Không chỉ là một hang động với những kỳ tác của thiên nhiên, đây còn là nhân chứng sống cho một nền văn hóa của người Việt cổ.
Hang Tiên Ông (còn gọi là hang Cái Đục hay hang Rền), nằm ở trung tâm hòn Cái Tai (khu vực đảo Hang Trai), ngay sau lưng làng chài Cửa Vạn trên vịnh Hạ Long. Hang cách Cảng tàu Du lịch Quốc tế Tuần Châu và Hạ Long lần lượt là khoảng 18km và 16,5km; cách Hà Nội gần 140km.
Hang Tiên Ông nằm trên độ cao 5m so với mực nước biển, có cửa vào rộng tới 50m. Chiều dài của hang khoảng 156m, không quá dài so với các động lớn khác trên vịnh, lòng hang rộng ước khoảng hơn 1.000m2. Ở khoảng giữa hang, các măng, nhũ đá buông từ trên xuống và cả mọc từ dưới lên như tạo thành bức bình phong, chia hang thành hai ngăn.
Tại ngăn phía trong có một khối nhũ đá, trông xa gần giống hình một ông bụt, người dân chài lấy đó mà gọi tên hang là hang Tiên Ông. Do mặt hang quay về hướng Đông Nam, trước cửa hang lại có nhiều khối thạch nhũ rơi xuống kê chắn nên không khí trong hang luôn thoáng đãng, mát về mùa hè, mùa đông thì tránh được đáng kể những cơn gió lạnh.
Mang vẻ đẹp như một tạo tác kỳ thú của thiên nhiên, hang Tiên Ông còn là "bảo tàng" ngoài trời đặc biệt, mang tới cho du khách một chuyến tham quan thú vị về tiền sử, minh chứng sự sống đã tồn tại ở đây xa từ hàng nghìn năm trước. Hang từng là địa điểm khảo cổ, nơi nhà khảo cổ học nổi tiếng người Thụy Điển J.G Anderson phát hiện dấu tích người cổ Văn hoá Hạ Long thời hậu kỳ đá mới vào năm 1938.
Năm 2007, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã phối hợp với Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Sở Văn hoá Thông tin (nay là Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch) tiến hành nghiên cứu, khai quật di tích khảo cổ hang Tiên Ông. Đoàn đã mở 4 hố khai quật, 1 hố thám sát vói tổng diện tích 42m2, thu được trên 2 tấn vỏ nhuyễn thể cùng một khối lượng xương động vật, trong đó nhuyễn thể nước ngọt chiếm 95-97%, còn lại là nhuyễn thể biển; 137 hiện vật chất liệu đá; 2 công cụ mũi nhọn chất liệu xương; 163 mảnh gốm chủ yếu gốm thô, văn thừng kếp hợp ấn lõm.
Theo kết quả khai quật, nghiên cứu của các nhà khảo cổ học: hang Tiên Ông chính là một trong những điểm cư trú, sinh sống của người Việt cổ thuộc giai đoạn sơ kì đá mới, với nền văn hóa Soi Nhụ trên vịnh Hạ Long. Di tích có niên đại cách ngày nay khoảng từ 8.000-10.000 năm, thuộc giai đoạn Hòa Bình - Bắc Sơn nổi tiếng của Việt Nam.
Cấu trúc địa chất động Tiên Ông chia làm 6 ngăn chính, tuy nhiên cách phân chia 6 ngăn này chỉ có giá trị với địa chất học, còn với du khách chủ yếu vẫn là chia theo 2 phần chính theo trực quan để dễ phân biệt. Trên nền động ngổn ngang những khối đá với hình thù chưa hoàn chỉnh, đây là những khối đá đổ sập từ trần động xuống trong quá trình chấn động địa chất nơi đây. Các khối đá vôi, các khối măng nhũ kỳ dị là kết quả của quá trình nứt vỡ, đứt gãy địa chất qua hàng triệu năm mà hiện nay vẫn còn tiếp diễn.
Đến Cửa Vạn, ngoài tham quan hang Tiên Ông, du khách còn có thể đi tham quan một số điểm du lịch văn hoá khác như đền Cậu Vàng, Trung tâm Văn hoá nổi Cửa Vạn, đền Bà Men... Và tại Trung tâm văn hoá nổi Cửa Vạn, qua các hiện vật, du khách sẽ được giới thiệu những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể đặc sắc của người dân chài Hạ Long. Không chỉ vậy, du khách còn được thưởng thức những câu hát giao duyên ngọt ngào do chính con em ngư dân làng chài thể hiện.