40 vụ việc kiểm toán có dấu hiệu vi phạm pháp luật được chuyển sang cơ quan điều tra
Trong quá trình kiểm toán, nếu phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tội phạm, KTNN sẽ kiến nghị hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ, xem xét, xử lý.
Chiều 2/7, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tổ chức Họp báo công bố công khai báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2023 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN năm 2022.
Tại buổi họp báo, Phó Tổng KTNN Hà Thị Mỹ Dung nhấn mạnh, hiệu quả hoạt động kiểm toán của KTNN tập trung chủ yếu ở khía cạnh phòng ngừa, phát hiện ra sai phạm. Đồng thời, KTNN cũng đưa ra những kiến nghị như: Xử lý tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước; hoàn thiện cơ chế, chính sách và chấn chỉnh trong công tác quản lý và sử dụng ngân sách, tài chính, tài sản công.
Theo bà Dung, trong quá trình kiểm toán, nếu phát hiện các vấn đề, vụ việc có dấu hiệu tội phạm, KTNN sẽ kiến nghị hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ, xem xét, xử lý theo quy định.
Phó Tổng KTNN Hà Thị Mỹ Dung phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: N.Lộc (Báo Kiểm toán) |
Trong thời gian qua, KTNN đã chuyển 40 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho cơ quan điều tra các cấp. Trong những vụ việc này, cơ quan điều tra đã xử lý, giải quyết xong 35 vụ việc (14 vụ việc đã khởi tố, điều tra, xử lý; 21 vụ việc có ý kiến để điều tra, giám định) và một số cuộc khác cần có thời gian để tiếp tục điều tra, xác minh trong thời gian tới.
Ngoài ra, KTNN cũng đã chuyển 2 vụ việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý; cung cấp gần 2.000 hồ sơ, báo cáo kiểm toán cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan điều tra và các cơ quan khác có thẩm quyền.
Phó Tổng KTNN cho biết, trong quá trình phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền và cơ quan điều tra xử lý những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, KTNN luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực, kịp thời.
Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm tất cả các vụ việc, bà Dung cho rằng, đây là việc khó bởi nhiều vấn đề cần có thời gian để điều tra, xác minh. Do đó, trong thời gian tới, KTNN sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa và có các văn bản, quy chế phối hợp với các cơ quan liên quan.
Năm 2023, KTNN đã thực hiện kiểm toán thành công 135 nhiệm vụ với 174 Đoàn kiểm toán và phát hành 248 Báo cáo kiểm toán.
Trong đó, KTNN thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách tại 25 bộ, cơ quan trung ương và 52 địa phương; thực hiện 33 nhiệm vụ kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động.
Bà Hà Thị Mỹ Dung thông tin thêm, KTNN đã ban hành Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Đây là một tài liệu rất quan trọng của KTNN để đảm bảo khi kiểm toán viên phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, vi phạm pháp luật thì KTNN sẽ có quy trình kiểm toán riêng.
>> 19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được Kiểm toán Nhà nước chuyển đến Công an
Tổng Kiểm toán Nhà nước ‘đăng đàn' trả lời chất vấn Quốc hội
Kiểm toán Nhà nước đã cảnh báo các rủi ro của ngân hàng SCB từ năm 2019