4 cây cổ thụ vừa được công nhận là 'cây di sản' Việt Nam nằm trên cùng một tỉnh, có cây gần 400 năm tuổi
Những cây cổ thụ được vinh danh sẽ trở thành điểm tham quan hấp dẫn, tạo dấu ấn đặc biệt cho du lịch cộng đồng thiên nhiên độc đáo của địa phương.
Theo Báo Tài nguyên và Môi trường, trong 2 ngày tổ chức lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch các xã vùng cao của huyện Tân Lạc năm 2024 do UBND huyện Tân Lạc (Hòa Bình) tổ chức vừa qua. 4 cây cổ thụ trên địa bàn huyện đã vinh dự được Hội đồng Cây Di sản Việt Nam trao tặng chứng nhận Cây Di sản Việt Nam. Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm khuyến khích bảo vệ môi trường và gìn giữ giá trị văn hóa lâu đời của địa phương.
Các cây được công nhận trong đợt này gồm 3 cây vải tại xóm Chiến, xã Vân Sơn và 1 cây chò đãi tại xóm Bắc Thung, xã Quyết Chiến. Đáng chú ý, cây vải có đường kính hơn 1m, được ước tính gần 400 năm tuổi.
Cây vải có đường kính hơn 1m (Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường)
Phát biểu tại Lễ đón Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam, lãnh đạo UBND huyện Tân Lạc nhấn mạnh rằng sự kiện này không chỉ góp phần gìn giữ, bảo vệ nguồn gen quý của quốc gia mà còn tôn vinh giá trị tài nguyên thực vật và bảo vệ cảnh quan. Đồng thời, việc công nhận các cây cổ thụ là Cây Di sản còn mang ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ tài nguyên và môi trường. Những cây cổ thụ được vinh danh sẽ trở thành điểm tham quan hấp dẫn, tạo dấu ấn đặc biệt cho du lịch cộng đồng thiên nhiên độc đáo của địa phương.
PGS.TS Trần Ngọc Hải (ngoài cùng bên trái) trao Quyết định và Bằng công nhận Cây Di sản cho đại diện địa phương. (Ảnh: Tạp chí Thiên nhiên và Môi trường)
Trước đó, tại huyện Đà Bắc, một quần thể gồm 5 cây chò xanh (Terminalia myriocarpa Henrila) tại khu vực Bưa Phay, thuộc lô 06, khoảnh 34, tiểu khu 15 cũng đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Được biết, khu vực này nằm ở vùng giáp ranh giữa xã Đoàn Kết và xã Đồng Chum, huyện Đà Bắc.