5 dấu hiệu xuất hiện ở bàn tay cảnh báo bệnh trong người, thậm chí có cả ung thư
Nhiều thay đổi trên đôi bàn tay cũng có thể trở thành dấu hiệu giúp các bác sĩ có thể chẩn đoán đúng tình trạng sức khỏe người bệnh.
Bàn tay có thể tiết lộ nhiều điều về tình trạng sức khỏe. Tiến sĩ Kelly Weselman, bác sĩ thấp khớp tại Viện WellStar Rheumatology (Mỹ) từng tiết lộ rằng: "Bạn có thể hiểu được nhiều điều về sức khỏe chỉ bằng cách nhìn vào bàn tay".
Sức nắm yếu
Lực cầm nắm yếu có thể là biểu hiện của sự suy giảm sức khỏe tổng thể. Bác sĩ Anne Albers, chuyên gia tim mạch tại Bệnh viện Tim Ohio, nhấn mạnh: "Trong quá trình khám sức khỏe, chúng tôi thường kiểm tra lực cầm nắm của bệnh nhân. Sức nắm yếu thường đồng nghĩa với sức khỏe yếu".
Một đánh giá năm 2016 trên Tạp chí Tim mạch Quốc tế chỉ ra rằng, ở người cao tuổi, sức nắm tay yếu kết hợp với dáng đi chậm chạp là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ tử vong do bệnh tim cao. Ngoài ra, một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí PLOS One, thực hiện trên người từ 40 đến 69 tuổi, cho thấy lực nắm mạnh là biểu hiện của chức năng tim khỏe mạnh. Các nhà nghiên cứu cho rằng, trong tương lai, sức nắm có thể trở thành một phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả để đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim.
Gốc móng tay sưng to
Khi đặt hai đầu ngón trỏ sát nhau, thông thường sẽ xuất hiện một khoảng trống hình thoi gọi là "khoảng trống kim cương". Tuy nhiên, nếu giữa hai móng tay không có khoảng trống này, đây có thể là dấu hiệu của ung thư phổi. Y học gọi hiện tượng này là "thử nghiệm cửa sổ Schamroth" hoặc "ngón tay dùi trống", một phương pháp đơn giản thường được bác sĩ sử dụng để tầm soát ung thư và bệnh tim mạch.
Theo Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Anh, hiện tượng này xảy ra do khối u sản xuất hormone khiến chất lỏng tích tụ, làm gốc móng tay sưng to. Đây là triệu chứng phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 35% người mắc ung thư phổi. Khi gốc móng tay sưng, hai móng áp sát sẽ không còn khoảng trống.
Triệu chứng sưng gốc móng xuất hiện ở nhiều giai đoạn của bệnh. Ban đầu, móng tay mềm và cong dần, vùng da xung quanh trở nên sáng bóng. Gốc móng phát triển lớn hơn bình thường và phần đầu móng phồng lên. Nếu giữa hai móng tay không có khoảng trống, các chuyên gia khuyến cáo người bệnh nên đến bác sĩ kiểm tra càng sớm càng tốt.
Mụn đỏ hoặc mụn nước li ti
Phát ban đỏ trên bàn tay hoặc cổ tay, đôi khi kèm theo mụn nước chảy mủ, có thể là dấu hiệu của dị ứng niken. Theo Viện Da liễu Mỹ, niken là một trong những nguyên nhân phổ biến gây dị ứng da.
Các đồ vật chứa niken trong sinh hoạt hàng ngày, như vòng tay, đồng hồ, nhẫn, và thậm chí điện thoại di động, đều có thể tiếp xúc với da và gây dị ứng. Một số người còn phát triển triệu chứng do ăn thực phẩm chứa niken.
“Niken có trong các loại thực phẩm như đậu, chocolate, đậu phộng, đậu nành, bột yến mạch và granola (hạt tổng hợp)”, giáo sư Salma Faghri de la Feld, thuộc Khoa Da liễu tại Đại học Emory ở Atlanta, cho biết.
Cả hai tình trạng trên đều cần được chú ý và theo dõi chặt chẽ để bảo vệ sức khỏe kịp thời.
Ngón tay trắng, xanh hoặc bầm đỏ
Ngón tay chuyển trắng bệch, sau đó xanh hoặc bầm đỏ khi gặp thời tiết lạnh hoặc trong trạng thái căng thẳng có thể là dấu hiệu của hội chứng Raynaud. Theo Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia, sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ hoặc cảm xúc có thể làm giảm lưu lượng máu tạm thời đến các ngón tay và ngón chân, dẫn đến tình trạng tê, lạnh hoặc đau.
Đau tay, cứng khớp và sưng tấy
Các triệu chứng đau, cứng và sưng khớp tay, đặc biệt ở phụ nữ, có thể liên quan đến một số bệnh viêm nhiễm như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vẩy nến, lupus, viêm mạch, xơ cứng hoặc viêm da. Tiến sĩ Weselman cũng lưu ý rằng, sưng bàn tay có thể là dấu hiệu của bệnh viêm ruột, một bệnh lý thường ảnh hưởng đến mắt cá chân và bàn tay.
Phát hiện sớm ung thư nhờ xem livestream của bác sĩ
Loại ung thư 77% ca vào viện đã ở giai đoạn 4, tỷ lệ sống 5 năm chỉ khoảng 35%