Ngày 30/10, Tổng thống J.Biden đã công bố sắc lệnh hành pháp về trí tuệ nhân tạo (AI), đề ra quy chuẩn về sự an toàn, cách sử dụng, sự công bằng và dân chủ trong lĩnh vực này.
Sắc lệnh được mong đợi từ lâu này ra mắt vào thời điểm quan trọng, khi các quốc gia trên toàn thế giới chạy đua khai thác tiềm năng của trí tuệ nhân tạo (AI).
Nội dung sắc lệnh đề cập đến nhiều khía cạnh, từ quyền sở hữu trí tuệ đến cải thiện quyền riêng tư, hướng tới việc tạo ra một chiến lược cân bằng và tiến bộ cho việc phát triển và triển khai AI. Ngoài ra, sắc lệnh còn đề cập đến lao động và người nhập cư, ghi nhận ảnh hưởng đa chiều của AI đối với cơ cấu xã hội.
Bảo vệ bằng sáng chế và bản quyền
Trong nỗ lực thúc đẩy sự đổi mới một cách hợp pháp, sắc lệnh đã đưa ra cho Văn phòng Nhãn hiệu và Bằng sáng chế Mỹ (USPTO) các hướng dẫn cụ thể liên quan đến bằng sáng chế AI.
USPTO sẽ chịu trách nhiệm hướng dẫn cho cả người kiểm tra bằng sáng chế và ứng viên về cách sử dụng AI. Điều này được kỳ vọng sẽ hợp lý hóa quy trình cấp bằng, đảm bảo rằng các nhà sáng chế có lộ trình minh bạch để bảo vệ những sáng chế của họ.
Sắc lệnh còn đi sâu vào việc sử dụng tác phẩm có bản quyền để huấn luyện các thuật toán AI - một lĩnh vực đòi hỏi các khuôn khổ pháp lý rõ ràng để thúc đẩy sự phát triển và đảm bảo tính công bằng.
Cải thiện quyền riêng tư và an toàn thông tin
Sắc lệnh khuyến khích các công ty liên bang áp dụng các biện pháp nâng cao quyền riêng tư để bảo vệ thông tin thu thập. Nội dung này nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền riêng tư, coi đó là nền tảng cho niềm tin vào các ứng dụng AI.
Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF) được giao nhiệm vụ tài trợ cho chương trình nghiên cứu mới nhằm mục đích xây dựng, phát triển và triển khai công nghệ về quyền riêng tư dành cho các cơ quan liên bang.
Bằng cách tăng cường nghiên cứu và cải tiến các công nghệ, sắc lệnh dự kiến sẽ hình thành một khuôn khổ vững chắc để an toàn thông tin và đổi mới AI có thể đồng hành cùng phát triển.
Quy định về sử dụng AI trong lĩnh vực lao động
Khi AI tiếp tục thâm nhập vào nhiều lĩnh vực, tác động của nó đối với lực lượng lao động là rất rõ ràng. Một trong những nội dung cốt lõi được nhấn mạnh trong sắc lệnh là khả năng giám sát nhân viên quá mức thông qua ứng dụng công nghệ AI.
Những hậu quả của việc giám sát mang tính xâm phạm bằng AI không chỉ làm xói mòn niềm tin, mà còn hình thành một môi trường làm việc tiêu cực. Do đó, sắc lệnh nhấn mạnh rằng việc triển khai AI không được hướng đến sự giám sát quá mức đối với người lao động.
Sắc lệnh gửi một thông điệp minh bạch về việc đưa người lao động vào trọng tâm của các chính sách bảo vệ liên quan đến AI.
Văn phòng Lao động Mỹ (USBLS) có nhiệm vụ tập hợp các nghiên cứu về kết quả thị trường lao động của AI và xem xét khả năng của các cơ quan liên bang trong việc hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do AI. Điều đó đảm bảo rằng khi công nghệ AI phát triển, quyền và phúc lợi của lực lượng lao động vẫn được ưu tiên hàng đầu.
Cải cách luật nhập cư để phát triển AI
Quá trình phát triển AI là một cuộc chiến khốc liệt về công nghệ để bảo đảm lợi thế quốc gia. Sắc lệnh đã đưa ra các chỉ thị nhằm thu hút những người nhập cư có trình độ cao để đóng góp cho lĩnh vực AI của Mỹ.
Điều này bao gồm việc đánh giá đầy đủ và đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực cho những người nhập cư có trình độ về AI hoặc các công nghệ ứng dụng quan trọng khác.
Sắc lệnh yêu cầu các cơ quan, tổ chức Mỹ tiến hành các chiến dịch ở nước ngoài để quảng bá cho chính sách thu hút nhân tài của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ AI và các ngành khoa học ứng dụng đang phát triển khác.
Thúc đẩy ngành sản xuất chất bán dẫn
Ngành công nghiệp bán dẫn là xương sống của quá trình phát triển AI, cung cấp phần cứng quan trọng thúc đẩy các thuật toán AI.
Sắc lệnh đề ra các biện pháp nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất chất bán dẫn, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến đối thủ cạnh tranh và thúc đẩy những công ty quốc gia trong hệ sinh thái bán dẫn.
Sắc lệnh yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ đảm bảo rằng các công ty bán dẫn nhỏ sẽ được thu hút vào Trung tâm Chuyên môn Bán dẫn Quốc gia - một tập đoàn nghiên cứu mới.
Sáng kiến này sẽ nhận được nguồn kinh phí đáng kể trong tổng số 11 tỷ USD trợ cấp được quy định theo Đạo luật Khoa học và CHIPS năm 2022.
Sắc lệnh cũng đề ra các chương trình tham vấn để mở rộng ngành kinh doanh chip và các gói phát triển lực lượng lao động.
Những biện pháp này sẽ tạo ra một lĩnh vực bán dẫn phát triển mạnh mẽ và năng động, rất cần thiết cho tham vọng của Mỹ trong lĩnh vực AI.
Các sáng kiến về trường học, nhà ở và viễn thông
Sắc lệnh đã mở rộng phạm vi tiếp cận sang nhiều lĩnh vực khác nhau, phản ánh tầm ảnh hưởng sâu rộng của AI. Trong lĩnh vực đào tạo, “bộ công cụ AI” sẽ được xây dựng để giúp triển khai các đề xuất sử dụng AI trong lớp học, từ đó khai thác tiềm năng của AI để bổ sung cho lĩnh vực này.
Trong lĩnh vực nhà ở, sắc lệnh giải quyết các nguy cơ phân biệt đối xử bằng AI, tạo ra các rào cản trong quy định về cho vay và nhà ở, ngăn chặn sự phân biệt đối xử trong quảng cáo kỹ thuật số sử dụng AI.
Sắc lệnh đưa ra hướng dẫn về việc sử dụng AI nhằm chống lại các cuộc gọi tự động và tin nhắn robot không mong muốn, cũng như khai thác tiềm năng của nó trong việc triển khai công nghệ 5G và 6G trong tương lai. Mục đích là tận dụng AI để tăng cường khả năng của mạng lưới truyền thông - cơ sở hạ tầng quan trọng trong thế giới kỹ thuật số ngày nay.
Sắc lệnh của Tổng thống Biden rõ ràng không chỉ đơn thuần chỉ đề cập đến vấn đề phát triển công nghệ, mà còn tạo ra một quỹ đạo cân bằng cho quá trình phát triển của AI.
Việc nhấn mạnh vào quyền riêng tư và bảo mật thông tin thể hiện tầm quan trọng của niềm tin và đạo đức trong việc phát triển AI.
Bằng cách tạo ra một hệ sinh thái thuận lợi cho đổi mới AI, sắc lệnh đã hình thành một khuôn khổ vững chắc để Mỹ định hướng sự phát triển của AI trên toàn thế giới.
(theo Aifortech)
Tại sao Mỹ cố gắng ngăn cản Trung Quốc tiếp cận chip HBM?
Nvidia mua lại VinBrain, Vingroup còn 4 trụ cột công nghệ và AI chiến lược