống với Fanpage chính thức. Tại đây, đối tượng đăng tải những thông tin không chính xác về chương trình cùng với những hình ảnh được sao chép từ nguồn chính thống để dễ dàng lấy lòng tin từ người xem.
Khi nạn nhân sa bẫy, đối tượng sẽ bắt thanh toán những khoản phí như phí tham gia chương trình, phí hệ thống, hoặc các chi phí phát sinh khác. Sau khi đã chuyển khoản theo yêu cầu, đối tượng sẽ lập tức chặn mọi liên lạc và biến mất, để lại nạn nhân với sự mất mát.
Trước sự tinh vi ngày càng cao của các đối tượng lừa đảo, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân hãy cẩn trọng với những bài đăng và thông tin không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội. Đặc biệt, tuyệt đối không giao dịch với những người lạ, và tránh chia sẻ số tài khoản ngân hàng, mã OTP, mật khẩu hay bất kỳ thông tin nhạy cảm nào khác.
Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần lập tức báo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ và xử lý kịp thời
Trong phiên thảo luận về Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đại biểu Trần Quốc Tuấn – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho biết, theo số liệu thống kê, năm 2023, Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới. Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2024, số thông tin cá nhân của người dùng bị đánh cắp tăng 50% so với cùng kỳ năm 2023.
Để ngăn chặn thực trạng này, đại biểu Trần Quốc Tuấn kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo, có biện pháp chủ động phòng ngừa hiệu quả và xử lý kịp thời những vụ án khi phát hiện.
>>Xử lý nghiêm cơ sở sản xuất, mua bán xe đạp điện kém chất lượng
Bộ Công an vô hiệu hóa hội nhóm núp bóng cứu trợ để gây rối, lừa đảo trên mạng
Nhận biết số tài khoản ngân hàng, mã QR lừa đảo với những thao tác đơn giản để tránh mất tiền oan