6 biện pháp phòng ngừa bệnh tay chân miệng cho trẻ theo khuyến cáo của Bộ Y Tế
Bệnh tay chân miệng hiện chưa có vắc xin phòng bệnh. Để chủ động phòng chống, Sở y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh.
Đối tượng mắc bệnh tay, chân, miệng
Tất cả những người chưa từng mắc bệnh tay, chân, miệng đều là đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, độ tuổi chủ yếu là trẻ dưới 10 tuổi, nhưng thường gặp nhất là trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là dưới 3 tuổi. Trẻ càng nhỏ tuổi thì biến chứng càng dễ diễn biến.
Đối tượng mắc bệnh tay, chân, miệng thường là trẻ nhỏ vì cơ thể trẻ có ít kháng thể và khả năng miễn dịch của kém hơn khi tiếp xúc với virus gây bệnh. Hầu hết người lớn đã được miễn dịch, nhưng vẫn có số ít trường hợp mắc bệnh là thanh thiếu niên và người lớn.
Khuyến cáo về phòng bệnh chân, tay, miệng của Bộ Y Tế
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
- Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Các phương pháp vệ sinh đồ chơi cho trẻ
Đối với đồ chơi chung tại nhà trẻ, khu vui chơi, trường học… nên tiến hành khử trùng hàng ngày. Rửa đồ chơi với xà bông, nước, khử trùng bằng các chất tẩy, tráng lại với nước và lau bằng khăn sát trùng.
Với đồ chơi rửa được trong nước: Bố mẹ nên ngâm trong dung dịch nước ấm và xà phòng, rửa lại bằng nước sạch và hong khô.
Với đồ chơi không rửa bằng nước, có thể lau bằng gạc cồn, lưu ý vệ sinh các góc, hốc cạnh, chỗ nứt để đảm bảo vệ sinh.
>> 4 siêu thực phẩm là ‘khắc tinh’ của huyết áp cao, một loại là quả ‘quốc dân’ của Việt Nam