55/61 quỹ đầu tư có hiệu suất 'chiến thắng' VN-Index trong tháng 9/2024
Tháng 9/2024, 87% quỹ cổ phiếu có hiệu suất vượt VN-Index, nhưng nhìn chung giảm so với tháng 8 do thanh khoản yếu và thiếu ngành dẫn dắt. Dòng vốn đảo chiều vào ròng 1.114,6 tỷ đồng sau 9 tháng rút ròng, chủ yếu chảy vào quỹ mở.
Theo báo cáo phân tích từ FiinGroup, trong tháng 9/2024, 87% các quỹ cổ phiếu (55/61 quỹ) ghi nhận hiệu suất vượt VN-Index, với mức tăng trung bình là 0,3%.
Dẫn đầu là các quỹ ETF như SSIAM VNFINLEAD (+5%) và KIM GROWTH VN30 ETF (+4,2%) nhờ danh mục cổ phiếu thuộc ngành ngân hàng và chứng khoán; cùng với đó là United Vietnam Opportunity Fund (+4,4%) và TCFIN (+4,2%). "Cá mập" Phần Lan, PYN Elite, cũng đạt hiệu suất 2,8%.
Nguồn: FiinGroup |
Tuy nhiên, so với tháng 8/2024, hiệu suất trong tháng 9 của hầu hết các quỹ đều giảm trong bối cảnh thị trường chung kém thuận lợi với: (1) thanh khoản giảm tháng thứ ba liên tiếp, chạm mức thấp nhất trong gần một năm; (2) nhà đầu tư cá nhân đẩy mạnh bán ròng; và (3) thiếu vắng ngành dẫn dắt.
Tính từ đầu năm 2024, VN-Index đã tăng 14%, và theo hệ thống FiinPro-X, có 38/61 quỹ đầu tư cổ phiếu được thống kê đạt mức tăng trưởng vượt xa chỉ số này. Đáng chú ý là Quỹ Cổ phiếu Kinh tế Hiện đại VinaCapital (+33,3%), Quỹ ETF DCVFMVN Diamond (+30,5%), và Quỹ Tăng trưởng Dài hạn Việt Nam (+28,6%). Điểm chung của ba quỹ này là đều có FPT và ACB trong top danh mục nắm giữ.
Nguồn: FiinGroup |
Dòng vốn đầu tư vào các quỹ đã đảo chiều trong tháng 9/2024, ghi nhận vào ròng hơn 1.114,6 tỷ đồng, sau khi bị rút ròng suốt 9 tháng liên tiếp trước đó (với lũy kế hơn 18.000 tỷ đồng). Xét theo loại hình quỹ, dòng vốn tiếp tục chảy vào nhóm quỹ chủ động và giảm rút ròng ở nhóm quỹ thụ động.
Sự phân hóa về dòng vốn theo loại hình quỹ diễn ra rõ nét trong tháng 9: dòng vốn duy trì xu hướng vào ròng ở nhóm quỹ mở (+655 tỷ đồng), trong khi rút ròng khỏi các quỹ ETF (-846 tỷ đồng) và quỹ đóng (-839 tỷ đồng). Đối với quỹ mở, dòng vốn phân bổ chủ yếu vào Quỹ Chứng khoán Năng động DC (VFMVF1) với 239 tỷ đồng, gấp 5,62 lần so với tháng trước. Ngược lại, lực rút ròng ở quỹ ETF chủ yếu đến từ quỹ Fubon FTSE Vietnam (-672 tỷ đồng); và ở quỹ đóng, lực rút ròng lớn nhất đến từ quỹ VEIL (-511 tỷ đồng).
Lũy kế trong 12 tháng, nhóm quỹ mở ghi nhận vào ròng hơn 6.700 tỷ đồng, trong khi dòng vốn rút ra ở nhóm quỹ đóng và ETF lần lượt là 4.800 tỷ đồng và 29.900 tỷ đồng.
Nguồn: FiinGroup |
Về tỷ trọng tiền mặt, 10/18 quỹ mở đầu tư cổ phiếu đã hạ tỷ trọng tiền mặt trong tháng 9/2024, chủ yếu là các quỹ có quy mô dưới 1.000 tỷ đồng. Ngược lại, nhóm quỹ có quy mô lớn hơn lại gia tăng tỷ trọng tiền mặt, như Quỹ Cổ phiếu Việt Nam Chọn lọc (VFMVSF) với tổng vốn 6.034 tỷ đồng, nắm giữ 5,9% tiền mặt (tăng 1% so với tháng 8/2024); Quỹ Tăng trưởng Dài hạn Việt Nam (VLGF) với tổng vốn 4.591 tỷ đồng, nắm giữ 5,8% tiền mặt (tăng 0,9% so với tháng 8/2024)...
>> Quỹ hơn 13.000 tỷ đồng chuẩn bị 'xả' nhóm ngân hàng để mua gần 26 triệu cổ phiếu MWG
Cổ phiếu bất động sản và cảng biển lên ngôi, VN-Index tiếp đà hồi phục
Vincom Retail (VRE) đã thu hồi toàn bộ các khoản cho vay nhóm Vingroup (VIC) trong quý III/2024