Khai mạc Diễn đàn Truyền thông và Nhóm tư vấn BRICS
Được tổ chức sau Thượng đỉnh BRICS ở thành phố Rio de Janeiro của Brazil, Diễn đàn Truyền thông và Nhóm tư vấn BRICS diễn ra từ ngày 15-17/7, quy tụ khoảng 250 đại biểu bao gồm quan chức chính phủ, nhà báo, nhà nghiên cứu, doanh nhân…, chủ yếu từ các nước thành viên, đối tác của khối BRICS, trong đó có đại biểu đến từ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Diễn đàn năm nay với chủ đề “BRICS thống nhất: Mở ra chương mới cho Phương Nam toàn cầu”, gồm 3 hội thảo chuyên sâu - Hợp tác BRICS: Thúc đẩy phát triển lớn hơn cho Phương Nam toàn cầu, Tiếng nói BRICS: Ảnh hưởng ngày càng tăng của Phương Nam toàn cầu, Sức mạnh BRICS: Định hình lại tương lai của quản trị toàn cầu. Các hoạt động chính của Diễn đàn Truyền thông và Nhóm tư vấn BRICS lần thứ 7 được tổ chức ngày 16/7, bao gồm các đại biểu chủ chốt phát biểu, lễ ra mắt
Chương trình Đối tác truyền thông chung Phương Nam toàn cầu, phiên họp toàn thể và hội thảo chuyên đề về trí tuệ nhân tạo (AI). Các phiên thảo luận xoay quanh chủ đề của Diễn đàn, về hợp tác và phát triển AI...
Chương trình Đối tác truyền thông chung Phương Nam toàn cầu có 3 mục tiêu hợp tác.
Thứ nhất, dưới sự dẫn dắt của việc chia sẻ thông tin và truyền thông hợp tác, khuếch đại tiếng nói của Phương Nam toàn cầu, thúc đẩy một thế giới đa cực công bằng và có trật tự, cũng như khuyến khích toàn cầu hóa kinh tế mang tính bao trùm và công bằng.
Thứ hai, cùng nhau xây dựng Mạng lưới tin tức-truyền thông Phương Nam toàn cầu, tạo điều kiện trao đổi thông tin và chia sẻ tài nguyên, từ đó nâng cao hiệu quả và phạm vi lan tỏa thông tin liên quan đến khu vực này.
Thứ ba, làm sâu sắc thêm hợp tác thực chất trên nhiều lĩnh vực trong khuôn khổ Diễn đàn. Theo đó, có 3 lĩnh vực hợp tác chính, gồm chia sẻ thông tin, công bố báo cáo và nghiên cứu tình huống, và thúc đẩy các hoạt động hợp tác khác.Một đại biểu Việt Nam nói rằng, Diễn đàn là một cơ hội tốt để các nước ASEAN mới trở thành thành viên hoặc đối tác của BRICS như Indonesia, Việt Nam... góp phần nâng cao tiếng nói của các nước đang phát triển ở Nam bán cầu trong các vấn đề nóng của khu vực và thế giới. Đồng thời, đề xuất các sáng kiến thiết thực trong các lĩnh vực như y tế, biến đổi khí hậu, AI, giáo dục kỹ thuật số... phù hợp với nhu cầu phát triển và lợi ích quốc gia. Ví dụ, Việt Nam có thể cử chuyên gia tham gia các lực lượng chuyên trách của BRICS về AI, y tế, tài chính; đề xuất làm đầu mối cho mạng lưới nghiên cứu bệnh nhiệt đới của BRICS vì Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá cao năng lực phòng dịch và y tế dự phòng của Việt Nam...