Các nhà khoa học gấp rút đánh giá mức độ nguy cấp và xây dựng biện pháp bảo tồn cho các loài thực vật mới được phát hiện này.
Thông tin trên trang Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, trong quá trình điều tra tính đa dạng thực vật hang động ở miền Bắc, PGS.TS Đỗ Văn Trường cùng cộng sự tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã gặt hái thành công vang dội trong hành trình nghiên cứu sự đa dạng thực vật hang động ở khu vực miền Bắc.
Nhóm nghiên cứu đã ghi nhận 3 loài thực vật mới cho khoa học thế giới, lần lượt là Bredia bullata, Microchiriata minor, Primulina crassifolia. Bên cạnh đó, 6 loài thực vật khác cũng được bổ sung vào khu hệ thực vật Việt Nam, bao gồm Aristolochia austroyunnanensis, Brandisia kwangsiensis, Euchresta tubulosa, Henckelia nanxiensis, Primulina jingxiensis, Spiradiclis baishaiensis.
Hành trình khám phá 33 hang động tại 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam, các nhà khoa học đã thu thập được bộ sưu tập mẫu tiêu bản khổng lồ, hé lộ 337 loài thực vật thuộc 142 chi và 63 họ khác nhau. Trong đó, nhóm Dương xỉ (Pteridophytes) gồm 53 loài (chiếm 15,73%) và nhóm Hạt kín (Angiospermae) với 284 loài (chiếm 84,27%).
Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra 221 loài có giá trị sử dụng với mục đích làm cảnh, làm thuốc, lấy gỗ củi, lương thực, thực phẩm. Đặc biệt 40 loài có nguồn gene quý hiếm. Sau khi phát hiện, nhóm nghiên cứu đã xây dựng cơ sở dữ liệu về hình thái và sinh thái cho 337 loài thực vật. Đồng thời, họ cũng xây dựng dữ liệu phân tử cho 25 loài thực vật hang động đặc hữu và các loài mới được phát hiện và mô tả tại Việt Nam.
PGS.TS Đỗ Văn Trường cho biết, 25 loài thực vật hang động tại khu vực miền Bắc đã được xác định và đưa vào Danh lục Đỏ, trong đó có 4 loài được liệt kê trong Sách đỏ Việt Nam. Các nhà khoa học đã bước đầu tiến hành đánh giá mức độ nguy cấp và tình trạng bảo tồn cho những loài thực vật này. Bên cạnh đó, họ cũng thực hiện các nghiên cứu chi tiết nhằm xác định hiện trạng bảo tồn và đề xuất các biện pháp bảo vệ thích hợp cho những loài thực vật mới được phát hiện trong các hang động ở Việt Nam.
Được biết, hệ thống hang động ở Việt Nam ẩn chứa nhiều giá trị sinh học độc đáo và phong phú. Việc đánh giá tính đa dạng của thực vật trong các hang động không chỉ cung cấp nền tảng khoa học vững chắc mà còn là cơ sở để xây dựng các chương trình bảo tồn và phát triển bền vững nguồn gene của các loài thực vật quý hiếm, đặc hữu và có giá trị cao. Những nỗ lực này góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế xã hội, đồng thời đóng góp tích cực vào công cuộc phục hồi hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi ở Việt Nam.
>> Hàng chục con sông đột ngột chuyển sang màu cam, các nhà khoa học nói gì?